Sông Sêrêpôk bị đầu độc

Các nhà máy nằm 2 bên bờ đang ngày đêm xả thải đầu độc dòng sông. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại thiếu các biện pháp ngăn chặn quyết liệt

Người dân các xã Tâm Thắng (huyện Chư Dút, tỉnh Đắk Nông) và xã Hòa Phú, Ea Nhôl (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) gọi những ngày đầu tháng 5 vừa qua là những ngày sông Sêrêpôk chết, khi mà xác cá nổi trắng một đoạn dài hơn 10km, phía hạ lưu sông. Ông Y Buê K’Tun ở buôn Nui, xã Tâm Thắng, cho rằng, nhà máy ở các khu công nghiệp xả nước thải khiến cá chết trắng sông.

Một cửa xả nước thải ra sông Sêrêpôk của Khu công nghiệp Tâm Thắng

Đoạn sông Sêrêpôk chảy qua xã Tâm Thắng, thuộc vùng hạ lưu phía sau Khu công nghiệp Tâm Thắng (tỉnh Đắk Nông) và Khu công nghiệp Hòa Phú (tỉnh Đắk Lắk) bị ô nhiễm nặng. Đầu năm 2011, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở TN&MT tỉnh chủ trì cùng các đơn vị liên quan xác minh nguyên nhân gây ô nhiễm, đồng thời đề xuất giải pháp phối hợp với tỉnh Đắk Lắk trong công tác đảm bảo môi trường trên đoạn sông này. Tuy vậy, với lý do đảm bảo tính khách quan, Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông lại gửi công văn đề nghị Tổng cục Môi trường thành lập đoàn kiểm tra các khu công nghiệp 2 bên bờ sông. Bà Hoàng Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông đưa ra lý lẽ: "Sở có muốn kiểm tra Khu công nghiệp Tâm Thắng cũng không được, vì dự án này do Bộ TN&MT phê duyệt".

Sự thờ ơ của các cơ quan chức năng khiến dòng Sêrêpôk ngày càng bị đầu độc nghiêm trọng, và đỉnh điểm là cá chết nổi trắng hơn chục km sông trong tháng 5 vừa qua. Về tình trạng này, báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông nêu: “Nguyên nhân cá chết do các cơ sở sản xuất xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông gây ô nhiễm môi trường là chưa có cơ sở”. Chỉ đến khi Lực lượng cảnh sát môi trường tỉnh Đắk Nông vào cuộc, hành vi xả thải trực tiếp ra sông của Nhà máy đường Đắk Nông (trong Khu công nghiệp Tâm Thắng) mới bị điểm tên, chỉ mặt. Nhà máy này đã xả thẳng ra sông Sêrêpôk 24.000m3 nước thải/ngày, với hàm lượng các chất độc hại đều vượt tiêu chuẩn cho phép trên 5 lần.

Cùng thời điểm này năm ngoái, Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng đã bị đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT xử phạt gần 100 triệu đồng vì xả nước thải ra sông Sêrêpôk có hàm lượng các chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Ở thời điểm đó, Nhà máy đường Đắk Nông không bị kiểm tra vì đang tạm dừng hoạt động.

Ông Y Dút Buôn Giá, Bí thư Chi bộ buôn Buôr, xã Tâm Thắng, phản ánh, nguồn nước ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của người dân mà ngay cả nếp văn hóa cũng bị mai một. Buôn Buôr của người Êđê, định cư bên dòng sông đã bao đời. Nay sống bên sông mà họ không còn mặn mà với dòng sông: “Trước đây, chúng tôi thường ra sông tắm giặt. Hằng năm, các lễ hội cúng bến nước được già làng tổ chức, bà con tham gia rất đông. Nhưng từ khi sông Sêrêpôk bị ô nhiễm, người dân không còn thiết tha với những hoạt động diễn ra bên bờ sông nữa”, ông Buôn Giá nói.

Môi trường sống bị ô nhiễm đã ảnh hưởng đến sức khỏe dân cư. Ông Nguyễn Thế Hạnh, Trưởng trạm y tế xã Tâm Thắng, cho biết, nhiều người dân ở Tâm Thắng bị bệnh viêm đường hô hấp và viêm xoang.

Ông Phùng Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, giãi bày: “Khu công nghiệp Tâm Thắng đã đi vào hoạt động cả chục năm nhưng vẫn chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Địa phương cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng đến khu công nghiệp nhắc nhở các nhà máy giữ vệ sinh môi trường, nhưng cũng không kiểm soát được việc thực hiện ở các nhà máy”.

Nếu các ngành chức năng địa phương ở hai tỉnh Đắk Lắc và Đắk Nông không có những động thái tích cực trong việc giám sát các đơn vị sản xuất thực hiện bảo vệ môi trường, thì chẳng mấy nữa dòng sông Sêrêpôk trở thành dòng sông chết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên