Một số cán bộ được cử làm việc ở nước ngoài lại loanh quanh làm ăn riêng
VOV.VN- Một số cán bộ sang làm việc ở nước ngoài nhưng lại loanh quanh với làm ăn riêng, phục vụ mục đích thương mại nhiều hơn là công việc được cơ quan cử đi.
Cần nâng cao chất lượng, năng lực chuyên môn, kỹ năng ngoại giao, trách nhiệm của cán bộ được cử đi làm việc ở cơ quan đại diện nước ngoài.
Đó là một trong những vấn đề được các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV tập trung đóng góp ý kiến tại phiên họp ở tổ chiều 26/10 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đưa ra thực tế là ngoài những cán bộ đi sang nước ngoài làm việc có chuyên môn, tận tâm với công việc thì vẫn còn một số người năng lực còn hạn chế.
Sự tận tụy, tìm kiếm những sáng kiến, tăng cường mối quan hệ ngoại giao với nước bạn, để tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành chưa đạt yêu cầu.
Một số cán bộ sang làm việc ở nước ngoài nhưng lại loanh quanh với việc làm ăn riêng, phục vụ mục đích thương mại nhiều hơn là công việc được cơ quan cử đi làm, giao phó.
Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, cán bộ được cử đi làm việc ở cơ quan đại diện tại nước ngoài chính là những người đại diện cho công dân tiêu biểu của Việt Nam. Vì vậy, họ cần nâng cao ý thức trách nhiệm, chuyên môn, kỹ năng khi được cử đi làm việc ở nước ngoài.
Góp ý về việc khắc phục những bất cập trên, bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng, trong điều 24 của Luật hiện hành cần bổ sung trách nhiệm của thành viên cơ quan đại diện ở nước ngoài phải thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền phổ biến thông tin pháp luật cho người Việt sinh sống và làm việc tại nước ngoài.
Trong dự thảo luật cần thiết phải thêm chế tài đối với cán bộ trong thời gian công tác ở nước ngoài không được tiến hành hoạt động nghề nghiệp nhằm mục đích thu lợi.
Các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội |
Có cán bộ sống trong căn hộ chật hẹp, dưới dây phơi quần áo
Một trong những vấn đề khác cũng được các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến là chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên khi làm việc tại cơ quan đại diện ở nước ngoài.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Quang Thanh, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nêu quan điểm, nhiều cơ quan đã chia cử cán bộ làm việc ở nước ngoài ở nhiều địa bàn khác nhau.
Bên cạnh những địa bàn thuận lợi thì còn có địa bàn khó khăn. Ở những địa bàn quá xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì thật sự là có cán bộ ngại đi đến đó làm việc.
Thực tế là có trường hợp hai vợ chồng cán bộ và 1 con ở trong phòng chỉ có vài m2, trên đầu là dây phơi quần áo, trông không bằng sống trong một phòng ở trong khu tập thể cũ ở trong nước.
Nhiều cán bộ được cử đi làm việc ở cơ quan đại diện nước ngoài tại vùng khó khăn mới lập gia đình có vợ (chồng) và con cái đều muốn đi sang nước ngoài theo. Tuy nhiên, họ băn khoăn là khó có thể đủ điều kiện kinh phí để lo cho con cái học hành.
Trước những bất cập trên, ông Phạm Quang Thanh, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nêu ý kiến, trong Luật dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cần bổ sung việc tạo điều kiện cho cán bộ và gia đình họ yên tâm công tác ở những nước có địa bàn khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội lại cho rằng, việc hỗ trợ kinh phí cho con cán bộ làm việc tại cơ quan đại diện ở nước ngoài cần tính toán đến việc các cháu học trường công lập hay trường tư thục. Bởi có những trường tư thục, mức học phí lên đến hàng chục nghìn USD/năm. Còn học trường công lập chỉ khoảng một vài trăm USD/năm. Vì vậy, trong dự thảo Luật cần có quy định rõ ràng việc hỗ trợ học phí cho con của cán bộ đó như thế nào cho hợp lý, tránh trường hợp nhập nhằng, không minh bạch.
Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu bày tỏ, nếu cán bộ nào cũng muốn cho con học trường tư với chi phí cao thì rất khó có thể hỗ trợ. Vì vậy, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cần đưa ra mức hỗ trợ đối với con cán bộ làm việc tại cơ quan đại diện nước ngoài thông qua những cuộc khảo sát cụ thể./.
Kỷ luật cán bộ cao cấp: “Không ngại thiếu cán bộ, thiếu người tài”
Chỉ tinh giản biên chế mới có thể tăng lương cho cán bộ, công chức