San hô kêu cứu

Thời gian gần đây, hàng chục người dân ở thôn Xuân Đông (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) thường xuyên ra biển khai thác san hô trái phép. Chính quyền địa phương đã nhiều lần lập biên bản xử phạt, nhưng xem ra các biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh

Từ quốc lộ 1A, theo con đường làng thôn Xuân Đông chúng tôi tiến ra bãi biển. Hai bên đường, những bãi đá san hô chất thành từng đống nằm la liệt, có bãi nằm ngay mặt đường, có bãi được giấu sau lùm cây, có bãi nằm trong… nhà dân. Người dân khai thác cả san hô sống và san hô chết.

Những lúc thủy triều xuống, người dân ra biển cạy san hô thành từng mảng, khoảng 3 người có thể bê được. Đến khi thủy triều lên, họ dùng bè chất san hô lên rồi kéo vào bờ. Tại điểm tập kết ngay sát mép biển, họ bỏ san hô lên các phương tiện như xe công nông, xe ba gác… để vận chuyển về làng, thậm chí có người đưa cả xe tải từ 3 - 10 tấn ra tận bờ biển để chở san hô đến nơi bán.

Điều đáng nói là cùng ở xã Vạn Hưng nhưng vùng lõi khu Rạn Trào nằm ở thôn Xuân Tự 2 thì san hô được quy hoạch và bảo tồn, trong khi đó khu vực phía đông dốc Đá Trắng thuộc thôn Xuân Đông thì san hô lại bị khai thác vô tội vạ. Chị Nguyễn Thị Lành, một người dân ở đây, cho biết: “Những năm trước, khai thác san hô là một trong những “nghề chính” của ngư dân vùng này. Từ đầu năm đến nay, do chính quyền địa phương nhiều lần kiểm tra xử lý nên tình trạng khai thác san hô đã giảm nhiều”.

San hô tại Rạn Trào được quy hoạch, bảo vệ rất tốt

Chỉ riêng từ cuối tháng 10/2009 đến nay, Đồn Biên phòng 362, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hoà đã phát hiện 7 vụ vận chuyển san hô trái phép, tạm giữ tang vật và lập biên bản xử phạt hành chính trên 30 triệu đồng. Xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh cũng xử lý hàng chục vụ tương tự. Phần lớn san hô khai thác trái phép được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam, chủ yếu để chế tác hòn non bộ, số san hô chết thì dùng nung vôi. San hô làm hòn non bộ có giá khoảng 6 - 7 triệu đồng/xe từ 8 - 10 tấn, san hô bán cho các lò nung vôi giá thấp hơn, khoảng 200.000 đồng/m3.

Trung úy Hà Trọng Chuyên, cán bộ Đồn Biên phòng 362, cho biết: “Đồn biên phòng lực lượng mỏng nên việc tuần tra kiểm soát còn hạn chế, vì thế, rất cần sự phối hợp của chính quyền các cấp để giải quyết dứt điểm các vụ khai thác san hô trái phép”. Ông Tô Anh, Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh cho biết: “Xã sẽ tăng cường đến từng gia đình để vận động bà con không khai thác san hô nữa”.

Rạn san hô là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất, gồm nhiều loài đặc trưng, đại diện cho hầu hết các nhóm động vật biển, đây là “kho dự trữ” gene của biển. Theo các nhà khoa học ở Viện Hải dương học Nha Trang, các khối san hô chỉ tăng trưởng khoảng 1cm/năm; vì thế, nếu một khối san hô đường kính 1m bị phá hủy thì hàng trăm năm sau, thiên nhiên chưa chắc đã tái tạo được…

Vì thế, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức người dân là rất cần thiết, song sẽ không đạt hiệu quả nếu chỉ triển khai “chiếu lệ”. Bên cạnh đó, vấn đề then chốt là chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và hướng dẫn họ cách thức phát triển kinh tế hộ theo hướng bền vững, phù hợp với khả năng và tập quán canh tác để họ có nguồn thu nhập ổn định.

Thực tế cho thấy, khi có nghề nghiệp và thu nhập ổn định, người dân sẽ từ bỏ thói quen xâm hại tài nguyên thiên nhiên vì miếng cơm manh áo hàng ngày./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên