Bệnh viện Bạch Mai:

Một thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp cứu người

Bệnh viện Bạch Mai tròn 100 năm Ngày thành lập (1911-2011) vào dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2). 

Trong suốt 100 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành gắn liền với từng giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước và Hà Nội nói riêng, Bệnh viện Bạch Mai đã tạo được lòng tin sâu sắc về khám chữa bệnh đối với người dân, đóng vai trò của 1 trung tâm y học tuyến cao nhất, một Trung tâm giáo dục đào tạo y học, một Bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên tại Việt Nam.

Đơn vị giàu truyền thống
Bệnh viện Bạch Mai tên gọi cũ là Bệnh viện Lây, Cống Vọng ra đời năm 1911, phục vụ khám chữa bệnh cho các bệnh truyền nhiễm, với tính chất ban đầu khu cách ly.

Bệnh viện lây Cống Vọng năm 1911


Từ cái nôi Nhà thương Cống Vọng đã hình thành một thế hệ những người thày thuốc Việt Nam yêu nước. Họ là những người đã nhanh chóng nắm bắt, làm chủ kiến thức tây y mới mẻ nhưng luôn hun đúc trong lòng một tình yêu quê hương, khát vọng độc lập tự do để sau này trở thành những “hạt giống đỏ” của nền y tế Cách mạng Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, đánh dấu bằng sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà thương Cống Vọng ấy được đổi tên thành Bệnh viện Bạch Mai cho đến ngày hôm nay.

Gánh vác trách nhiệm là một cơ sở y khoa hàng đầu trong ngành Y tế của nền độc lập non trẻ, trong điều kiện thày thuốc ít, người bệnh đông, trang thiết bị, thuốc men thiếu thốn, các thày thuốc và nhân viện của Bệnh viên đã hăng hái làm việc, duy trì hoạt động của bệnh viện, khám chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Bệnh viện Bạch Mai ngày nay
(trong ảnh: Các thực tập sinh chụp ảnh lưu niệm trước Nhà Việt- Nhật )


Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ trên toàn quốc, Bệnh viện Bạch Mai là 1 trong 3 trạm phẫu thuật lưu động làm nhiệm vụ cứu chữa cho nhân dân và tự vệ đang chiến đấu trong nội thành. Bệnh viện là pháo đài của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bệnh viện được 2 lần đón Bác Hồ đến thăm vào năm 1954 và 1960.

Trong chuyến thăm lần đầu tiên, Bác căn dặn: “Có cơm ngon, thuốc đúng, người phục vụ tận tuỵ nhất định bệnh nhân mau khỏi, nhà thương mau tiến”. Thực hiện lời dạy của Người, cán bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai thấu hiểu trọng trách là ngọn cờ đầu của ngành Y tế trước Đảng, nhân dân trong khi đất nước còn chia cắt nên đã làm hết sức mình góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, đồng thời chi viện cho miền Nam ruột thịt. Nhiều bác sĩ, y tá của Bệnh viện đã lên đường phục vụ chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Năm 1972, Bệnh viện đã bị giặc Mỹ 4 lần ném bom huỷ diệt, nhưng các thầy thuốc, y, bác sĩ vẫn kiên cường bám trụ, đảm bảo cấp cứu, khám kịp thời cho bệnh nhân. Trong những lần huỷ diệt đó, 28 cán bộ của bệnh viện đã anh dũng hy sinh. Đến nay trong bệnh viện có 2 đài tưởng niệm liệt sĩ.

Địa chỉ tin cậy của người dân
Trong thời chiến, các thày thuốc của bệnh viện đã quên mình, thầm lặng vượt qua mọi khó khăn để cứu chữa các thương bệnh binh.


Trong thời bình và những năm đổi mới, nhiều thế hệ thày thuốc đã xây dựng bệnh viện lớn mạnh cùng nhiều kỹ thuật tiên tiến ngang tầm các nước trong khu vực và quốc tế. Bệnh viện đã tập trung những thày thuốc giỏi, uy tín và trở thành địa chỉ tin cậy của hàng triệu người dân Việt Nam khi cần được chăm sóc sức khoẻ.

Hiện nay, Bệnh viện đã trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh đầu tiên của cả nước với 1.900 giường bệnh, 2 viện nghiên cứu, 7 trung tâm, 22 khoa lâm sàng, 7 khoa cận lâm sàng, 9 phòng chức năng và 1 trường học y tế, là nơi làm việc của hơn 2.000 cán bộ, viên chức. Với đội ngũ giáo sư, bác sĩ, kỹ thuật viện, điều dưỡng kỹ thuật cao dày dạn kinh nghiệm, Bệnh viện Bạch Mai luôn là địa chỉ khám, chữa bệnh hàng đầu và đáng tin cậy của cả nước. Năm 2010, bệnh viện đã khám cho gần 720.000 người bệnh và điều trị nội trú cho gần 96.000 trường hợp. Đáng chú ý, số người bệnh được khám và điều trị nội trú đều tăng gấp 3 lần so với năm 2000 nhưng tỷ lệ tử vong lại giảm từ 0,9% năm 2000 xuống còn 0,48% năm 2010. Bệnh viện đã góp phần đem lại thành công vang dội cho Việt Nam và là nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS, H5N1, H1N1, không dịch lây lan trong cộng đồng và các căn bệnh hiểm nghèo khác…

Tận tuỵ, hết lòng vì người bệnh

Y tác túc trực bên người bệnh


Bệnh viện Bạch Mai không chỉ đơn thuần là một đơn vị hạng đặc biệt về chuyên môn mà còn luôn duy trì và bồi đắp một truyền thống tốt đẹp nêu cao y đức của người thày thuốc. Thế hệ thày thuốc nào của Bạch Mai cũng lấy y đức người thày thuốc làm tấm gương để tự soi mình. Làm theo lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”, Bạch Mai đã có biết bao tấm gương thày thuốc không ngừng học tập, tu dưỡng dành hết tâm sức cho người bệnh.

Bà Nguyễn Thị Vân, đến từ Bắc Giang, có người nhà hiện đang được điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai tâm sự: “Trong thời gian bố  chúng tôi nằm viện, được các bác sĩ cũng như y tá chỉ bảo, động viện và chăm sóc tận tình, kể cả lúc đêm bố tôi bị mệt. Chúng tôi vô cùng cảm ơn những tấm lòng của những thày thuốc ở đây. Chúc cho các thày thuốc mạnh khoẻ và đem hết khả năng để cứu chữa người bệnh”…

Theo TS, BS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để xứng đáng với lòng tin của nhân dân thì mũi nhọn kỹ thuật tiên tiến phải đi đôi với việc hết lòng chăm sóc vì người bệnh, đây là yếu tố căn bản đem lại được lòng yêu thương của nhân dân.

Là người có thâm niên trong nghề gần 30 năm, BS Nguyễn Quốc Anh luôn luôn nhắc nhở các đồng nghiệp của mình đem hết cái tâm, cái đức lo cho sức khoẻ của nhân dân.

Ông quan niệm rằng, muốn hoàn thành tốt bất cứ nhiềm vụ gì, ở bất cứ lĩnh vực nào thì con người đều phải có sự chủ động, và người thầy thuốc phải có cái tâm. Chữ tâm ngay cả trong gia đình, trong cuộc sống, bạn bè đồng nghiệp và bệnh nhân. Nếu đạt được chữ đó sẽ đạt được tất cả các điều khác.

Với chức năng là tuyến kỹ thuật cao nhất, Bệnh viện đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Y tế. Bệnh viện thường xuyên trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các nước trên thế giới. Hàng năm, bệnh viện đón tiếp 100-150 đoàn khách quốc tế đến tham quan và học tập kinh nghiệm.

Thời gian tới, TS Nguyễn Quốc Anh cũng mong muốn Đảng, Nhà nước sẽ chú trọng, quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư máy móc kỹ thuật cũng như đào tạo cán bộ, để giúp bệnh viện nâng cao được khả năng trong công tác chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.

Sắp tới, Bệnh viện sẽ triển khai khu nhà 21 tầng để phục vụ bệnh nhân.

Ghi nhận những đóng góp của các thế hệ thày thuốc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Bệnh viện Bạch Mai nhiều phần thưởng cao quý. Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, Bệnh viện được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2.
 

** TS - BS Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Người thày thuốc luôn lấy chữ tâm làm trọng. Từ đó mới có tinh thần phục vụ bệnh nhân. Đã 30 năm trong nghề, điều làm tôi nhớ và cảm thấy hạnh phúc nhất là việc tập thể y bác sĩ của Bệnh viện tập trung cứu sống cháu bé sơ sinh, sinh non tháng. Sau khi sinh, mẹ cháu đã mất do bị xuất huyết rất nặng. Cháu được sinh ra bị mắc bệnh hiểm nghèo của mẹ (tức là bệnh nhiễm khuẩn huyết, và xuất huyết phổi) trong khi cân nặng chưa đầy 700 gam đe doạ ngừng thở. Các thày thuốc bằng các biện pháp cùng những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất đã cứu sống cháu và đặc biệt đã trả lại các chỉ số bình thường, cân nặng 3,1kg.

Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong một lần đến thăm Bệnh viện Bạch Mai
(TS Quốc Anh, ngoài cùng bên trái)

Khi tiễn cháu ra viện, cha của cháu vừa khóc vừa nói rằng: đây là kỳ tích tuyệt vời của Ngành Y và là tấm lòng của các thầy thuốc cũng như của toàn xã hội đối với gia đình cháu. Trường hợp này được Bộ Y tế và báo đài bình chọn là 1 trong 10 sự kiện của lòng nhân ái của cả nước năm 2010
.

** GS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch: Cả cuộc đời tôi gắn liền với Bệnh viện Bạch Mai. Y đức là một phẩm chất cao đẹp của Người thày thuốc. Mong cho y đức sáng mọi nơi, soi rọi cho các thể hệ thầy thuốc tiếp bước nhau làm rạng rỡ ngành y học Việt Nam.

** TS- BS Trần Thị Minh Hoa, Phó trưởng khoa Xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai: Một nửa cuộc đời tôi gắn liền với Bệnh viện Bạch Mai, được học hỏi và gặp gỡ với nhiều giáo sư, thày thuốc giỏi trong nước và thế giới là niềm tự hào của tôi. Tôi luôn dạy sinh viên rằng: được chăm sóc bệnh nhân là niềm vui và điều hạnh phúc của người thày thuốc.

GS-TS Lê Văn Thính


** GS Lê Văn Thính, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai:
Chúng tôi có may mắn và vinh dự được làm việc tại Bệnh viện đầu ngành của cả nước. Chúng tôi nguyện đem hết sức mình để cứu chữa và phục vụ bệnh nhân. Thày thuốc, thày giáo đều là nghề cao quý. Tôi thường dạy các em của mình luôn luôn quý trọng công việc của mình và cập nhật kiến thức, học tập suốt đời. Đã bước vào nghề y thì phải chấp nhận khó khăn, vất vả và say mê với nghề nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên