Doanh nghiệp “kêu” khó ứng dụng công nghệ sạch

Các doanh nghiệp sản xuất cho rằng, việc ứng dụng công nghệ sạch hiện nay tại các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhất là vấn đề tài chính.  

Thiếu cái “đầu tiên”

Công nghiệp Việt Nam đóng góp trên 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra sự cân đối trong cơ cấu thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và công nghiệp ngoài quốc doanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, công nghiệp Việt Nam mới chỉ chuyển biến về lượng mà chưa có sự thay đổi về chất khi ngành này vẫn đang trong thời kỳ gia công lắp ráp, đặc trưng giá trị gia tăng thấp và trình độ công nghệ còn lạc hậu.

Đánh giá mức độ đổi mới công nghệ của Việt Nam, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con số này mới chỉ chiếm khoảng 0,2 – 0,3% doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp (Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%). Còn theo UNDP, tỉ lệ nhập khẩu công nghệ của nước ta hiện nay chỉ chiếm 10% trong khi đó ở các nước đang phát triển là 40%.

Ít doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sạch do ảnh hưởng đến lợi nhuận (Ảnh minh hoạ)

Sự “lơ là” trong việc đầu tư công nghệ dẫn tới ngành sản xuất này tiêu hao một nguồn năng lượng rất lớn, cao gấp 1,5-2 lần so với các nước trong khu vực. Trong quá trình công nghiệp hoá, cường độ năng lượng tiêu hao trên một đơn vị GDP của Việt Nam tăng từ 350kg/OE/1000 USD năm 1990 lên 545kh/OE/1000 USD năm 2004.

Bên cạnh đó, giá trị công nghệ trong từng sản phẩm không cao dẫn tới việc sản phẩm của chúng ta giảm giá trị cạnh tranh.

Ngoài ra, chính sự thiếu đầu tư vào công nghệ trong sản xuất sẽ gây nên tình trạng ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng dẫn tới sự thiếu bền vững trong quá trình phát triển của của nền kinh tế.

Theo ông Trần Hùng – Vụ phó Vụ Công nghiệp nhẹ cho biết, vấn đề ứng dụng công nghệ sạch được đặt ra từ năm 1993 nhưng thực tế ít được các doanh nghiệp quan tâm do việc đầu tư vào công nghệ sạch sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hơn thế nữa, ngoài đầu tư quy trình sản xuất công nghệ sạch thì chi phí phát sinh, chi phí bảo dưỡng quá lớn sẽ là trở lực đối với nhiều doanh nghiệp đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và tư nhân.

Còn đối với các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, khai khoáng, cơ khí… theo Vụ Công nghiệp nặng thì rất khó để thúc đẩy cách doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch vì với đa số ngành công nghiệp nặng, lượng đầu tư ban đầu rất lớn, thu hồi vốn chậm.

Đại diện Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất dệt, gốm sứ, hoá mỹ phẩm… là các ngành công nghiệp sinh lượng chất thải lớn gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, với doanh nghiệp tư nhân nhỏ, việc đầu tư công nghệ xử lý môi trường hiện nay là không thể do thiếu nguồn kinh phí.

Chính việc thiếu vốn trong đầu tư công nghệ sạch nên các doanh nghiệp không chú tâm đến vấn đề môi trường và chỉ làm mang tính chất đối phó khi có đoàn kiểm tra.

Ông Phạm Hồng Hiệp – Viện Chiến lược và Chính sách Công nghiệp kết luận rằng, ngoài việc thiếu vốn đầu tư công nghệ sạch thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu thông tin trong việc sử dụng công nghệ thay thế, thiếu nhân lực. Việc thực thi pháp luật môi trường đối với các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa nghiêm dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp vẫn ưu tiên sử dụng công nghệ cũ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Phát triển bền vững đi đôi với ứng dụng công nghệ sạch

>> Đại diện phía Phần Lan cho biết, họ sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực, giới thiệu công nghệ sạch phù hợp với khả năng tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam.

Việc không sử dụng công nghệ sạch trong sản xuất hiện đang gây ra nhiều khó khăn để phát triển công nghiệp của nước ta. Ông Trần Hùng – Vụ phó Vụ Công nghiệp nhẹ đưa ra ví dụ, hiện công nghiệp dệt may đang được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn. Chính vì vậy quy trình sản xuất máy móc được ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên, việc xử lý môi trường của ngành này vẫn còn nhiều hạn chế khi có tới 50% lượng chất thải chưa thể xử lý triệt để đã cho ra môi trường. Chính vì vậy, hiện ngành này đang gặp khó khăn trong việc phát triển diện tích sản xuất khi các địa phương tìm cách từ chối.

Tại hội thảo “Công nghệ sạch vì môi trường và phát triển bền vững” do Đại sứ quán Phần Lan phối hợp với Bộ Công thương tổ chức ngày 13/12, bà Elina Poikonen – Phó Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam phân tích, hiện nay việc phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đang là xu thế tất yêu được các nước quan tâm.

Để phát triển kinh tế bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, “nhãn xanh” của sản phẩm cũng chính là chìa khoá để mở cửa các thị trường nhập khẩu khó tính trên thế giới. Việc gắn “nhãn xanh” là nhân tố làm tăng tính cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cho nên với thực trạng ứng dụng công nghệ trong sản xuất công nghiệp như hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam thì không những lợi nhuận mang lại không cao, giá trị cạnh tranh thấp mà còn có nguy cơ đến thời điểm người tiêu dùng sẽ ngoảnh mặt vì giá trị công nghệ trong sản phẩm thấp, gây hại cho môi trường.

Để hạn chế sự sự thiếu quan tâm của các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ sạch, bảo vệ môi trường, theo nhiều chuyên gia Phần Lan có mặt tại hội thảo thì Việt Nam nên thực hiện chính sách “Cây gậy và củ cà rốt”.

Nghĩa là ngoài việc bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện bảo vệ môi trường thì Việt Nam cũng cần phải có chính sách khuyến khích hỗ trợ về nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo nhân lực…cho các doanh nghiệp.

Chuyên gia Phần Lan cũng phân tích việc đầu tư công nghệ sạch trong sản xuất không làm giảm đi lợi nhuận của cách doanh nghiệp mà ngược lại quy trình này giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và là “sức bật” để sản phẩm xuất khẩu Việt Nam có thể vượt qua được những rào cản ngặt nghèo trong kiểm định chất lượng sản phẩm từ các nước phát triển…

Trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Để tạo được sự vững chắc trong phát triển bền vững nền kinh tế đi đôi với việc bảo vệ môi trường sống cũng như nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm thì ứng dụng công nghệ sạch là điều đáng quan tâm và là bước đi cần thiết cho sự phát triển bền vững và lâu dài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên