Bảo vệ đa dạng sinh học: SOS

Hơn 50 năm qua, độ che phủ rừng ở Việt Nam đã giảm 30%; rừng tự nhiên ở tình trạng nguyên sinh còn dưới 10%. Điều này đi đôi với việc mất đi các loài và tính đa dạng của nó.

Trước sự suy thoái trầm trọng về đa dạng sinh học, Liên Hợp Quốc đã lấy năm 2010 là Năm Quốc tế Đa dạng sinh học nhằm khẳng định: Đa dạng sinh học, sự đa dạng của cuộc sống là tài sản vô hình và hữu hình của cuộc sống nhân loại.

Trao đổi của phóng viên VOV với bà Huỳnh Thị Mai, Phó Trưởng Ban quản lý tài nguyên và đa dạng sinh học, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường để thấy rõ hơn Việt Nam cần làm gì để bảo vệ đa dạng sinh học, và chúng ta có những hoạt động gì hưởng ứng năm quốc tế đa dạng sinh học.

** Đa dạng sinh học có giá trị như thế nào đối với cuộc sống, thưa bà?

Bà Huỳnh Thị Mai: Đa dạng sinh học bao gồm 3 thành phần chính: nguồn gene, loài và hệ sinh thái. Đa dạng sinh học có ba giá trị chính: Thứ nhất, giá trị kinh tế, đa dạng sinh học cung cấp nguồn thực phẩm cho con người. Theo tính toán, trên thế giới thu nhập từ đa dạng sinh học là hơn 30 triệu USD/năm;

Thứ hai là giá trị xã hội và nhân văn, đó là tính phong phú, vẻ đẹp muôn màu mà thiên nhiên đem đến cho con người, đó là giá trị không thể thay thế được;

Thứ ba là giá trị sinh thái và môi trường như: bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên đất, điều hòa khí hậu và phân loại các chất thải.

** Xin bà cho biết những nguyên nhân chính khiến đa dạng sinh học bị đe dọa?

Bà Huỳnh Thị Mai: Có 3 nhóm nguyên nhân: Nhóm thứ nhất là do nhận thức của con người về bảo vệ đa dạng sinh học còn thấp dẫn đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch; khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học; sự du nhập một số giống mới; môi trường bị ô nhiễm; đầu tư cho việc bảo vệ chưa thỏa đáng.

Nhóm nguyên nhân thứ hai là việc gia tăng dân số quá nhanh nên mức tiêu thụ tài nguyên ngày một lớn và sự biến đổi khí hậu toàn cầu cũng gây ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học.

Nhóm thứ ba là việc quản lý còn nhiều bất cập.

** Là người tham gia xây dựng Luật Đa dạng sinh học, bà đánh giá thế nào về hiệu lực của bộ luật này kể từ khi luật được áp dụng vào cuộc sống (ngày 1/7/2009). Việc triển khai Luật Đa dạng sinh học vào cuộc sống được thực hiện như thế nào?

Bà Huỳnh Thị Mai: Khi Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực, Bộ TN-MT đã xây dựng và phê duyệt chương trình thực hiện Luật Đa dạng sinh học đến năm 2015, đồng thời Bộ TN-MT cũng xây dựng một số văn bản hỗ trợ thực hiện Luật Đa dạng sinh học như 4 nghị định: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đa dạng sinh học, Nghị định về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene, sản phẩm của sinh vật biến đổi gene.

Hai nghị định này đã được Bộ TN-MT trình Chính phủ hy vọng sẽ được phê duyệt trong tháng 1/2010. Ngoài ra, Bộ TN-MT đang xây dựng Nghị định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm đa dạng sinh học và Nghị định chi trả phí dịch vụ môi trường.

Bộ cũng đã và đang triển khai xây dựng một số tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về đa dạng sinh học. Chúng tôi cũng đã tổ chức giới thiệu về Luật Đa dạng sinh học cho 3 miền: Bắc, Trung, Nam và tổ chức một số lớp tập huấn cho các địa phương có yêu cầu.

** Liên Hợp Quốc lấy năm 2010 là Năm Quốc tế Đa dạng sinh học. Việt Nam sẽ tham gia sự kiện này như thế nào, thưa bà?

Bà Huỳnh Thị Mai: Việt Nam tham gia rất sớm và rất tích cực những cam kết quốc tế. Năm 2010, Việt Nam cũng sẽ tham gia các sự kiện lớn như Hội nghị các bên của các nước đã ký Công ước Đa dạng sinh học được tổ chức vào tháng 10 tại Nhật Bản. Việt Nam cũng sẽ tổ chức kỷ niệm ngày đa dạng sinh học của thế giới ngày 22/5 và một số sự kiện khác nữa.

** Thưa bà, Việt Nam hy vọng gì ở những sự kiện này?

Bà Huỳnh Thị Mai: Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế ngay từ những ngày đầu thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học, đó là sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính. Hy vọng sau năm quốc tế về đa dạng sinh học, Việt Nam tiếp tục nhận được những sự trợ giúp từ các tổ chức quốc tế để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ đa dạng sinh học và góp phần đào tạo, tăng cường năng lực cho những cán bộ làm công tác quản lý đa dạng sinh học. Việt Nam cũng sẽ hợp tác và chia sẻ những kinh nghiệm về cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Xin cảm ơn bà!.

Lồng ghép Luật Đa dạng sinh học vào kế hoạch phát triển kinh tế

Đa dạng sinh học không được phân bổ đồng đều trên bề mặt trái đất mà chỉ có những cái nôi của đa dạng sinh học. Việt Nam rất tự hào nằm trong cái nôi ấy. Những bí ẩn của thiên nhiên vẫn đang tiếp tục được phát hiện.

Hơn 1 thập kỉ qua, khu vực Tiểu vùng sông Mekong đã phát hiện được hơn 1.000 loài. Điều đáng lo ngại là đa dạng sinh học đang đứng trước nhiều nguy cơ. Trên thế giới mỗi ngày có khoảng 150 loài biến mất.

Theo dự báo, nếu tỉ lệ thất thoát đa dạng sinh học vẫn tiếp diễn như hiện nay thì đến năm 2020 trên toàn trái đất sẽ có khoảng 1,3 tỉ ha đất mất hoàn toàn các cấp độ đa dạng sinh học nguyên thủy. Điều này dẫn đến sự mất mát trầm trọng các nguồn tài nguyên thiết yếu cùng với sự kiệt quệ về di truyền.

Ở Việt Nam, hơn 50 năm qua, độ che phủ rừng đã giảm 30% và rừng tự nhiên ở tình trạng nguyên sinh còn dưới 10%. Điều này đi đôi với việc mất đi các loài và tính đa dạng của nó. Việt Nam đang sở hữu danh sách rất dài các loài nguy cấp có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng như: hổ, bò tót, trâu rừng, voi, sao la, đặc biệt là tê giác một sừng hiện nay chỉ còn vài cá thể.

Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về ý thức bảo vệ đa dạng sinh học là một trong những ưu tiên hàng đầu của những người làm công tác về đa dạng sinh học. WWF có những dự án dài hơi để có thể lồng ghép hoạt động giáo dục môi trường vào trong các trường phổ thông.

Hiện tại, WWF đang phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng một giáo trình giảng dạy về đa dạng sinh học. Giáo trình này đang được giảng dạy thử nghiệm ở một số tỉnh trước khi đem vào giảng dạy chính thức ở các trường phổ thông. Chúng tôi cũng chú ý giáo dục đa dạng sinh học cho cộng đồng.

WWF cũng đã phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp xây dựng giáo trình giảng dạy cho sinh viên để khi họ ra trường làm công tác cộng đồng có thể trợ giúp người dân trong việc nâng cao nhận thức về môi trường, biến từ nhận thức thành hành động.

Trong năm quốc tế về đa dạng sinh học, WWF cũng có nhiều hoạt động hưởng ứng. WWF đang phối hợp với WB để cuối năm 2010 tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về bảo tồn hổ tại Nga.

Theo khảo sát mới đây nhất, cả thế giới còn 3.200 con hổ tồn tại trong tự nhiên. Ngoài ra, WWF cũng đang tiến hành những hoạt động xúc tiến hợp tác giữa các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong để bảo tồn đa dạng sinh học.

Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực ngày 1/7/2009, là một tiến bộ, một thành tích của Việt Nam vì không phải nước nào trên thế giới cũng có được luật này. Tuy nhiên, chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn để luật đi vào cuộc sống bởi luật hiện còn rất xa lạ với người dân. Các nhà hoạch định chính sách cũng cần quan tâm đến việc lồng ghép Luật Đa dạng sinh học vào kế hoạch phát triển kinh tế.

Bà Trần Minh Hiền - Giám đốc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) chương trình tại Việt Nam

Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, với nhiều kiểu rừng, đầm lầy, sông suối, rạn san hô... tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới.

Việt Nam được WWF công nhận có 3 trong hơn 200 vùng sinh thái toàn cầu; Tổ chức bảo tồn chim quốc tế (Birdlife) công nhận là một trong 5 vùng chim đặc hữu; Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) công nhận có 6 trung tâm đa dạng về thực vật. Việt Nam còn là một trong 8 “trung tâm giống gốc” của nhiều loại cây trồng, vật nuôi như có hàng chục giống gia súc và gia cầm.

Đặc biệt các nguồn lúa và khoai, những loài được coi là có nguồn gốc từ Việt Nam, đang là cơ sở cho việc cải tiến các giống lúa và cây lương thực trên thế giới.

Hệ sinh thái của Việt Nam rất phong phú, bao gồm 11.458 loài động vật, 21.017 loài thực vật và khoảng 3.000 loài vi sinh vật, trong đó có rất nhiều loài được sử dụng để cung cấp vật liệu di truyền.

Trong 30 năm qua, nhiều loài động thực vật được bổ sung vào danh sách các loài của Việt Nam như 5 loài thú mới là: sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, chà vá chân xám và thỏ vằn Trường Sơn; 3 loài chim mới là khướu vằn đầu đen, khướu Ngọc Linh và khướu Kon Ka Kinh, khoảng 420 loài cá biển và 7 loài thú biển. Nhiều loài mới khác thuộc các lớp bò sát, lưỡng cư và động vật không xương sống cũng đã được mô tả.

Về thực vật, tính từ năm 1993 - 2002, các nhà khoa học đã ghi nhận thêm 2 họ, 19 chi và trên 70 loài mới. Tỷ lệ phát hiện loài mới đặc biệt cao ở họ Lan có 3 chi mới và 62 loài mới; 4 chi và 34 loài lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam. Ngành hạt trần có 1 chi và 3 loài mới lần đầu tiên phát hiện trên thế giới; 2 chi và 12 loài được bổ sung vào danh sách thực vật của Việt Nam.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên