Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2:

Mong cho y đức sáng mọi nơi

Gs - Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Phạm Gia Khải: Y đức không thể chỉ là bảng kê những gì nên và không nên làm…

Bác sĩ trẻ Nguyễn Hoàng Hải, Bệnh viện Saint Paul: để trở thành bác sĩ phải yêu nghề, kiên nhẫn và cẩn thận

Tôi đã đi làm được 2 năm tại Khoa tim mạch tổng hợp. Tôi chọn chuyên ngành nhi vì rất yêu trẻ con. Hàng ngày được tiếp xúc với trẻ nhỏ, tôi thấy các cháu ngây thơ, hồn nhiên.

Cảm giác đi làm lần đầu tiên thật khó tả. Lúc đầu đi làm còn bỡ ngỡ, gặp ca khó tôi thường hỏi các bác sĩ có kinh nghiệm hoặc đọc sách thêm.

Trong quá trình làm việc tôi cố gắng làm hết sức, được nhiều bệnh nhân quý mến, dành tình cảm đặc biệt. Trong dịp Tết Canh Dần và ngày Valentine vừa qua, bố mẹ bệnh nhân đã tặng hoa, làm tôi rất xúc động.

Trong buổi trực đầu tiên của năm mới, có một cháu bé bị tử vong do bệnh nặng. Các bác sĩ đã rất cố gắng nhưng cháu bé vẫn không qua khỏi. Cháu bé này cũng đã điều trị ở viện rất lâu. Tôi buồn và thương vì cháu ra đi còn quá nhỏ…

Theo tôi, để trở thành bác sĩ cần có lòng yêu nghề và đức tính kiên nhẫn, cẩn thận. Là bác sĩ trẻ, tôi sẽ cố gắng học tập, trau dồi chuyên môn, tận tình với bệnh nhân.

Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam tôi chúc tất cả các thầy thuốc trên mọi miền luôn luôn mạnh khỏe, đầu óc minh mẫn để phục vụ nhân dân!.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Saint Paul: Người thầy thuốc phải đặt tâm và đức lên hàng đầu

33 năm trong nghề, điều mà tôi tâm niệm là tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân, làm thế nào để dân tin và đến với người thầy thuốc. Cách ứng xử, giao tiếp hàng ngày giữa người thầy thuốc và bệnh nhân cũng vô cùng quan trọng. Khi người dân đã đặt trọn niềm tin, người thầy thuốc phải luôn đặt chữ Tâm và Đức lên hàng đầu.

Ngày nay, một bộ phận không nhỏ bác sĩ trẻ, khi tay nghề chưa vững đã lo đi kiếm tiền dẫn đến những sai lầm trong nghề, làm mất niềm tin của nhân dân. Tôi luôn dạy học trò của tôi- lớp thầy thuốc kế cận của mình rằng là người thầy thuốc đừng đặt đồng tiền lên trên. Điều quan trọng là phải thường xuyên trau dồi chuyên môn, tích cực học hỏi nâng cao tay nghề. Khi đã giỏi, người thầy thuốc đó sẽ được xã hội trọng dụng, nhân dân tin yêu. Đó mới là giá trị cao quý nhất đối với người thầy thuốc.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Minh Hương, Viện Nhi Trung ương: Việc đào tạo cho các bác sĩ trẻ rất quan trọng

Tôi tốt nghiệp Học viện Nhi khoa Saint Peterbourg, sau đó ở lại thực tập sinh 1 năm, chính thức vào nghề nhi tại Bệnh viện Nhi từ năm 1991.

Mỗi một năm trong nghề, chúng tôi gặp rất nhiều tình huống, nhưng kỷ niệm  nhớ nhất trong đời là câu chuyện hồi tôi mới ra trường. Sau khi tôi được đào tạo ở nước ngoài về, đi trực ở một bệnh viện nhi, trong đêm trực của tôi, một cháu bé bị tử vong, tôi cảm thấy là xót xa vì không cứu được cháu. Hồi đó, những năm 90, bệnh tim bẩm sinh chưa mổ được. Là một bác sĩ mới ra trường, lại phải chứng kiến cảnh tượng đó nên tôi cảm thấy rất buồn.

Theo tôi, đào tạo cho các bác sĩ trẻ rất cần thiết trong các ngành nhi khoa nói riêng và y khoa nói chung. Vì nếu ngừng học tức là thụt lùi, do đó việc đào tạo cho các bác sĩ trẻ là rất quan trọng.

Ở nước ngoài chúng tôi được học rất cơ bản về cơ sở khoa học trước, sau đó học đến lâm sàng. Vấn đề giáo dục y đức của nước ngoài cũng được đào tạo sớm, chúng tôi học cách ứng xử với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cách ứng xử với đồng nghiệp cũng như quan hệ xã hội, chúng tôi không chỉ học kỹ năng để chẩn đoán, mà còn học cả kỹ năng giao tiếp nữa.

Thạc sĩ- Bác sĩ Nguyễn Huy Cường: Y đức cũng là bản lĩnh của người thầy thuốc


Trong thời đại ngày nay, một bác sỹ có y đức phải là người rất có bản lĩnh. Theo tôi, điều quan trọng nhất với 1 bác sỹ là trình độ chuyên môn. Trên thực tế, những người giỏi nhất là những người biết trân trọng nghề nghiệp nhất và xã hội không bao giờ quên ơn họ. Do vậy, chính họ là người giữ được chữ “Đức” nhiều nhất.

Là một bác sĩ chuyên khoa Đái tháo đường, tôi luôn đặt câu hỏi rằng tại sao đến nay chúng tôi mới chỉ chẩn đoán được khoảng 35% bệnh nhân tiểu đường. Trong khi 65% số bệnh nhân còn lại không được chăm sóc và đây sẽ là gắng nặng rất lớn cho mai sau khi chi phí điều trị biến chứng của bệnh sẽ rất lớn. Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong xã hội ngày nay, cần có cơ sở vật chất, con người tốt. Người dân nói chung và người bệnh nói riêng cần hiểu biết hơn về bệnh tình và “quyền” của mình. Bệnh nhân thiếu thông tin và thụ động nên cán bộ y tế tùy tiện giải thích và kê đơn, bệnh nhân biết vô lý nhưng vẫn cam chịu. Chính sự “đòi hỏi” của bệnh nhân sẽ giúp y tế đi đúng hướng hơn.

Thời gian tới, hệ thống y tế nên cải tiến như thế nào để thân thiện với người sử dụng dịch vụ hơn. Ngoài ra, ngành y tế cần nâng cao về trình độ đội ngũ y bác sỹ cũng như thái độ phục vụ. Tăng thu nhập của cán bộ làm việc trong ngành y tế là rất quan trọng, chính điều này sẽ tác động trở lại 2 yếu tố trình độ và thái độ phục vụ của ngành y tế.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Phó trưởng khoa virus ký sinh trùng- Bệnh viện nhiệt đới Trung ương: phục vụ bệnh nhân với cả trái tim và tâm hồn

Lựa chọn đi học và sẽ làm trong ngành y tế đã là một quyết định mang đầy tính nhân văn trong thời kỳ hội nhập, vì thực tế là các bạn trẻ cũng đã hiểu rất rõ là cuộc sống sau khi ra trường như thế nào so với các ngành nghề khác. Tôi có lời khuyên cho bác sĩ trẻ là: bạn đã lựa chọn đúng, hãy tu dưỡng đạo đức, làm lớn hơn nữa cái tâm của mình, luôn học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, hãy phục vụ với hết trái tim và tâm hồn của mình. Dù chặng đường còn nhiều chông gai - vất vả, nhưng những quả chín ngọt ngào vẫn luôn chờ đợi và dành cho bạn. Điều quan trọng đối với bác sĩ là có tâm, có đức, có trình độ chuyên môn, sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, cần làm mấy vấn đề chính như sau: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế: cả về trình độ chuyên môn và y đức; Nâng cấp hệ thống cơ sở Y tế, trang thiết bị...

Hiện nay, điều tôi trăn trở nhất là: Hệ thống y tế đã thiết lập từ Trung ương đến cơ sở nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc đạt chất lượng do trình độ cán bộ chưa đồng đều, cơ sở vật chất còn kém, trang thiết bị hết sức thiếu thốn đặc biệt tại tuyến tỉnh, huyện và cơ sở. Đời sống của đa số cán bộ y tế trực tiếp làm công tác khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tuyến huyện, các tỉnh miền núi - vùng sâu - vùng xa, chưa có chính sách thu hút và giữ cán bộ làm việc tại các nơi này, dẫn đến thiếu cán bộ cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Kiến  thức y học thường thức của người dân còn thấp, vì vậy việc tự chăm sóc bản thân, thực hiện phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm còn kém, nhiều bệnh nhân để bệnh đến giai đoạn nặng - muộn mới đến với y tế nên kết quả điều trị còn chưa cao và chi phí rất tốn kém. Một bộ phận nhỏ nhân viên y tế (vì những lý do nhất định) chưa thực sự đảm bảo yêu cầu về trình độ chuyên môn và y đức để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quan hệ thày thuốc - bệnh nhân - gia đình bệnh nhân còn nhiều bất cập.

 Gs, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam: Y đức không thể chỉ là một bảng kê khai những gì nên và không nên làm

Như thế, có vẻ giống như một phác đồ điều trị hơn là mang tính nhân văn. Y đức phải được cảm nhận, được Nhà trường dạy cách thể hiện với người bệnh, với xã hội, phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Chúng ta không thể duy ý chí được, cho nên những biểu hiện của y đức không thể tách rời với khoa học, kỹ thuật..."lương y như từ mẫu", đúng thế! nhưng người mẹ hiền phải biết nuôi con, dạy con, phải biết cách làm con cũng yêu quí mình, yêu quí cộng đồng trong đó có người con đang được mẹ chăm sóc...về vấn đề này, một số thầy thuốc còn khá lúng túng trong quan hệ với người bệnh, với đồng nghiệp, với môi trường xã hội mà mình tiếp xúc, một bộ phận thày thuốc trẻ đã tỏ ra quá thực dụng, nên không được xã hội đánh giá cao về giá trị nhân văn. 

Tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1960, tôi có những kỷ niêm khó quên, đã tác động lên tư duy, tình cảm, và thái độ trong cuộc sống của mình.

Bệnh nhân đầu tiên chết trên tay tôi là một cháu bé trai 16 tháng tuổi, bị viêm phế quản phổi: Cảm giác của tôi lúc đó là sự bất lực của mình. Bệnh nhân đầu tiên mang lại niềm phấn khởi là một người được tôi chẩn đoán "cường insulin do u tuỵ, gây cơn động kinh khi hạ đường huyết", và khỏi hẳn sau phẫu thuật cắt đuôi tuyến tuỵ.

Người làm tôi thực sự thấy ấm lòng là một sinh viên nhỏ bé đã lấy thân mình che cho tôi khi bom nổ, trong một trận máy bay Mỹ oanh tạc bệnh viện, nơi tôi công tác và giảng dạy.

Điều còn trăn trở: Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng ngành y Việt Nam còn thiếu quá nhiều giường bệnh, cơ sở vật chất còn thiếu nhiều, người bệnh có điều kiện có xu hướng ra nước ngoài điều trị, đời sống cán bộ y tế nói chung còn nhiều khó khăn.

Y đức là một phẩm chất cao đẹp nhất của người thầy thuốc. Mong cho y đức sáng mọi nơi, soi rọi cho các thế hệ thầy thuốc tiếp bước nhau làm rạng rỡ ngành y học Việt Nam, vì sức khoẻ của con người, xây dựng non sông Việt Nam cường thịnh, bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên