Bảo vệ môi trường: Còn nhiều thách thức

5 năm (2005 – 2010) đánh dấu nhiều thành công của ngành môi trường trên nhiều lĩnh vực. Và trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành môi trường còn phải đối mặt với nhiều thách thức

Nhiều thành công…

Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 3, lãnh đạo ngành môi trường đánh giá, giai đoạn 2005 – 2010 được coi là một giai đoạn thành công của ngành môi trường trên nhiều phương diện. Đầu tiên phải nói đến việc Quốc hội thông qua hai Luật: Luật Bảo vệ môi trường (2005) và Luật Đa dạng sinh học (2008) tạo ra bước ngoặt trong việc hình thành, phát triển hành lang pháp lý về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó mà hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đã từng bước hoàn thiện từ Trung ương đến cơ sở (có cả ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty) tạo đà vững chắc cho ngành môi trường kiện toàn hơn về bộ máy và đi vào hoạt động ổn định.

Trong công tác quản lý, việc kiểm soát ô nhiễm ngày càng được đẩy mạnh. Hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, môi trường nước lưu vực sông, khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình phát triển đô thị, làng nghề và khu công nghiệp được đề cao.

Nhiều doanh nghiệp còn xem nhẹ việc bảo vệ môi trường

Tính đến nay, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để trong giai đoạn 1, đã có 325 cơ sở không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm 74%) và 114 cơ sở đang tích cực triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để (chiếm 26%). Ngoài ra nhiều địa phương còn thực hiện xử lý nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khác, điển hình như: TP HCM đã di dời thành công 1.261/1.402 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành.

Hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đã được triển khai một cách thường xuyên, liên tục. Kết quả thanh, kiểm tra 9 tháng đầu năm 2010, các đoàn thanh tra đã tiến hành lập 113 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt từ 9,6 – 15,3 tỷ đồng. Còn tại các địa phương số tiền xử phạt là 4,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên Môi trường tiếp tục kiểm tra, giám sát việc khắc phục hậu quả của các vi phạm điển hình như: Xử lý nix thải của Công ty TNHH nhà máy tàu biển Huyndai-Vinashin; việc chôn lấp chất bột màu đen xuống nhà xưởng xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH Sao Mai Xanh; hoàn thành việc chỉ đạo giải quyết bồi thường thiệt hại về kinh tế và môi trường bị ảnh hưởng do ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra trên lưu vực sông Thị Vải…

Trong giai đoạn 2005 – 2010, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, thực hiện xã hội hoá vấn đề môi trường được nâng cao. Nhiều mô hình tốt, nhiều gương người tốt việc tốt trong lĩnh vực hoạt động bảo vệ môi trường đã xuất hiện, thật sự đúng nghĩa với cách tiếp cận xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

Hoạt động hợp tác quốc tế của được chú trọng đẩy mạnh, hiện chúng ta có nhiều dự án quốc tế do Quỹ Môi trường toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác phát triển Nhật Bản và các đối tác khác trên thế giới tài trợ đã được triển khai. Giai đoạn 2006 – 2010, Việt Nam đã thu hút được 20 dự án quốc tế với tổng giá trị lên tới 64 triệu USD.

… Nhưng cũng lắm thách thức

Sự nóng lên của Trái đất và nước biển dâng đã được coi là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với loài người trong thế kỷ 21. Theo đánh giá của WB (2007), Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bên cạnh đó, áp lực phát triển kinh tế làm cho các nguồn tài nguyên đang đứng trước nguy cơ bị khai thác cạn kiệt, thiếu tính bền vững.

Mặt khác, Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nhằm tạo ra những cơ hội mở rộng thị trường, tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước. Ngành môi trường phải đứng trước thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường.

Lực lượng cảnh sát môi trường vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý hành vi vi phạm (Ảnh minh hoạ)

Trước bối cảnh đó, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần 3 đề ra mục tiêu phát triển trong giai đoạn 5 năm tiếp theo như việc đánh giá, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ môi trường 2005 theo hướng mở rộng hơn về phạm vi điều chỉnh; đảm bảo tính thống nhất đối với công tác quản lý môi trường; Tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm; Xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục suy thoái và cải thiện môi trường; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học...

Tiến sỹ Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội cho rằng, để thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra, ngành môi trường cần phải sử dụng tốt nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước chi cho công tác bảo vệ môi trường chưa tốt.

Thống kê cho thấy, phần chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2010 là 6.230 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chi ngân sách còn tồn tại nhiều hạn chế như: sự dàn trải trong điều hành phân bố, sử dụng nguồn chi 1% sai mục đích dẫn tới việc ngân sách chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đã ít lại càng ít hơn trên thực tế.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Khải cần thực hiện sửa đổi quy trình lập dự án, phê duyệt phân bổ ngân sách, triển khai ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường theo hướng công khai dân chủ, khách quan, nâng cao vai trò của cơ quan Nhà nước về môi trường ở các cấp. Ngoài ra, ngành môi trường cần biết tận dụng các nguồn kinh phí khác trong công tác bảo vệ môi trường.

Còn Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, để nâng cao nhận thức và hạn chế được những hành vi xâm phạm đến môi trường cần phải thắt chặt hơn luật bảo vệ môi trường.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: >> Việc triển khai chính sách pháp luật bảo vệ môi trường hay trách nhiệm với xã hội tại các doanh nghiệp Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn do doanh nghiệp chưa nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường, không quan tâm đến cải thiện môi trường, việc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường tại doanh nghiệp chỉ mang tính chất đối phó với các cơ quan chức năng chứ chưa xuất phát từ ý thức.

Theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, vấn đề an ninh môi trường hiện nay hết sức phức tạp. Nguyên nhân dẫn tới sự phức tạp trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm luật bảo vệ môi trường, do hệ thống pháp luật chưa rõ ràng và thiếu đồng bộ, xử lý vi phạm còn thiếu nghiêm minh. Bên cạnh đó, việc điều tra xử lý vi phạm có nhiều yếu tố ngoại giao. Nhiều nơi xử lý còn gặp nhiều cản trở, áp lực từ phía các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ…

Để việc thực hiện công tác phòng chống, ngăn chặn tội phạm vi phạm về bảo vệ môi trường, Trung tướng Phạm Quý Ngọ đề xuất, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường kiện toàn, tăng cường năng lực tổ chức bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường; hoàn thiện cơ chế chính sách hệ thống pháp luật… Trong điều kiện phát triển kinh tế hiện nay, Chính phủ cần có Nghị quyết giao cho các doanh nghiệp, các tổ chức, các địa phương tự đề ra phương pháp xử lý ô nhiễm. Đồng thời thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm nghiên cứu trao đổi ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý ô nhiễm, khắc phục sự cố môi trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên