Năm 2010, CNTT sẽ có nhiều “bứt phá”

Năm 2009, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước phát triển CNNT nhanh nhất thế giới. Cùng với đó, Chính phủ đã phê duyệt các đề án về phát triển CNTT có quy mô lớn. Đây là những cơ hội tốt, tạo đà cho CNTT bứt phá

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong 5 năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin. Với tốc độ tăng trưởng CNTT 20% mỗi năm, Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí 18 của thế giới về số người sử dụng Internet và đứng thứ 6 châu Á về tốc độ phát triển Internet. Hiện có 1/4 dân số Việt Nam đã sử dụng Internet, lưu lượng sử dụng tăng 27 lần so với 5 năm trước.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia phát triển CNTT nhanh nhất thế giới

Một trong những sự kiện nổi bật trong lĩnh vực CNTT trong năm 2009, Việt Nam là một trong 10 quốc gia phát triển CNTT nhanh nhất thế giới, lọt vào top 10 quốc gia gia công phần mềm hàng đầu châu Á, được World Bank đánh giá là một điển hình về thành quả ứng dụng ICT tốt hơn so với thu nhập thực tế.

Nhiều cơ hội tăng tốc

Tại Diễn đàn CNTT thế giới (WITFOR) 2009 diễn ra tháng 8/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định, Việt Nam coi CNTT là công cụ quan trọng hàng đầu và là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, xây dựng xã hội thông tin và rút ngắn quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Từ chủ trương của Chính phủ, năm 2009, Bộ TT&TT đã soạn thảo Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT. Đề án với số vốn đầu tư dự kiến khoảng 144.000 tỷ đồng và đặt mục tiêu đưa Việt Nam đứng trong 70 quốc gia hàng đầu về CNTT vào năm 2015 và trong số 60 quốc gia vào năm 2020.

Đề án cũng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông và CNTT gia nhập thị trường thế giới, quảng bá hình ảnh, thương hiệu. Từ đó hình thành các tập đoàn viễn thông và CNTT Việt Nam làm chủ quốc gia, vươn ra quốc tế.Cụ thể: hình thành các quỹ kích cầu cho công nghiệp CNTT, hỗ trợ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm ưu đãi tối đa các doanh nghiệp công nghiệp CNTT.

PGS.TS Trương Gia Bình

Đây là những cơ hội tốt đối với sự phát triển nền công nghệ thông tin nước nhà nói chung và các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT nói riêng. Theo PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT, từ trước đến nay, FPT và một số doanh nghiệp cũng đã xúc tiến nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh, đầu tư ra nước ngoài. Nhưng ở góc độ doanh nghiệp hoạt động manh mún, dù có nhiều cố gắng bao nhiêu thì kết quả thu được cũng rất hạn chế. Việc Chính phủ chính thức nhập cuộc, đồng hành cùng các doanh nghiệp CNTT, mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp. “Khi Chính phủ tham gia vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp thì tiếng nói, uy tín cũng như hình ảnh của doanh nghiệp được tăng lên gấp nhiều lần”- Ông Trương Gia Bình nhận định.

TS Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, muốn phát triển được những tập đoàn, doanh nghiệp CNTT mạnh, ngoài nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Chính phủ. Đó là Chính phủ phải xây dựng được chiến lược dài hạn trong lĩnh vực này. Đây được coi như là “xương sống” để các doanh nghiệp “bám vào”, xây dựng chiến lược riêng cho mình. Chính phủ cũng cần có cơ chế, chính sách đột phá, hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt có cơ chế đặc thù riêng cho từng doanh nghiệp. Chẳng hạn, xây dựng 3-4 doanh nghiệp nòng cốt để phát triển thương hiệu ra nước ngoài thì cần có cơ chế đặc thù cho từng doanh nghiệp phát huy thế mạnh của mình. Khi Chính phủ đứng ra hỗ trợ, ký kết thì quy mô, uy tín của doanh nghiệp cũng tăng lên rất nhiều.

Nguồn nhân lực- ưu tiên hàng đầu

Trong Chương trình Đối thoại “Công nghệ thông tin - đánh giá đa chiều”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố con người trong phát triển nền CNTT. Phó Thủ tướng cho rằng, để đẩy mạnh sự phát triển công nghệ thông tin, cần dự báo và nắm chắc được nhu cầu thị trường, sẵn sàng về nhân lực.

Một trong những nội dung quan trọng của Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT cũng nhấn mạnh nội dung tập trung phát triển nguồn nhân lực chuyên về CNTT có trình độ cao (nhân lực mũi nhọn), bổ sung cho lực lượng khoảng 100.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghiệp phần cứng, 30.000 nhân lực về công nghiệp phần mềm.

Theo ông Trương Gia Bình, sức mạnh cốt lõi nhất trong phát triển CNTT vẫn là con người. Đây là thời điểm rất thuận lợi để khai thác thế mạnh này. Con người Việt Nam đang ở độ tuổi lao động sung sức nhất (65% ở dưới 35 tuổi), nếu không tận dụng khai thác, sẽ bỏ lỡ cơ hội. Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đột phá vào năm 2020 là 1 trong 5 quốc gia mạnh về CNTT. Điều đó đồng nghĩa với Việt Nam phải là quốc gia có đội ngũ đông đảo kỹ sư phần mềm. “Đây là mục tiêu có thể đạt được nếu chúng ta quyết tâm. Năm 1998, chúng tôi đi nghiên cứu thành công của Ấn Độ. Cùng lúc đó Trung Quốc cũng cử một đoàn gồm 700 doanh nghiệp đi khảo sát và họ đặt quyết tâm trong 5 năm tới đạt con số 1 triệu lập trình viên. Họ đã làm được. Dân số Việt Nam không nhiều bằng Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng đứng thứ 13 trên thế giới và 65% đang ở độ tuổi sung sức nhất. Nếu đưa ra quyết tâm trong vòng 5-10 năm thì chắc chắn Việt Nam đạt được mục tiêu của mình”- Ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Thứ trưởng Trần Đức Lai

Cùng chung quan điểm này, Thứ trưởng Trần Đức Lai cũng cho rằng, với tiềm năng của mình, Việt Nam nên tập trung vào sản xuất các sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ cao. Để xây dựng các tập đoàn, DN mạnh, nhất thiết phải tạo đột phá về nguồn nhân lực, vì nhân lực ngành CNTT không chỉ phục vụ riêng cho ngành mà còn phục vụ cho tất cả các ngành kinh tế-xã hội khác.

 

Tiếp lửa cho các “lò” đào tạo

Tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam đến năm 2015 và định hướng 2020 với tổng kinh phí khoảng 900 tỷ đồng. Mục tiêu quan trọng của chương trình đảm bảo khoảng 30% sinh viên sau khi tốt nghiệp Đại học có đủ khả năng chuyên môn, ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế.

Theo các chuyên gia, kinh nghiệm của Ấn Độ và một số nước thành công trong lĩnh vực CNTT đều phải dựa vào nguồn nhân lực từ các trường Đại học, Cao đẳng. Để phát triển lĩnh vực này, chúng ta không nằm ngoài quy luật đó.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước hiện có 230 trường Đại học, Cao đẳng đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, trong đó có khoảng 57 công ty đạt chứng chỉ quốc tế về năng lực phần mềm. Có khoảng 25.000 cán bộ công nghệ thông tin và 150.000 nhân lực đang làm trong các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Nhưng thực tế hiện nay, nguồn nhân lực ở nước ta còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Số lượng người làm công nghệ thông tin còn thiếu, đặc biệt là nhân lực công nghệ cao. Thứ trưởng Trần Đức Lai cho rằng, CNTT là lĩnh vực đòi hỏi phải có một trình độ ngoại ngữ nhất định nhưng chất lượng đào tạo ngoại ngữ cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn kém. Hiện chỉ có khoảng 10% sinh viên đọc được tiếng Anh. Những điểm yếu này làm hạn chế rất nhiều khả năng tiếp cận, phát huy khả năng phát triển nguồn nhân lực CNTT.

Theo ông Trương Gia Bình, để đáp ứng nhanh nhất nguồn nhân lực CNTT,  không chỉ riêng ngành GD-ĐT mà tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đều phải quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, cần khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Khuyến khích bằng cách Nhà nước có khung pháp lý, sau đó để các doanh nghiệp tự triển khai trong khuôn khổ đó. “Trình độ ngoại ngữ hạn chế vẫn là những khó khăn hàng đầu của các doanh nghiệp phần mềm hiện nay. Cần đưa tiếng Anh như một công cụ giao tiếp bắt buộc ở các trường ĐH, CĐ vì khó khăn lớn nhất của sinh viên Việt Nam là ngoại ngữ”- Ông Trương Gia Bình gợi ý.

Hy vọng, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các chính sách lớn của Chính phủ tạo tiếp tục tạo đà để ngành CNTT có nhiều đột phá trong thời gian tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên