Kỷ niệm ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon

Việt Nam tham gia phê chuẩn Nghị định thư Montreal từ tháng 1/1994. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn được đánh giá là nước thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal.

Hôm nay (16/9), tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon.

Trong Nghị quyết số 49/114 ngày 19/12/1994, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố  lấy ngày 16/9 là Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon nhằm kỷ niệm ngày ký Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon vào năm 1987.

Nghị định thư Montreal quy định loại trừ hoàn toàn chất làm suy giảm tầng ozon nhóm CFC (clorofluorocarbon) từ ngày 1/1/2010 và từ năm 2010, tất cả các nước thành viên sẽ triển khai loại trừ các chất HCFC và loại trừ hoàn toàn các chất HCFC (hydrochlorofluorocarbon) vào năm 2030 ở các nước đang phát triển.

Việc ký kết và thực hiện Nghị định thư đã nhận được sự đồng thuận toàn cầu của các chính phủ, 196/196 quốc gia đã phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư (Đông Timor là quốc gia cuối cùng đã phê chuẩn và có hiệu lực từ hôm nay (16/9/2009), sự đồng thuận của các ngành, tập đoàn công nghiệp, của tất cả những người sử dụng trên toàn thế giới.

Tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Văn Đức cho biết, Việt Nam tham gia phê chuẩn Nghị định thư Montreal từ tháng 1/1994. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn được đánh giá là nước thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal. Lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozon (nhóm CFC, HCFC…) ngày càng được hạn chế. Bắt đầu từ ngày 1/1/2010, toàn bộ các chất nhóm CFC sẽ bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lượng sử dụng các chất HCFC ở Việt Nam hiện vẫn còn cao, vào khoảng 3.000 tấn và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các chất HCFC được sử dụng chủ yếu trong làm lạnh và điều hòa không khí, nhiều nhất là trong ngành chế biến xuất khẩu thủy sản, sản xuất xốp panel cách nhiệt và tấm lợp cách nhiệt. Theo tính toán của các chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam cần khoảng 20 triệu USD để loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng các chất HCFC trong vòng 15-20 năm nữa.

Đây được xem là một bài toán lớn đối với ngành Tài nguyên-Môi trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đức vẫn khẳng định dù khó khăn đến mấy, ngành vẫn quyết tâm làm và làm đến cùng. Hiện, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cùng với Ngân hàng Thế giới tiến hành thu thập thông tin về lượng và lĩnh vực sử dụng HCFC ở Việt Nam. Dự kiến, năm 2010 phối hợp xây dựng các dự án tìm kiếm tài trợ quốc tế cho các doanh nghiệp, đến năm 2011 sẽ triển khai thực hiện các dự án.

Bộ Tài nguyên-Môi trường sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành các biện pháp chính sách nhằm bảo đảm để Việt Nam tuân thủ hạn định loại trừ các chất HCFC theo quy định của Nghị định thư Montreal./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên