Nơi làm việc của họ luôn tối tăm, bốc mùi xú uế. Bùn đất, rác thải, mảnh vỡ chai lọ… và 1001 loại phế thải khác mà người đời vứt bỏ là những thứ họ phải vớt lên hàng ngày để khơi thông dòng chảy. Họ là những người làm nghề mà người ta quen gọi là nghề “móc cống”.

22h đêm - khoảng thời gian mọi người nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả thì cũng là khoảng thời gian các công nhân Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp thuộc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội bắt đầu vào ca. 5 chiếc xe chuyên dụng (1 xe hút, 3 xe Stec và 1 xe nước) xếp hàng dọc vỉa hè tuyến Tố Hữu - Trung Văn. Đêm nay, các công nhân sẽ làm nhiệm vụ nạo vét bùn, vớt bỏ rác thải dọc tuyến phố này.

Chưa từng hình dung nghề móc cống nó như thế nào, tôi đánh liều xin được theo chân các công nhân xuống dưới cống ngầm. Trước khi xuống, tôi được công nhân khoác cho bộ đồ bảo hộ kín người bằng chất liệu cao su. Bộ đồ này khá nặng và nóng, nhưng nó có thể giúp công nhân không bị ướt khi ngâm mình làm việc trong lòng cống ngầm.

Phóng viên theo chân công nhân thoát nước xuống cống ngầm

Dưới ánh sáng le lói của chiếc đèn pin gắn trên mũ bảo hộ là dòng nước đen xì, bốc mùi hôi thối và cơ man các loại rác thải theo dòng nước trôi về đây. Đêm nay, các công nhân sẽ phải ngâm mình, làm việc trong dòng nước đen, bốc mùi nồng nặc đó để khơi thông dòng chảy.

Dây chuyền của anh Lê Bá Hiếu - công nhân Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp - có 12 người, trong đó có một tổ trưởng, 4 công nhân cống ngầm thay nhau lội xuống dưới cống vét bùn, còn lại là nhân viên lái xe và người làm nhiệm vụ cảnh báo, hướng dẫn giao thông và đảm nhiệm các công việc phát sinh trong quá trình vận hành xe hút bùn, rác thải.

Sau khi trang bị “đồ nghề” gồm bộ đồ lội nước, mũ bảo hộ, găng tay và đèn chiếu sáng gắn trên mũ, Hiếu bắt đầu công việc của mình khi leo thoăn thoắt xuống chiếc thang đã được đồng nghiệp dựng sẵn dưới cống. Dường như đã quen với “đường đi”, vừa bước xuống thang, chân Hiếu không quên thăm dò địa hình phía dưới để tìm chỗ đứng chắc chắn.

Sau khi Hiếu đã đặt chân xuống cống, tôi mới lò dò theo sau. Mong muốn khám phá nơi này giúp tôi vượt qua cảm giác buồn nôn khi đặt chân lên thang bởi thứ mùi thum thủm đặc trưng của dòng nước đen sì đang chảy dưới lòng cống. Nhưng càng xuống phía dưới, khi nửa chiếc thang ngập trong dòng nước cống đen ngòm, tôi như mất phương hướng, khua chân vô định vì chẳng biết bậc thang đang nằm ở vị trí nào để đặt chân lên.

Dò từng bước một, tôi cũng xuống hết thang và chuẩn bị đặt chân lên đáy cống. Lại một lần nữa đôi chân tôi chới với để tìm điểm tựa dưới lòng cống sâu. Bộ đồ bảo hộ bằng cao su như một chiếc túi kín khiến dòng nước sâu gần 1,5m như nhấc bổng tôi lên. Vốn khiêm tốn về chiều cao, gần như chỉ còn phần đầu và 2 cánh tay luôn phải giơ lên để tác nghiệp của tôi là ở trên mặt nước. Ngoài ra, mực nước cao cùng với lực hút rất mạnh của vòi hút bùn khiến việc đứng vững trong lòng cống khá vất vả, chỉ một chút sơ sảy, máy ảnh, thiết bị ghi hình và cả phần đầu của tôi có thể bị ụp xuống dòng nước đen ô nhiễm bất cứ lúc nào.

