CO2 vẫn “vô tư” xả vào khí quyển

Giai đoạn 2 Nghị định thư Kyoto sẽ được gia hạn đến năm 2020, đây là phương án bị động nhưng vẫn là tín hiệu đáng mừng.

Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (gọi tắt là COP 17), diễn ra tại thành phố Durban (Nam Phi) đã kết thúc với nhiều kỷ lục được thiết lập: là hội nghị tốn thời gian nhất, căng thẳng nhất trong các phiên đàm phán, có nhiều đại biểu cùng nhiều quốc gia tham dự nhất.

Tuy nhiên, điều mà cả thế giới mong đợi nhất lại không đạt được, khi bế tắc về lượng khí thải mà các quốc gia cam kết cắt giảm; cũng như tương lai của Nghị định thư Kyoto giai đoạn 2 (khi giai đoạn 1 hết hạn cuối năm 2012). Kết quả đạt được ở phút cuối chỉ là sự nhất trí gia hạn nghị định thư thêm 5 năm.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay trước thềm hội nghị, đã có nhiều ý kiến nhận xét, COP 17 sẽ đi theo vết xe đổ của COP 15 ở Copenhaghen (Đan Mạch) và COP 16 ở Cancun (Mexico), nghĩa là khó đạt một cam kết pháp lý mới cho tất cả các quốc gia nhằm thay thế Nghị định thư Kyoto, sẽ hết hạn vào 5 sau năm 2012.

Hội nghị COP 17 vẫn tiếp tục theo "vết xe đổ" của COP 18 (Ảnh: Xinhua)

Có thể nói, gia hạn thêm 5 năm cho Nghị định thư Kyoto là phương án bị động. Nguyên nhân là do nhiều nước như Canada, Nhật Bản và Nga khẳng định sẽ không tiếp tục ủng hộ giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto vì cho rằng, những cam kết mới là vô nghĩa; trong khi các quốc gia thải ra lượng khí CO2 khổng lồ không chịu một ràng buộc pháp lý nào.

Còn hai quốc gia đang phát triển là Trung Quốc và Ấn Độ cho rằng, không công bằng nếu những nước đang phát triển cũng phải cắt giảm bằng với mức của Mỹ và phương Tây (những nước có lượng khí thải nhiều nhất hiện nay và là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu). Nhìn lại, 5 năm gần đây, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, giữ vị trí đầu bảng và Ấn Độ xếp thứ 3 về phát thải khí nhà kính. Bất đồng hầu hết đang chờ được giải quyết từ nhóm các quốc gia này.

Bất đồng càng tăng lên khi ở hội nghị lần này, Ấn Độ, quốc gia thuộc nhóm đang phát triển, “mạnh miệng” phản đối một khung pháp lý chung cho tất cả quốc gia. Ấn Độ cho rằng nước này sẽ có những hành động thiết thực sau năm 2020, khi hiệp ước cụ thể được áp dụng, nhưng nhấn mạnh thêm rằng tính khả thi của hiệp ước không cao; vì tùy thuộc mức độ ràng buộc trong khi có những nhóm lợi ích khác nhau trong chính các quốc gia thảo luận hiệp ước.

Theo các nhà khoa học, nếu hiệp ước nói trên đến năm 2020 mới được áp dụng thì quá nguy hiểm, vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đời sống con người lúc này rất nghiêm trọng. Họ đã tính toán, với sự xấu đi của bầu khí quyển như hiện nay, số thảm họa tự nhiên trong 10 - 15 năm tới sẽ tăng gấp đôi. Tình trạng di cư môi trường lên mức kỷ lục, xung đột do thiếu nước sạch, năng suất nông nghiệp giảm sút, mất đi sinh kế, nguy cơ sức khỏe và khủng hoảng năng lượng...  sẽ đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.

Chính vì thế, dù kết quả hội nghị là gia hạn thêm 5 năm cho Nghị định thư Kyoto, bị coi là khiêm tốn và là phương án bị động, thì đó vẫn là một tín hiệu đáng mừng. Với nhiều chính khách, thì cam kết này được kỳ vọng là “vũ khí căn bản” nhất cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tương lai. Bởi đây là lần đầu tiên những quốc gia đang phát triển cũng bị giới hạn và ràng buộc pháp lý trong một thỏa thuận chung./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên