Thu mua rễ sim, gây nguy cơ khôn lường với môi trường
(VOV) - Do ham lợi, hàng nghìn người dân đã ồ ạt đi đào bới tận thu từng đoạn rễ sim bán cho thương lái Trung Quốc.
Như tin đã đưa, thời gian gần đây, ở một số vùng của tỉnh Lạng Sơn diễn ra tình trạng người dân đua nhau đi đào bới thu gom rễ sim để bán, làm thất thoát, tận diệt nguồn dược liệu; đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường đối với môi trường sinh thái. Phóng viên Đài TNVN tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Tại Lạng Sơn, rễ sim tươi được mua với giá 2.500 đồng một kg. Trung bình mỗi ngày 1 người dân kiếm được gần 200.000 đồng từ việc bán loại rễ cây mà trước đây rất ít người hỏi đến. Do ham lợi ích trước mắt, hàng nghìn người ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã ồ ạt đi đào bới tận thu từng đoạn rễ sim về bán cho thương lái Trung Quốc, khiến ngành chức năng mất không ít công sức để ngăn chặn.
Ông Hoàng Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Việc này gây mất trật tự sản xuất của bà con, việc cấm chưa có chế tài nào. Chúng tôi tuyên truyền, khuyến cáo bà con, cây cối thực vật còn phong phú nên giữ để bảo vệ được môi trường. Đào bới như thế này thì sẽ mất cây. Việc cấm cũng không cấm được vì chưa biết phạt bao nhiêu. Bây giờ hải quan các lực lượng biên phòng và huyện đang đề xuất hướng có chế tài xử lý.
Cây sim phân bố nhiều ở các vùng đất nghèo dinh dưỡng, trung du, đồi núi thấp, khả năng chịu hạn tốt, có tác dụng giữ đất. Theo ý kiến của một số nhà khoa học, nếu tình trạng đào bới, tận diệt cây sim còn tiếp diễn trên diện rộng, dễ dẫn tới tình trạng đất bị rửa trôi, bào mòn, giảm khả năng ngăn chặn nước từ thượng nguồn đổ về, gây nguy cơ lũ ống, lũ quét. Bên cạnh đó, từ trước tới nay không chỉ rễ sim mà cả quả, lá, thân cành sim cũng được coi là dược liệu chữa các bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, cầm máu vết thương, chữa thiếu máu, chữa đau xương, khớp, xuất huyết… Vậy nhưng thương nhân Trung Quốc chỉ thu mua rễ còn nguồn dược liệu từ lá, cành, thân, quả thì bỏ phí… gây nguy cơ thất thoát nguồn dược liệu.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Cây sim có đặc điểm hiệu quả kinh tế rất thấp mà lại lan rất nhanh, nông dân thì lại nghèo nếu mà bán với hợp đồng vừa phải có lẽ cũng được. Đừng để cho nó bị tuyệt chủng, cách đơn giản nhất giảm rủi ro là mọi hợp đồng đó đều phải qua Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, họ sẽ căn cứ vào số lượng bao nhiêu, hợp đồng có chắc chắn không,…”
Trước cây sim, đã có hàng loạt thương vụ tận thu đối với móng trâu, mèo, rễ hồi, ốc bươu vàng, đỉa… Cách đây hơn chục năm trước, việc thu mua mèo giá cao đã khiến người dân thu gom hết mèo để bán, thậm chí còn trộm mèo của nhau, bởi vì giá trị một con mèo khi ấy bằng giá một con lợn vài chục cân! Hay việc thu mua móng trâu vào khoảng năm 2000, giá 4 cái móng còn cao hơn giá một con trâu, làm nông dân đổ xô giết trâu, lấy móng, thậm chí kẻ gian đêm đêm đột nhập lấy dao quắm chặt móng trâu nhà khác… Rồi việc thu mua ốc bươu vàng, thu mua đỉa… Và sau khi giá thu mua lên cao, tạo thành trào lưu thu gom, tận diệt thì thương lái không thu mua tiếp khiến việc tiêu thụ bị chững lại. Hậu quả là do tận thu đã dẫn tới phá vỡ môi trường sinh thái. Điều đáng nói là việc mua bán này dù diễn ra ồ ạt nhưng không bao giờ có hợp đồng kinh tế, và thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi chấm dứt, gây hậu quả không chỉ cho người thu mua mà còn ảnh hưởng khôn lường cho sản xuất, môi trường. Chưa biết người dân thu lời được bao nhiêu từ những vụ gom thu này, chỉ biết rằng sau đó ngành chức năng, chính quyền địa phương, thậm chí cả người dân phải mất rất nhiều công sức để khắc phục hậu quả, đồng thời khôi phục lại sự cân bằng môi trường, bảo vệ sản xuất./.