Bắt đầu công việc, Hiếu ôm vòi hút đi sâu vào lòng cống ngầm, người liên tục chúi xuống mặt nước cống, gương mặt lấm lem vì nước bẩn. Vất vả, độc hại là vậy nhưng Hiếu bảo làm nhiều thành quen, không thấy vất vả nữa, với Hiếu, “đoạn cống này vẫn còn sạch chán”. Hiếu cho biết, có những nơi, mặc dù có sự hỗ trợ của máy móc nhưng do đặc thù của công việc nên công nhân thoát nước vẫn phải trầm mình dưới lòng cống nước đen ngòm để tiến hành nạo vét rác thải mắc kẹt mà máy hút không thể hút lên được.

“Ở những nơi cống ngầm gần chợ nơi có nhiều hàng quán ăn uống, rác thải bị cuốn xuống cống, dầu mỡ bám dày xung quanh thành cống và nổi váng trên mặt nước, khiến việc nạo vét rất vất vả. Có nơi rác đặc quánh gây tắc nghẽn khiến chúng tôi phải làm việc liên tục, bì bõm trong nước để vớt rác khơi thông dòng chảy. Có những đoạn hố ga nhỏ hẹp, công đoạn chuyển rác thải, bùn lên trên cũng phải cần đến nhiều người, nặng nhọc gấp đôi”.

Suốt quá trình làm việc dưới cống, Hiếu luôn ôm chặt vòi hút bùn, đi dọc từ đầu đến cuối tuyến cống. Chiếc vòi hút rung lên với lực hút rất mạnh, nếu không tìm cách bám chặt chân xuống đáy thì có thể ngã nhào bất cứ lúc nào. Trong quá trình hút, tín hiệu ở máy “réo” lên khi phát hiện thấy “chướng ngại vật” như gạch, chai thủy tinh, bàn thờ, cốc chén… không thể chui qua miệng ống hút. Những lúc như vậy, Hiếu phải thò tày xuống nhặt vật cản đó cho vào một chiếc xô riêng để đưa về bãi đổ.

Làm việc liên tục dưới cống trong khoảng thời gian từ 1 đến 1,5 giờ đồng hồ, Hiếu leo lên mặt đường để nghỉ khoảng 15 phút, sau đó tiếp tục làm việc. Một đêm như vậy, công nhân sẽ phải nạo vét, làm sạch rác gần 200m cống ngầm.

Hiếu cho biết, làm nghề mãi cũng thành quen nhưng vẫn còn đó nỗi buồn khi ý thức của người dân chưa cao, xả rác bừa bãi. Mỗi khi mưa lớn, rác lẫn bùn đất trôi xuống cống ngầm chặn dòng chảy gây ngập úng cục bộ. Công việc của những người làm nghề móc cống càng thêm vất vả vì phải đằm mình dưới cống để khơi thông dòng chảy. “Mong ước lớn nhất của những người làm nghề như chúng tôi là ý thức và trách nhiệm của người dân được nâng cao, không xả rác bừa bãi. Có như vậy, chúng tôi sẽ vơi bớt nhọc nhằn”, Hiếu tâm sự.

Cũng như Lê Bá Hiếu, anh Phạm Ngọc Tuyến (sinh năm 1986) đã có 11 năm kinh nghiệm trong nghề “móc cống”.

Nhớ những ngày mới vào nghề, khi tiếp xúc với công việc của một công nhân nạo vét bùn dưới cống ngầm, không ít lần sau khi tan ca, Tuyến phải bỏ bữa vì cảm giác ghê ghê cứ trào lên cổ.

“Ngày mới vào nghề, trong một lần đi hút bùn ở dưới cống, gần một cửa hàng bán phở, cửa hàng thường đổ nước thải lẫn xương cục xuống cống. Khi làm việc, tay tôi chạm vào một cục xương, tôi lại tưởng đó là sọ người. Cảm giác hoảng sợ, ớn lạnh vẫn còn nguyên nhiều ngày sau đó”, Tuyến cho biết.

Sau hơn một tháng, Tuyến đã dần quen và thích nghi với công việc, anh tự mình học hỏi cộng với sự chỉ bảo của những người đi trước trong nghề, Tuyến dần không còn cảm thấy áp lực cũng như sợ hãi nữa.

“Gắn bó một thời gian dài, đến nay, công việc này với tôi gần như là “nghiệp” vậy. Dù rất vất vả nhưng lại giúp tôi có được mức thu nhập ổn định, nên tôi cứ theo nghề thôi”, Tuyến nói.

11 năm bám trụ với nghề, không ít lần Tuyến cũng như đồng nghiệp của mình nhận được ánh mắt kỳ thị của mọi người xung quanh. Tuyến kể, khi đi qua nơi anh đang làm, có người thì bịt mũi, người thì bỉ bôi, người thì nhổ nước bọt gần mình. Lâu dần, anh xem đây là chuyện bình thường, không còn cảm thấy tủi thân nữa mà cảm thấy rất tự hào với công việc mình đang làm.

Nạo vét bùn rác dưới cống ngầm có vai trò rất quan trọng trong việc thoát nước ở Hà Nội. Khi cống ngầm được nạo vét sạch, nếu lượng mưa lớn đổ xuống cống thì nước sẽ chảy ra nguồn tiêu trong thời gian ngắn nhất. Đây là công việc xuyên suốt của công nhân Công ty thoát nước Hà Nội. Những ngày nắng ráo công việc đã vất vả, khi mưa trút xuống, họ lại phải nhanh chóng có mặt tại điểm ngập úng để kịp thời xử lý.

Mùa mưa năm 2022 đến sớm hơn những năm trước và có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc. Vì thế, ngay từ đầu mùa mưa, công ty đã xây dựng kịch bản, phương án thoát nước. Đối với Xí nghiệp thi công cơ giới xây lắp được giao 9 điểm, trực thường xuyên ở những khu vực trọng điểm thường xảy ra úng ngập.

Theo ông Nguyễn Cảnh Dương - Phó Giám đốc Xí nghiệp thi công cơ giới xây lắp - Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, mùa mưa năm nay đến sớm, cường độ mưa lớn hơn. Có những khu vực mọi năm không ngập nhưng năm nay lại ngập, vì thế xí nghiệp đã phải xây dựng kế hoạch ứng trực khi ngập úng.

 “Nếu mưa đêm, 5h sáng, toàn bộ anh em đã phải ra đường cùng với các thiết bị cơ giới có mặt tại những điểm trực. Trong các trận mưa dự báo trước, chúng tôi chủ động đưa xe, thiết bị phối hợp với các lực lượng địa bàn để giải quyết úng ngập tại chỗ. Trong thời gian giải quyết úng ngập trên đường, kết hợp với cảnh sát giao thông để hướng dẫn giao thông, hướng dẫn người dân tránh các điểm úng ngập. Sau đó công nhân sẽ bắt tay vào việc thoát nước như dọn vệ sinh, bơm đẩy nước đi… để mực nước rút nhanh nhất, đảm bảo cho người dân đi lại an toàn”, ông Dương cho hay.

Theo ông Dương, làm nghề này việc thông tin liên lạc rất quan trọng. Vì thế anh em công nhân lúc nào cũng phải chủ động, luôn trong trạng thái sẵn sàng nhận lệnh: “Đơn vị ở xí nghiệp luôn có bộ phận trực xung kích theo phòng thông tin liên lạc của công ty, khi có mưa chúng tôi chủ động đi ngay. Ngoài ra, công nhân xí nghiệp yêu cầu công nhân dùng điện thoại thông minh, kết nối thông tin qua mạng xã hội Zalo để thông tin liên lạc được nhanh chóng, thông suốt”./.

Thứ Hai, 06:16, 01/08/2022