Mỗi ngày có 22 người chết vì tai nạn giao thông
VOV.VN - Trong 8 tháng đầu năm 2017 trung bình mỗi ngày có 22 người chết, 43 người bị thương vì tai nạn giao thông.
Theo báo cáo của Uỷ ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia, trong 8 tháng vừa qua, cả nước đã xảy ra gần 13.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm hơn 5.400 người chết, bị thương hơn 10.500 nguời. So với 8 tháng năm 2016 TNGT đã giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 2 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền gần 2 nghìn tỷ đồng.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hôm 16/8, giữa xe khách và xe đàu kéo trên QL 1A thuộc địa phận huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định khiến 5 người chết, 2 người bị thương. (Ảnh: Thành Long)
Chỉ riêng trong tháng 8/2017 cả nước đã xảy ra toàn quốc đã xảy ra hơn 1.600 vụ TNGT làm 661 người chết, bị thương hơn 1.300 nguời. So với 8 tháng năm 2016 TNGT cũng đã giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt hơn 367.000 trường hợp vi phạm an toàn giao thông, phạt tiền 221 tỷ 597 triệu đồng. 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại các địa phương: Bình Định; Phú Yên; Bình Thuận; Thanh Hóa làm 14 người chết, 20 người bị thương, trong đó đều trên đường bộ.
Phân tích sơ bộ về nguyên nhân ban đầu dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cho thấy, đa phần các vụ tai nạn đều liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải mà nhất là xe khách, một phần liên quan đến xe máy, với các lỗi chủ yếu là chạy quá tốc độ quy định, tránh vượt xe sai quy định, kỹ năng điều khiển phương tiện còn hạn chế. Thống kê từ các vụ TNGT cũng cho thấy, phương tiện gây tai nạn chủ là xe mô tô, xe máy chiếm 65%, xe ô tô chiếm 30% số vụ tai nạn giao thông.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới, Uỷ ban ATGT Quốc gia đề nghị các Bộ, ngành các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương siết chặt công tác quản lý vặn tải hành khách. Yêu cầu các đơn vị vận tải hành khách có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, kiểm soát nghiêm tình trạng tăng giá vé, chậm hủy chuyến, chở quá số người quy định. Tổ chức giao thông hợp lí, bố trí người, phương tiện kịp thời giải quyết sự cố không để ùn tắc giao thông kéo dài, đặc biệt là các tuyến giao thông của ngõ 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác tuần tra, xử lí nghiêm hành vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, chở quá số người quy định, đi sai phần đường làn đường đồng thời tổ chức ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép./.