Dùng “lệ làng” xử lý ô nhiễm làng nghề

Việc áp dụng luật môi trường để xử lý ô nhiễm làng nghề vẫn có nhiều vướng mắc vì đối với làng nghề truyền thống ở nhiều nơi “phép vua vẫn thua lệ làng”.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm – Tổng cục Môi trường, hiện nay cả nước có 3.355 làng nghề và làng có nghề. Làng nghề Việt Nam chủ yếu tập trung ở nông thôn. Trong quá trình đô thị hoá một số làng nghề nằm ở đô thị. Cùng với sự phát triển chung của đất nước, số làng nghề và làng có nghề ngày càng có xu hướng tăng về số lượng. Điều này góp phần vào sự phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề lao động việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn lúc nông nhàn.

Tuy nhiên, trong nhận thức, ý thức trách nhiệm, hầu hết các làng nghề sản xuất, kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi nhuận cao nhưng “bỏ quên” môi trường. Đây đang trở thành tình trạng phổ biến hiện nay.

Tình hình ô nhiễm làng nghề tại các tỉnh thành đang rất nghiêm trọng, nhất khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đồng Nam…  

Áp dụng luật môi trường chưa nghiêm

Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm làng nghề nói riêng, hiện nay chúng ta đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật để xử lý vấn đề gây ô nhiễm môi trường.

Thống kê cho thấy, từ khi thành lập năm 2002, Bộ TN&MT đã ban hành 136 văn bản về việc xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Luật Môi trường 2005 cũng được đánh giá là khá hoàn thiện.

Dù sản xuất vôi gây ô nhiễm nhưng chính quyền xã Hương Vỹ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang vẫn chưa có phương hướng giải quyết

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường kiêm Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến, hệ thống pháp luật về môi trường của Việt Nam được đánh giá là cập nhật, hiện đại và khá đầy đủ. Tuy nhiên việc thi hành luật trong thực tế hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Trong cuộc toạ đàm trực tuyến về vấn đề ô nhiễm môi trường khu công nghiệp và làng nghề mới đây, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho rằng, việc thi hành luật hiện nay còn chưa mạnh mẽ. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân và bắt đầu từ nhận thức của con người.

Trong nhận thức, chúng ta vẫn chưa thấm nhuần về sự phát triển bền vững. Khi thế giới đang hướng tới nền kinh tế xanh thì chúng ta vẫn còn đang mơ hồ đi xử lý sự thiếu ý thức của con người đối với môi trường. Điều này sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ trong sự phát triển của đất nước ta hiện nay và trong tương lai.

Bên cạnh đó, bộ máy ngành môi trường mới hình thành, thiếu số lượng, chất lượng chuyên môn, công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng mục tiêu đề ra cũng là nguyên nhân làm việc thi hành Luật Môi trường còn mong manh, yếu ớt.

Ông Vũ Quốc Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, chính vì thiếu nhận thức về phát triển bền vững dẫn tới việc người dân làng nghề xem việc xả thải chất gây ô nhiễm ra môi trường là chuyện bình thường.

Bên cạnh đó, nếu phải đầu tư cho việc xử lý môi trường, người dân làng nghề cũng sẽ nghi ngại vì nó gây tốn kém mà theo họ nghĩ là không cần thiết.

Đối với việc thi hành Luật môi trường tại các làng nghề hiện nay, chính quyền địa phương có vai trò hết sức quan trọng, tuy nhiên điều này vẫn chưa được các cấp ở địa phương thực hiện nghiêm túc.

Việc xử lý ô nhiễm làng nghề đang được chính phủ hết sức quan tâm. Chính phủ có nhiều nỗ lực trong xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề như việc xây dựng các nhà máy, các bể lọc nước thải tại các làng nghề. Nhưng vấn đề đặt ra là nhà nước xây dựng nhà máy xử lý nhưng không có cơ chế quản lý. Số tiền bỏ ra trở nên bị phung phí.

Về vai trò của chính quyền địa phương trong việc xử lý làng nghề, ông Nguyễn Xuân Thuỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vỹ, huyện Yên Thế, nơi có làng nghề nung vôi Hương Vỹ - môt trong những làng nghề “có tiếng” là gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giải thích, xã đã tính chuyện quy tập các hộ nung vôi trên địa bàn vào một khu vực. Tuy nhiên địa bàn xã quá hẹp không thể tập trung được hơn 200 hộ sản xuất vôi vào một chỗ vì đối với mỗi hộ sản xuất vôi cần ít nhất cũng hơn 700m2 đất.

Bên cạnh đó, với bản chất việc xử lý theo pháp luật ở khu vực nông thôn cũng có nhiều e ngại. Đa số người dân sống với hàng từ lâu, nên cái tình láng giềng cũng khiến việc xử lý trở nên khó khăn.

Sử dụng cách xử lý truyền thống của làng xã?

Theo ông Lưu Duy Dần – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, tình trạng ô nhiễm làng nghề ngày càng nghiêm trọng hơn. Vấn đề là phải tìm biện pháp hợp lý để xử lý.

Nước thải từ làng nghề làm bún Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh gây ô nhiễm nghiêm trọng

GS-TS Đặng Kim Chi – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, ô nhiễm làng nghề hiện nay cũng do lịch sử để lại do không được quy hoạch cũng như phát triển một cách tự phát. Việc quy tụ làng nghề thành khu, cụm là cần thiết nhưng phải có sự chọn lọc.

Cũng theo bà Chi, làng nghề Việt Nam ngoài giá trị phát triển sản xuất còn mang giá trị văn hoá lịch sử. Sản phẩm của làng nghề Việt Nam hiện nay đang được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Làng nghề cũng đang là một xu thế du lịch cần phát triển. Bởi vậy, bà Chi cho rằng, cần phải xử lý khéo léo để không mất đi giá trị văn hoá lâu đời của dân tộc. Cho nên bà Chi đề xuất nên tiến hành xử lý trước những làng ô nhiễm nặng, còn làng nghề ít ô nhiễm cần tiến hành xử lý sau.

Tại buổi toạ đàm về việc phổ biến luật môi trường làng nghề tổ chức tại Bắc Giang trong 2 ngày 1-2/11 vừa qua, ông Lưu Duy Dần – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, để xử lý ô nhiễm làng nghề, trước hết cần nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hại của ô nhiễm môi trường, chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường ngay trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.

Với người dân tại đa số làng nghề còn mang tính chất làng xã, dẫn tới việc thi hành luật môi trường còn nhiều khó khăn, ông Dần đề xuất: “Chúng ta nên áp dụng lề lối làng xã trong việc xử lý ô nhiễm tại các làng nghề”.

Theo phân tích của ông Dần, người dân tại các làng nghề hiện nay vẫn còn sợ cái uy của “Làng”. Điển hình như làng nghề làm đồng Đại Bái ở Bắc Ninh. Hiện nay họ đang làm rất tốt vấn đề môi trường do biết áp dụng “Lệ làng” vào đời sống của người sản xuất. Chính điều này đã giúp làng nghề này cải thiện phần nào vấn đề môi trường.

Trên cơ sở đó ông Dần nhấn mạnh, chúng ta cần nghĩ tới việc để cho các làng nghề tự xử lý ô nhiễm môi trường bằng “lệ làng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên