"Muốn khắc phục Vinashin, Vinalines phải nhìn thẳng vào sự thật"

Những vụ việc ở Vinashin và Vinalines không những cho thấy sự yếu kém trong quản lý mà còn lỏng lẻo ở cả khâu lựa chọn cán bộ.

Bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13, ông Cao Sỹ Kêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ thẳng thắn với báo chí xung quanh những yếu kém của một số tập đoàn nhà nước.

PV: Thưa ông, từ  vụ việc ở Vinashin, Vinalines, ông có cho rằng việc huy động các nguồn vốn và triển khai dự án của các tập đoànquá dễ dãi?

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm

Ông Cao Sỹ Kiêm: Bản thân các tập đoàn Nhà nước thời gian qua có những đóng góp, nhưng cũng để xảy ra nhiều khiếm khuyết, tồn tại, nếu cứ để như thế này thì những đóng góp, hiệu quả của nó sẽ không còn lớn. Vì thế, từ những khuyết điểm trong việc phát triển mô hình tập đoàn, chúng ta cần phải rút kinh nghiệm.

Việc phát triển tập đoàn của chúng ta có khác các nước. Ở các nước, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phát triển trên cơ sở một cách tự nguyện, theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, buộc các doanh nghiệp phải sáp nhập với nhau để thành tập đoàn.

Ví như, anh sản xuất anh cần phải có lắp ghép, tiêu thụ thì anh tự tìm đến với nhau, sáp nhập với nhau thành tập đoàn một cách tự nguyện, tự nhiên. Tự nhiên thì nó có khả năng huy động nguồn vốn, phát triển một cách rất tốt, còn chúng ta phát triển tập đoàn dường như theo ý chí, chứ không phải thực tế đòi hỏi.

Từ thực tế trên, chúng ta đã phải gánh nhiều hậu quả như việc các Tập đoàn sử dụng vốn bừa bãi, trình độ quản lý yếu kém, công nghệ yếu, rồi khả năng quản trị hạn chế, khiến cho kinh doanh không hiệu quả.

Do đó, chúng ta cần phải tái cấu trúc lại các tập đoàn, để tạo ra sự cạnh tranh làm mạnh, hiệu quả của các tâp đoàn trên cơ sở các nguyên tắc: Luật hệ, tiêu chí tập đoàn phải hoàn thiện trong đó cả về vốn, công nghệ minh bạch; phải có đội ngũ quản trị tốt; Các đơn vị gắn kết phát triển tập đoàn phải trên cơ sở hữu cơ, trên cơ sở đòi hỏi của sản xuất, chứ không phải là cảm tính; Phải có hệ thống kiểm toán, hoạch toán, kỷ luật, kỷ cương tốt.

PV: Vinashin và Vinalines dường như giống nhau, vậy phải chăng việc chấn chỉnh tập đoàn trong thời gian qua chưa tốt, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Việc tổng kết đánh giá các tập đoàn chưa được bài bản, chưa rõ; chưa rõ được thực trạng của nó đúng hay sai. Hơn nữa, việc tiếp cận, tiếp xúc cũng khác nhau, đánh giá khác nhau nên các giải pháp đưa ra cũng khác nhau.

Muốn quản lý được anh phải nắm rõ được thực trạng của nó. Ví như tái cơ cấu Vinashin nhưng anh lại đẩy một cơ số nợ sang cho Vinalines mà thực chất khi đó Vinalines cũng đang khó khăn lắm rồi. Điều này chứng tỏ là anh chưa nắm rõ được thực trạng của các tập đoàn.

Hay như việc không nắm được sai phạm của ông Duơng Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines- người đang bị truy nã) nên cứ đề bạt ông này làm Cục trưởng Cục Hàng hải. Đây là biểu hiện khâu quản lý theo dõi khi kiểm tra, giám sát cán bộ không kỹ.

Một cán bộ để cấp dưới có nhiều sai phạm, chứng tỏ quản lý ở đây là lỏng lẻo, không sát, không sâu.

PV: Thưa ông, có một thực tế là chúng ta giao một nguồn vốn quá lớn cho những cá nhân mà phụ thuộc vào không những tài năng mà còn là đạo đức của họ?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Điều này rất rủi ro. Người nào trong sáng, liêm khiết đến đâu mà không có chế tài, không có quản lý thì cũng dễ dẫn đến sai phạm, sa ngã. Do đó, nếu phát hiện mà chúng ta không xử lý nghiêm thì kỷ cương sẽ bị giảm sút.

Không có lý gì tài sản của xã hội, của nhiều người mà lại giao cho một người mà họ cứ có quyền chi tiêu một cách không hiệu quả. Ví như một xí nghiệp lỗ lớn mà anh cứ được trả lương cao gấp hàng chục lần bình thường là không được.

Cơ chế quản lý hiện tại còn lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng và sẽ có nhiều người lợi dụng. Cùng với đó là đánh giá quản lý cán bộ còn yếu. Do đó, nếu chấn chỉnh cái này thì chúng ta sẽ hạn chế được các sai phạm.

PV: Liên quan đến năng lực cán bộ, theo ông phải chăng chúng ta cần phải công khai các ứng cử viên được bố trí vào các vị trí lãnh đạo tập đoàn?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Đúng, chúng ta phải công khai vấn đề này. Vì giả sử trong trường hợp công khai việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng thì rõ ràng người dân, dư luận có cơ chế giám sát phản biện, làm rõ các sai phạm của ông Dũng trong các thời kỳ trước, như thế thì sẽ lọc được ngay các cán bộ không đủ điều kiện.

PV: Sắp tới khi Quốc hội thảo luận về kinh tế- xã hội, ông có dự kiến đưa vấn đề này ra nghị trường không?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Chắc chắn vấn đề này sẽ được đưa ra. Muốn khắc phục được các tập đoàn thì phải nhìn thẳng vào sự thật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên