Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc: Khó dẹp vì thủ đoạn buôn bán tinh vi?
VOV.VN - Do mỹ phẩm là loại hàng siêu lợi nhuận nên sau mỗi đợt công an truy quét thì loại tội phạm này thay đổi cách thức hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn.
VOV đã có bài viết phản ánh về thực trạng mỹ phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc bủa vây người tiêu dùng tại TPHCM. Vậy cơ quan chức năng đã làm gì trước thực trạng này?
Ngoài người sản xuất và người bán thì người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là hàng thật. |
Công an TPHCM cho biết, từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019, đơn vị đã thụ lý, giải quyết 192 vụ buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó chủ yếu thuộc nhóm hàng mỹ phẩm với 120 vụ vi phạm, thu giữ gần 200.000 sản phẩm, xử lý hình sự 4 vụ, xử lý vi phạm hành chính 57 vụ với số tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng.
Do mỹ phẩm là loại hàng siêu lợi nhuận, cho nên sau mỗi đợt công an ra quân truy quét thì loại tội phạm này ngay lập tức thay đổi cách thức hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn, như: thường tổ chức sản xuất hàng giả ở nhiều nơi hay nhập khẩu các sản phẩm không nhãn mác từ Trung Quốc về Việt Nam sau đó chuyển đến địa điểm tập kết để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. Hoặc gian thương trà trộn các loại hàng giả với hàng thật để bán cho người tiêu dùng.
Song song với đó, chúng còn lợi dụng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hợp pháp được phép sản xuất các mặt hàng cùng loại để sản xuất hàng giả. Cũng chính bởi vậy, sau các chiến dịch truy quét, triệt phá mỹ phẩm giả, mỹ phẩm hàng nhái và mỹ phẩm không rõ nguồn gốc lại tràn ra thị trường.
Trung tá Trần Hoàng Hà, Đội trưởng Đội Phòng ngừa đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP HCM cho biết, nguyên nhân của hiện tượng trên do việc quản lý cấp phép còn lỏng lẻo, quá trình giám định, thẩm định giá trị hàng hóa nhiều vướng mắc,… cho nên việc xử lý hình sự các đối tượng sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc các đối tượng nhờn luật, và tiếp tục hành vi vi phạm.
Trung tá Trần Hoàng Hà nói: “Trong quá trình đấu tranh về hàng giả này gặp rất nhiều khó khăn, từng cơ quan đã làm hết chức năng hay chưa, cũng phải nói rằng chúng tôi thực hiện ở góc độ chúng tôi, còn cơ chế phối hợp kiểm tra có lẽ chúng ta làm chưa tốt, dẫn đến tình trạng loạn mỹ phẩm này trên thị trường như vậy”.
Một trong những hậu quả của việc dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. |
Cũng chính sự phối hợp chưa chặt chẽ của từng cơ quan chức năng trong quản lý hàng hóa nói chung, hàng mỹ phẩm nói riêng dẫn tới việc người tiêu dùng chỉ còn biết đặt niềm tin vào lương tâm người bán hàng.
Chị Vũ Hà Phương (trú tại Quận 5, TP HCM) cho biết: “Mỹ phẩm giả tràn lan ra xã hội rất là nhiều, không có thể nào mà nhìn qua bằng mẫu mã mình biết được đó là hàng thật với hàng giả. Khi mình đi mua hàng thì chỉ có tin tưởng người bán hàng cho mình với lại cái giá thành của người ta đưa ra cho mình. Bây giờ mình mua về, mình sử dụng cảm thấy chất lượng nó như thế nào thì mình mới có thể phân biệt được vậy thôi”.
Các chuyên gia cho biết, hậu quả để lại của việc sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc không chỉ là loét da, mẩn ngứa, sưng tấy vùng mặt mà còn có trường hợp còn bị biến chứng nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng. Bởi những loại sản phẩm này có những thành phần độc hại như: corticoid, chì, thủy ngân, kẽm...
Chị Nguyễn Thị Hải (trú tại quận Bình Tân, TP HCM) phải nằm điều trị tại Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, chỉ vì sử dụng mỹ phẩm mua trên mạng nên giờ chị phải điều trị ở bệnh viện.
“Sử dụng khoảng ba tháng là tôi đã bị rồi, tại vì lúc trước sử dụng kem mà tôi mua ở trên mạng, do tôi cứ nghĩ là bôi cái kem đó lên thì lúc đầu nó đẩy hết mụn ra, sau đó mới đẹp. Tôi vẫn cố tình dùng, cho nên là da bị nổi mụn nhiều, để lại thâm nhiều, nên mới đến đây để điều trị da”, chị Hải chia sẻ.
Trung tá Trần Hoàng Hà nói về vấn nạn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bủa vây người tiêu dùng. |
Về vấn đề sử dụng mỹ phẩm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quang Hùng, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo: “Thông thường một mỹ phẩm mới sài thì họ phải thử ở mặt trong cánh tay trước khi họ đưa lên da, đừng bao giờ lấy da mặt của mình làm nơi thí nghiệm cho tất cả các mỹ phẩm đã mua tràn lan bên ngoài. Quan trọng người sử dụng mỹ phẩm phải có nguồn gốc, hoặc là nhờ bác sĩ da liễu, bác sĩ thẩm mỹ tư vấn”.
Dẹp bỏ mỹ phẩm giả, mỹ phẩm hàng nhái và mỹ phẩm không rõ nguồn gốc không chỉ là để bảo vệ người tiêu dùng, mà còn nhằm trả lại một môi trường kinh doanh sạch. Bởi vậy, ngành chức năng của TP HCM, ngoài tăng cường các quy định, chế tài xử phạt và sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng chức năng thì nên chăng cần có một kênh thông tin chính thức công khai những thông tin liên quan đến các mặt hàng mỹ phẩm để người tiêu dùng có thể đối chiếu phân biệt hàng thật và hàng giả.
Quan trọng nhất, mỗi người tiêu dùng nên tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, thông qua việc tự trang bị kiến thức, tìm hiểu thật kỹ nguồn gốc xuất xứ, thành phần cũng như giá thành sản phẩm trước khi tìm mua một loại mỹ phẩm để sử dụng./. Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và cách giao thương “lạ“
Tràn lan mỹ phẩm không rõ nguồn gốc ở TPHCM