Mỗi năm có khoảng 1.615 người chết vì tai nạn lao động

Một trong những nguyên nhân làm gia tăng tai nạn lao động chính là ý thức của người lao động và chủ sử dụng lao động.

Trong tháng 12/2009, cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây chết người. Điển hình như, vụ sập một ngôi nhà 4 tầng đang trong quá trình hoàn thiện tại đường số 19, khu phố Thống Nhất I, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương làm 3 người chết và 9 người bị thương nặng. Mới đây nhất, vào trưa ngày 30/12, tại số 145 Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, do bất cẩn, 1 công nhân đã rơi từ tầng 6 của công trình xuống đất và tử vong… Không chỉ trong tháng 12 năm 2009 mà các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong những năm gần đây có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, trong 3 năm thực hiện Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động (từ năm 2006 đến hết năm 2008), bình quân số người chết do tai nạn lao động lên tới trên 1 nghìn 600 người 1 năm. Tuy nhiên, số người chết do tai nạn lao động có điều tra và báo cáo lại chỉ khoảng gần 600 người/năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chỉ thống kê được 239 người chết, 418 người bị thương do tai nạn lao động.

Người lao động vẫn chủ quan trong việc bảo đảm an toàn (ảnh V.H)

Xảy ra tình trạng gia tăng các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng và thống kê không đầy đủ do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không báo cáo các vụ tai nạn chết người cho cơ quan chức năng vì sợ trách nhiệm.

Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, lực lượng thanh tra lao động còn mỏng, nên chưa kiểm soát, thống kê được hết các vụ tai nạn lao động. Sự phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm an toàn vệ sinh lao động chưa đồng bộ và điều kiện lao động ở nhiều nơi vẫn chưa được cải thiện nên nguy cơ tai nạn lao động vẫn còn cao.

Ông Vũ Như Văn, Phó Cục trưởng, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nói: “Người lao động và người sử dụng lao động nghĩ rằng đã là sản xuất thì chỉ quan tâm nhiều hơn đến lợi nhuận. Mặc dù họ thiếu phương tiện bảo vệ cá nhân, hoặc thấy có nguy cơ nhưng nghĩ rằng chưa chắc đã xảy ra tai nạn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên