Sống được như họ thì nên cố mà sống, rất rất nên. Họ không chỉ có tuổi thọ cao, mà quý hơn nữa, họ già mà vấn năng động và có ích cho đời
Không hiểu ai là người đầu tiên tôn vinh họ là những Già làng thế giới (The Global Elders) hay họ tự phong, còn báo chí gọi là các bậc hiền tài. Họ đều là những người đã giã từ chính trường và nghỉ hưu. Một nửa trong số họ được Giải thưởng Hòa bình, cái giải không ít lần chịu tiếng quá nhuốm màu chính trị thiên lệch hoặc mơ hồ, song nhiều vị được trao giải ấy thật sự xứng đáng vì đã ít nhiều có cống hiến cho nhân loại. Bản thân các bậc khi còn đảm đương trọng trách quốc gia hoặc quốc tế đã có không ít lần bất đồng ý kiến với nhau sâu sắc, nay ngồi lại với nhau nhờ một mẫu số chung: thiện chí vì việc thiện.
![]() |
Cựu Tổng Giám mục Desmond Tutu, chủ trì nhóm 12 vị Già làng thế giới |
Thật ra sáng kiến lập Nhóm Già làng khởi thủy không phải của Mandela. Đó là ý tưởng của một tỷ phú người Anh tên là Richard Branson, cùng bạn là Peter Gabriel ngôi sao nhạc rock. Khi hai người trình bày ý tưởng ấy với Nelson Mandela, ông nhiệt liệt tán đồng và sẵn sàng đảm đương trách nhiệm, cho dù chỉ trên danh nghĩa bởi tuổi tác và sức khỏe không cho phép ông bôn ba đến các điểm nóng trên toàn cầu. Nhân kỷ niệm 89 năm ngày sinh của mình, cựu Tổng thống Nam Phi mời các vị nói trên tề tựu và trao đổi. Ngay lập tức mọi người hưởng ứng. “Vấn đề đầu tiên” cần cho các hoạt động, bao giờ và ở đâu cũng là chuyện hóc búa, thì đã được giải quyết ngay từ đầu. Nhà tỷ phú cùng bạn bỏ ra khoản tiền 18 triệu USD, làm kinh phí cho nhóm trong ba năm.
![]() |
Jimmy Carter, cựu Tổng thống Mỹ, Giải thưởng Nobel vì Hòa bình |
Điểm chung ở các vị già làng là dồi dào kinh nghiệm hoạt động trên vũ đài quốc gia và quốc tế. Họ đều dũng cảm trong chuyện phát ngôn, dám nói khi cần, tuy thường xuyên ai nấy đều hết sức kín đáo, kiệm lời, không công khai phê phán bên nào. Họ hành động theo lương tri, hoàn toàn không chịu sức ép bên ngoài. Họ lặng lẽ đảm đương nhiều việc nhạy cảm, ở những vùng đầy khó khăn. Nếu thành công, họ chẳng màng những lời ca ngợi. Nếu họ không đạt được như mong muốn, chẳng ai nỡ nặng lời chê trách. Nói theo lời cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter - một thành viên trong nhóm, phương châm hành động của họ là giữ gìn không can thiệp vào hành động của các chính phủ hay tổ chức quốc tế, tuy nhiên sẵn sàng tham gia hỗ trợ hoặc hoặc tiếp sức cho các thiết chế ấy khi cần.
![]() |
Bà Mary Robinson, cựu Tổng thống Ireland, cựu Cao ủy LHQ về Quyền con người |
Tại diễn đàn Hội nghị Liên minh Nghị viện thế giới họp tại Australia năm 2009, cựu Tổng thống Carter thẳng thừng phát biểu: “Chính niềm tin theo quan điểm của Đức Chúa Trời, vốn cho rằng nữ giới là những con người đẳng cấp thấp hơn nam giới, đã cho phép các ông chồng đánh đập vợ, những tên lính võ biền hãm hiếp dân thường, nhiều ông chủ tự cho quyền trả lương thấp cho phụ nữ làm công, hay những bậc cha mẹ đã quyết định phá thai khi biết cái thai trong bụng bà sẽ là con gái”. Cựu Tổng giám mục Tutu còn mạnh lời hơn về vấn đề Israel: “Phương Tây đang run rẩy trước mặc cảm tội lỗi của mình về nạn diệt chủng người Do thái trong chiến tranh thế giới thứ hai, mặc cảm ấy cũng là bình thường. Nhưng, những ai phải trả giá cho mặc cảm tội lỗi của họ? Chính là người Arab, người Palestine… Một lần, tôi nghe một vị đại sứ Đức nói nước ông đã phạm hai hành động xấu xa: một là những gì họ đã làm trước đây đối với người Do thái và hai là những gì họ đang làm ngày nay đối với người Palestine”. Cựu Tổng giám mục cũng lên án nhiều người Mỹ có xu hướng “hù dọa bất kỳ ai dám phê phán việc Israel chiếm đóng đât đai của người Palestin, viện cớ như vậy là vi phạm luật pháp của nước Mỹ chống bài xích Do thái”.
![]() |
Kofi Annan, cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Giải thưởng Nobel vì Hòa bình |
Thời gian ngắn ngủi, nhóm Già làng chưa làm được nhiều lắm. Song những gì học đã làm là rất đáng cảm phục. Và hiện nay hình như ngày càng có nhiều người, nhiều nơi thuộc nhiều khuynh hướng chính trị - tôn giáo khác nhau, đang kín đáo hoặc công khai ngỏ lời yêu cầu sự trợ giúp của các bậc hiền tài./.
Mười hai bậc hiền tài : 1.Martti Ahtisaari, cựu Tổng thống Phần Lan, Giải thưởng Nobel vì Hòa bình (GTNBVHB), 2.Kofi Annan, cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, GTNBVHB, 3.Bà Ela Bhatt, nhà sáng lập Tổ chức Self-Employed Women’s Association của Ấn Độ, 4.Lakhdar Brahimi, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Angeri, cựu Đại diện đặc biệt của LHQ về Haiti, Zaire, Afghanistan. 5.Bà Gro Harlem Brundtland, cựu Thủ tướng Na Uy, 6.Fernando Henrique Cardoso, cựu Tổng thống Brazil, 7.Jimmy Carter, cựu Tổng thống Mỹ, GTNBVHB 8.Bà Graca Machel, quả phụ Tổng thống Mozambique, phu nhân cựu Tổng thống Nelson Mandela. 9.Bà Mary Robinson, cựu Tổng thống Ireland, cựu Cao ủy LHQ về Quyền con người. 10.Desmond Tutu, cựu Tổng Giám mục thành phố Cap, cựu Chủ tịch Ủy ban Chân lý và Hòa giải của Nam Phi, GTNBVHB. Và cuối cùng Nelson Mandela, cựu Tổng thống Nam Phi, GTNBVHB, cùng bà Aung San Suu Kyi, người Myanmar, GTNBVHB, được coi như hai thành viên danh dự. |