Thêm một số điểm ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa
VOV.VN -Các nghiên cứu cho thấy, có thêm một số điểm ô nhiễm dioxin mới và khẳng định quy mô phức tạp ô nhiễm tại đây.
Sáng nay (10/3), tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban chỉ đạo 33) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp Quốc tổ chức hội thảo “Công bố số liệu đánh giá bổ sung ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và khuyến nghị kế hoạch sử dụng đất”.
Các nghiên cứu mới nhất do Dự án “Xử lý dioxin tại các điểm nóng ô nhiễm nặng tại Việt Nam” thực hiện trong năm 2013 ở bên ngoài về phía tây sân bay Biên Hòa và các hồ trong sân bay đã phát hiện thêm một số điểm ô nhiễm mới và khẳng định quy mô phức tạp ô nhiễm tại đây.
Theo đó, khoảng 110 mẫu đất và trầm tích được lấy theo các hướng thoát nước từ sân bay và theo chiều sâu trung bình 30cm. Kết quả cho thấy, một số mẫu trầm tích có nồng độ cao hơn tiêu chuẩn cho phép, chủ yếu nằm ở các mương thoát nước sân bay. Các mương này sẽ dẫn nước đổ ra sông Đồng Nai. Tuy nhiên, không phát hiện thấy dioxin trong mẫu lấy từ sông Đồng Nai.
Đối với mẫu đất, hầu hết các mẫu đều dưới ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo quy chuẩn Việt Nam về giới hạn cho phép của dioxin trong một số loại đất theo mục đích sử dụng thì một vài mẫu vượt ngưỡng cho phép.
Trong số 28 hồ khảo sát, kết quả cho thấy 16 hồ có nồng độ dioxin vượt ngưỡng cho phép. Đặc biệt với các hồ mới đào hoặc hồ ở vị trí cao trong sân bay cũng bị phát hiện ô nhiễm.
Văn phòng Ban chỉ đạo 33 sẽ bàn giao số liệu điều tra khảo sát cho Bộ Quốc phòng để Bộ này hoàn thiện kế hoạch tổng thể xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay bao gồm cả kế hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, những số liệu này là cơ sở quan trọng trong việc thực hiện đánh giá môi trường do Bộ Quốc phòng và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thực hiện.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 33, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Trước mắt là phối hợp tích cực với Hoa Kỳ đánh giá môi trường tổng thể ở Biên Hòa. Sau đó cả hai Chính phủ sớm đi đến quyết định tiến hành dự án xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa, không nên để lâu hơn nữa. Thứ hai là triệt để không nuôi trồng thủy hải sản, gia cầm trong khu vực sân bay. Vì trong trầm tích khu vực sân bay nồng độ dioxin cao hơn mức cho phép.”./.