Mỗi ngày có 2 ngôi nhà tình thương cho phụ nữ nghèo
Năm 2009, bằng các hình thức tiết kiệm, phụ nữ cả nước đã có được trên 40 tỷ đồng; hơn 360.000 tấn gạo; để giúp cho hơn 100.000 chị em nghèo.
Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh các thế hệ phụ nữ đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; phụ nữ có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Một trong những hoạt động thiết thực mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang hướng tới là phấn đấu mỗi ngày có 2 ngôi nhà tình thương trao tặng cho phụ nữ nghèo, giúp chị em ổn định cuộc sống. Phóng viên VOV phỏng vấn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa về các hoạt động này.
** Thưa bà, xin bà đánh giá những thành tích nổi bật nhất của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong thời gian qua?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Năm 2009 là năm thứ 2 chúng tôi thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ lần thứ 10, trên cơ sở rút kinh nghiệm của năm 2008 và của những năm trước. Chúng tôi đề ra mục tiêu là nâng cao chất lượng hoạt động để làm tốt chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, của tổ chức Hội. Bám sát mục tiêu này, trong năm 2009, phong trào của Hội Phụ nữ cũng đã đạt được một số kết quả rất cụ thể: trong chỉ đạo, ban chấp hành hội phụ nữ các cấp đã bám sát được nghị quyết của ban chấp hành trung ương Hội, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, để tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật.
Trong việc thực hiện phong trào thi đua, đã có sự gắn kết giữa công tác của hội với cuộc “Vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với phong trào thi đua yêu nước của Hội là phụ nữ tích cực, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Việc gắn kết này có thể nói là rất chặt chẽ, các hoạt động đi vào nề nếp, được phát triển ở tất cả các cơ sở Hội, đến được với từng hội viên, điển hình nhất là việc học theo tấm gương của Bác trong việc thực hành tiết kiệm.
** Theo bà, qua cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cấp Hội đã học và làm theo được những điều gì?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Gắn kết thực hiện giữa cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với phong trào của hội là “Phụ nữ tích cực học tập, sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”, thực hành tiết kiệm. Thực hành tiết kiệm trước hết để tập trung cho phát triển kinh tế gia đình, sau đó có điều kiện tương thân tương ái, hỗ trợ cho chị em phụ nữ nghèo.
Thống kê lại trong năm 2009, chỉ bằng những hình thức tiết kiệm, ví như “Hũ gạo tiết kiệm”, lợn nhựa, lợn đất…, phụ nữ cả nước đã tiết kiệm được trên 40 tỷ đồng; hơn 360.000 tấn gạo, hơn 100.000 phụ nữ được giúp đỡ bằng nguồn tiết kiệm này.
** Một trong những nhiệm vụ của Hội thời gian qua là các hoạt động hướng về cơ sở, vậy nội dung hướng về cơ sở cụ thể là gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Chúng tôi coi việc hướng hoạt động về cơ sở là phương châm chỉ đạo, từ rất nhiều năm nay, nhưng ngày càng phải đẩy mạnh, đi vào chiều sâu và thiết thực hơn. Chúng tôi quán triệt, tất cả các hoạt động đều phải được tổ chức tại cơ sở, lấy kết quả hoạt động ở cơ sở để làm thước đo đánh giá hoạt động phong trào cũng như công tác chỉ đạo của công tác Hội; tập huấn cán bộ cũng ưu tiên cán bộ ở cơ sở. Cơ sở ở đây không phải chỉ đến xã, mà phải đến các chi, tổ, hội, tức là phải đến thôn, xóm; các hoạt động chăm lo cho quyền lợi của chị em đều phải được đánh giá bằng việc tổ chức ở cơ sở đã giúp đỡ cho bao nhiêu chị em phụ nữ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng chính sách; bao nhiêu chị em nghèo được vay vốn, được hướng dẫn kiến thức, được phân công giúp đỡ; tất cả đều phải được báo cáo bằng con số cụ thể, đến từng chị em.
** Kế hoạch hành động của Hội trong thời gian tới là gì thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Bên cạnh những hoạt động có tính chất bề nổi và hoạt động về tuyên truyền, chúng tôi cũng có những hoạt động đi vào chiều sâu: chúng tôi sẽ tổ chức Hội thảo khoa học 80 năm xây dựng và phát triển của Hội, được coi là dịp để nhìn lại và rút ra những bài học kinh nghiệm trong suốt cả 80 năm qua, vai trò, chức năng nhiệm vụ của Hội đã được phát huy thế nào, đóng góp ra sao vào công cuộc chung, những vấn đề gì cần đặt ra trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước mà Hội cần phải có để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
** Trân trọng cảm ơn bà!./.