COP 17 bắt đầu phiên thảo luận cấp cao
Các phiên thảo luận cấp cao của COP-17 tập trung đàm phán nhằm thu hẹp bất đồng về một số vấn đề quan trọng của COP-17 giữa các nhóm nước
Hội nghị lần thứ 17 (COP17) các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) ngày 6/12 đã bắt đầu các phiên thảo luận cấp cao tại Durban, Nam Phi, nhằm tìm ra sự đồng thuận cho một giải pháp tối ưu xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong thông điệp đưa ra tại phiên khai mạc các cuộc thảo luận cấp cao, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Kimoon cảnh báo tương lai Trái Đất đang bị đe dọa bởi tình trạng biến đổi khí hậu: “Tôi hoàn toàn không phóng đại khi nói rằng tương lai hành tinh của chung ta, đời sống người dân và sức khỏe của nền kinh tế cũng như sự tồn tại của một số quốc gia đang bị đe dọa. Theo Tổ chức khí tượng thế giới thì lượng khí thải carbon dioxide đã ở mức cao nhất trong lịch sử và vẫn đang tiếp tục tăng cao. Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã nêu rõ, lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cần phải được giảm 1 nửa từ nay cho tới năm 2015, nếu như chúng ta muốn giữ cho cho nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng lên 2 độ so với thời tiền công nghiệp.”
Các cuộc đàm phán đã bước vào tuần thứ 2 và tương lai của Nghị định thư Kyoto, hiệp ước duy nhất trên thế giới về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính có tính ràng buộc pháp lý, luôn là trọng tâm của các cuộc thảo luận.
Ông Ban Kimoon kêu gọi các đại biểu tại Hội nghị cần phải xem xét một cách thận trọng về giai đoạn cam kết tiếp theo của Nghị định thư này. Ông cho rằng một thỏa thuận về biến đổi khí hậu mang tính toàn diện và pháp lý là hoàn toàn có lợi và công bằng đối với tất cả các nước. Do đó các đại biểu cần phải thực hiện các bước đi cụ thể nhằm hướng tới một cam kết về khí hậu mạnh mẽ hơn.
Trong một thông điệp gửi tới Hội nghị, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma nhấn mạnh, các nước đang phát triển cũng cần phải được cung cấp không gian phát triển theo một cách bền vững để có thể thực hiện xóa đói giảm nghèo. Còn Tổng thống Sprent Dabwido, đại diện cho các quốc đảo nhỏ Thái Bình Dương cho biết, mực nước biển đang dâng cao đe dọa đến cộng đồng: “Tôi đến từ Thái Bình Dương và 14 quốc đảo tại đây đang là nạn nhân trước tiên của tình trạng biến đổi khí hậu. Không hề cường điệu khi nói rằng biến đổi khí hậu, đối với chúng tôi là vấn đề của sự sống và cái chết. Nhiều người dân trên đảo đã buộc phải sơ tán để tránh nước biển dâng. Trừ khi các hành động mạnh mẽ được thực hiện, nếu không thì đời con cháu chúng tôi sẽ không còn nơi để ở.”
Các phiên thảo luận cấp cao của COP-17 tập trung đàm phán nhằm thu hẹp bất đồng về một số vấn đề quan trọng của COP-17 giữa các nhóm nước như Nhóm các nước đang phát triển và Trung Quốc , Liên minh châu Âu, Nhóm các quốc gia châu Phi, Liên minh các quốc gia đảo nhỏ và Nhóm các nước kém phát triển... Đặc biệt là xây dựng và cam kết về giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto, triển khai Quỹ Khí hậu xanh (GCF). Hiện nay, quan điểm của các bên tại các cuộc thương lượng vẫn còn nhiều khác biệt, nhưng đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu khả quan. Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 9 tháng 12./.