Một điểm sáng về y đức

Tin bệnh viện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cứu sống một sản phụ chết lâm sàng ngày 23/2 vừa qua khiến nhiều bà con trong vùng xúc động.

Sản phụ  này được cứu sống không chỉ bằng tay nghề mà chính nhờ nhiều thầy thuốc ở đây đã sẵn sàng cho đi những giọt máu của mình để giành lại sự sống cho bệnh nhân trong từng giây, từng phút. Và nhiều người bệnh đã được cứu sống từ những tấm lòng lương y như từ mẫu cao cả như vậy.

Tấm lòng của những lương y

Đến giờ này, chị Nguyễn Thị Tuyết Liễu vẫn xúc động khi nhắc về những nghĩa cử cao đẹp mà đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và những người đã hiến máu để cứu mình.

Hôm ấy, chị phải sinh mổ và có những biến chứng cần phải phẫu thuật, bị thiếu máu trầm trọng nhưng nhờ các y bác sỹ và những người thuộc ngân hàng máu sống của Bệnh viện hiến được 7 đơn vị máu kịp thời mà chị đã tai qua nạn khỏi. Chị Tuyết Liễu kể lại: “Các bác sĩ mổ lấy em bé ra rồi mới phát hiện nhau cài răng lược, phải gỡ nhau thai ra và mất rất nhiều máu. Các bác sĩ trong bệnh viện đã không ngần ngại hiến máu cứu sống tôi. Bây giờ sức khoẻ của tôi rất tốt, bình thường. Tôi cảm ơn các đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng và những người đã cho tôi máu để tôi có cuộc sống như ngày hôm nay”.

Một ca mổ sọ não tại Bệnh viện Đa khoa Long Khánh

Còn với trường hợp của anh Trần Thanh Duy, người tưởng chừng không thể sống nổi khi bị một vết thương nặng ở tim nhưng nhờ sự nhiệt tình cứu chữa và những giọt máu nóng của đội ngũ y, bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh mà anh đã được cứu sống. Anh Thanh Duy nhắc lại: “Khi từ nhà đưa xuống bệnh viện tôi không còn biết gì hết, coi như người chết rồi. Mấy ngày sau tôi mới tỉnh dậy và được xuất viện. Sức khoẻ của tôi ổn định tới giờ. Cảm ơn tất cả các y bác sỹ ở đây đã tận tình cứu chữa để tôi thoát khỏi hoạn nạn”.

Đó chỉ là hai trong số nhiều trường hợp “thập tử nhất sinh” mà chỉ có lòng yêu nghề, sự tận tuỵ của người thầy thuốc và những giọt máu quí hiếm của các y, bác sỹ ở bệnh viện Long Khánh mà bệnh nhân được cứu sống.

Cách đây mấy hôm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cũng cứu sống một sản phụ đã chết lâm sàng sau khi sinh. Trong quá trình phẫu thuật, do thiếu máu dự trữ, 7 y, bác sĩ và các thành viên ngân hàng máu sống hiến được 14 đơn vị máu, giành lại sự sống cho sản phụ trước khi chuyển lên tuyến trên.

Hiệu quả của Ngân hàng máu sống

Là một bệnh viện tuyến 3 nên lượng máu được dự trữ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh rất ít. Khi cần tiếp máu cho bệnh nhân phải lần lượt qua hai tuyến trên là Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đồng Nai nên lượng máu khi về đến được đây thì hạn dùng chỉ còn rất ngắn. Nhiều khi gặp những ca mất máu nặng như tai nạn giao thông, vỡ gan, vỡ lá lách… thời gian cấp bách thì lại thiếu máu trầm trọng. Vì vậy, từ năm 2000, Ban giám đốc bệnh viện đã thành lập một ngân hàng máu sống và đến nay đã có hơn 100 thành viên trong và ngoài bệnh viện tham gia. Chỉ cần một cú điện thoại, vài phút sau những thành viên ngân hàng máu sống sẽ có mặt, tiếp máu cứu người.

Dược sỹ Hồ Văn Thúc, Chủ nhiệm Ngân hàng máu sống là một tấm gương đi đầu hiến máu cứu người khi anh đã 34 lần hiến máu, được Bộ Y tế và UBND tỉnh Đồng Nai tặng nhiều bằng khen. Vừa rồi, anh Thúc được đại diện cho tỉnh Đồng Nai ra Hà Nội tham dự cuộc gặp mặt các tấm gương tiêu biểu của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Thành tích là thế nhưng anh rất gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai khi cần. Anh Hồ Văn Thúc cho rằng: “Tham gia hiến máu cứu bệnh nhân là một trong những nhiệm vụ của người thầy thuốc. Khi hành động của mình cứu được bệnh nhân thì niềm vui sẽ tăng lên. Đây là một việc làm thiết thực lâu dài cần duy trì. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Hội chữ thập đỏ tập hợp một số người dân có nhóm máu hiếm để cứu giúp những trường hợp máu quí hiếm”.

Tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng  trong năm qua, tập thể y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã khám chữa bệnh cho gần 400.000 lượt bệnh nhân. Nhiều năm qua, Bệnh viện đạt danh hiệu đơn vị xuất sắc toàn diện và dẫn đầu tỉnh Đồng Nai về hoạt động của ngân hàng máu sống.

Bác sỹ Sử Sơn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết: Nhu cầu khám và chữa bệnh của người bệnh rất đa dạng nhưng trình độ, cơ sở vật chất, trang thiết bị và một số chuyên môn khác của bệnh viện có hạn. Chính vì thế, chúng tôi phải cố gắng phát huy hơn nữa, nhất là tinh thần làm chủ tập thể và tinh thần thương yêu người bệnh. Chúng tôi sẽ phát động phong trào tiếp tục thực hiện công tác hiến máu nhân đạo để cứu người trong cán bộ công nhân viên và những người bên ngoài. Đây là một hoạt động rất hiệu quả để cứu chữa người bệnh”./.                                               

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên