Năm 2010: Xử lý gần 185.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại

Số tiền xử phạt thu được từ các vụ này là hơn 3.200 tỷ đồng

Sáng 3/3, Ban chỉ đạo 127 Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác chống buôn lậu, hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011. Tại 3 điểm cầu thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh.Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Năm 2010 các tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng đã kiểm tra hơn 470.000 vụ, trong đó xử lý gần 185.000 vụ vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, số tiền xử phạt thu được hơn 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp trên các tuyến trọng điểm, nhất là các tuyến biên giới phía Bắc, như ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, các cảng biển, cảng sông, hàng không, bưu điện và đường sắt. Tình hình gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng  kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng. Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt cung cầu, lượng hàng hóa dự trữ đối với các mặt hàng thiết yếu, đồng thời theo dõi chặt chẽ biến động giá của thị trường để kịp thời có giải pháp và chính sách phù hợp ngăn ngừa lạm phát, xử lý các trường hợp ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường…

Năm 2011, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm hoàn thành xây dựng “Chương trình Quốc gia Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại giai đoạn 2011-2015”, đồng thời trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt hành chính đối với hành vi và buôn bán hàng giả. Các ngành Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến biên giới trên biển, đất liền, nơi buôn lậu diễn biến phức tạp tại các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung và Tây Nam, tiếp tục giám sát chặt chẽ các lối mòn, khu kinh tế cửa khẩu, hàng không, bưu điện, cảng biển…

Về nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường, ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Quản lý Thị trường, Bộ Công thương nêu rõ: “Triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, kiểm chế lạm phát và các kế hoạch cao điểm tập trung kiểm tra, kiểm soát phục vụ các giải pháp kích cầu của Chính phủ và xây dựng kế hoạch kiểm tra từng mặt hàng phù hợp với thị trường tại mỗi địa phương, chống hành vi găm hàng, tăng giá quá mức, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.., kiểm tra chặt chẽ các đối tượng khai thác khoáng sản, sắt thép, gia cầm, hàng mỹ phẩm kém chất lượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến hộ kinh doanh và người tiêu dùng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên