“Miệng tử thần” ở bản Ngàm Thanh Hóa
VOV.VN - Vào mùa mưa ở đây nước cứ trào ra từ chân núi, như muốn nuốt chửng gần 30 hộ dân ở bản bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn.
Nằm lọt thỏm trong lòng chảo, 4 bề là núi cao chót vót, nhiều nơi đã lộ ra những vết nứt, có thể sạt trượt bất cứ lúc nào. Vào mùa mưa ở đây nước cứ trào ra từ chân núi, như muốn nuốt chửng gần 30 hộ dân ở bản bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn.
Mưa xuống là nước suối Keo xuyên tràn vào nhà các hộ dân, phía chân núi lộ ra những con suối ngầm, như muốn sạt xuống bất cứ lúc nào. Không kể là ngày hay đêm, người dân Co Hương chỉ còn biết dùng chiếc kẻng này báo động, tức tốc cùng nhau rời đi chỗ khác.
“Mấy hôm cứ sạt dần xuống, mưa là sạt. Xã đã thường xuyên xuống phân công, động viên bà con ra ngoài. Năm 2017-2018 bà con đã một lần phải chuyển ra ngoài hết. Ở đây, trưởng bản có kẻng phòng chống thiên tai, nghe kẻng là bà con ra ngoài hết. Có kẻng báo động, nhưng đang lo là suối này mưa to không ra được, mưa là bị cô lập” - một người dân chia sẻ.
Anh Lò Văn Piên, Trưởng bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết, mùa mưa thế này bà con nơi đây sống trong nơm nớp, lo sợ. Mặc dù biết nguy hiểm đang rình rập nhưng không còn cách nào khác, người dân vẫn phải cố thủ ở đây.
“Cứ mưa khoảng 2, 3 ngày là phải di tản bà con, mấy năm trước thì ko sao, chỉ khoảng từ năm 2016 lại đây, cứ mưa là bà con sợ” - anh Lò Văn Piên nói.
Cả gia đình, dòng họ ông Lò Văn Thương đã gắn bó hàng chục năm với khu Co Hương này. Đã hơn 60 tuổi, nhưng chưa bao giờ ông thấy lo cho cuộc sống của gia đình và bà con nơi đây như lúc này.
“Về lâu về dài sợ lắm, nhất là trời mưa, mấy hộ ngay gần chân đồi càng sợ, sụt mấy gốc cây thôi cũng sợ” - ông Lò Văn Thương nói.
Khu Co Hương, bản Ngàm có gần 30 hộ đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Nói người dân đang sinh sống nhưng thực chất là “cố thủ”, bởi đây như lô cốt, được bao bọc bởi núi cao và suối sâu. Vào mùa mưa, con nước ở đây cuộn đỏ như mặt người say rượu đầy thách thức.
Lối thoát hiểm duy nhất của người dân Co Hương là con đường mòn ven suối, nhưng khi nước dâng, bà con muốn thoát ra ngoài chỉ còn cách đu, trèo trên 2 cọng dây sắt treo lơ lửng - người dân gọi đây là “cầu treo” đu bằng tay.
Ông Hà Văn Tựng, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Tổng cục Phòng chống thiên tai đã vào khảo sát. Tam Thanh có 15 điểm có nguy cơ sạt lở cao, trong đó, khu Co Hương là đặc biệt nghiêm trọng”.
Tam Thanh là xã biên giới của huyện Quan Sơn, nơi đây chỉ cách cột mốc biên giới Việt – Lào chừng 5 km. Từ năm 2016, do ảnh hưởng của mưa lũ và các hoạt động địa chất, trên sườn đồi núi phía sau khu dân cư Co Hương đã xuất hiện một vết nứt lớn, kéo dài. Trong một khảo sát năm ngoái của Tổng cục Phòng chống thiên tai, khu Co Hương với 24 hộ dân được đánh dấu là khu vực đặc biệt nguy hiểm, cần phải di dời khẩn cấp.
Huyện Quan Sơn đã có kế hoạch di dời, bố trí tái định cư cho 24 hộ dân với 219 nhân khẩu của khu dân cư Co Hương. Vị trí xây dựng khu tái định cư đã được xác định với tổng diện tích khoảng 3 ha, tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, việc di dời các hộ dân vẫn chưa thực hiện được do không có kinh phí. Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Sẽ phải di dời, nhưng còn thiếu kinh phí, dù mặt bằng đã có rồi, trước mắt chúng tôi sẽ hỗ trợ nhân dân làm tốt việc phòng chống thiên tai và sạt lở đất”.
Từ khi thi công tuyến đường vành đai, đất đá đào mức, gây sạt lở, người dân Co Hương thêm nỗi lo nữa, đó là mưa lớn dễ tắc dòng chảy, sinh ra đập tạm, vỡ dòng chảy – 1 quy trình sinh ra lũ quét đã được dự báo trước. Co Hương, cách Sa Ná chừng 30km – nơi cách đây 1 năm xảy ra trận lũ quét kinh hoàng xóa xổ hàng chục ngôi nhà.
Người dân Co Hương lo lắng nếu cứ “cố thủ” nơi này rồi sẽ chưa biết chuyện gì xảy ra, nhưng họ biết 1 điều trận lũ ở Sa Ná tàn khốc thế nào, và ai dám chắc họ sẽ không phải đối mặt với tai ươm đó./.