Mưa giông lớn gây thiệt hại nhiều nơi ở Lâm Đồng
VOV.VN - Chiều 20/7, mưa to kèm gió lốc xảy ra trên diện rộng đã gây nhiều thiệt hại tại khu vực ven biển thuộc tỉnh Lâm Đồng (địa bàn tỉnh Bình Thuận cũ). Tại hiện trường, nhiều cây xanh bị gãy đổ, một số căn nhà dân bị tốc mái, nhiều trụ điện gãy, ngã, gây mất điện cục bộ tại một số địa phương.
Tại TP. Phan Thiết (cũ), nay thuộc tỉnh Lâm Đồng, mưa giông đã làm gãy đổ hàng loạt cây xanh trên các tuyến đường tại các phường Phan Thiết, Phú Thủy, Bình Thuận… Một số nhà dân bị tốc mái. Rất may không có thiệt hại về người. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng chức năng hỗ trợ người dân dọn dẹp hiện trường và thống kê thiệt hại.

Tại thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, mưa to và lốc xoáy khiến 2 căn nhà bị tốc mái, ước tổng thiệt hại ban đầu khoảng 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, một trụ điện hạ thế bị ngã, gây mất điện trong khu vực. Ngành điện lực đã khẩn trương khắc phục sự cố.

Tình trạng tương tự xảy ra tại thôn Thuận Minh, xã Tân Thành. Mưa giông mạnh làm gãy đổ 5 trụ điện thuộc đường dây trung thế 478A–478B do Điện lực Hàm Thuận Nam quản lý. Công tác khắc phục đang được tiến hành khẩn trương. Rất may không ghi nhận thương vong.

Lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, phối hợp địa phương xử lý sự cố, đảm bảo an toàn cho người dân.

Trước tình hình mưa gió được dự báo tiếp tục mạnh thêm và có khả năng gây mưa lớn trong những ngày tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có công điện khẩn về việc ứng phó với bão số 3 (bão Wipha).
Theo đó, đối với các xã, phường ven biển, Đặc khu Phú Quý, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý nghiêm ngặt hoạt động tàu thuyền ra khơi, tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trủ an toàn.
Đồng thời triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, phương tiện, tài sản đặc biệt đối với các điểm du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các công trình trên biển, trên đảo, khu vực ven biển.
Căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cả, tàu vận tải, tàu du lịch và di dời dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven bờ, trên biển, trên đảo để đảm bảo an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.