Năm 2012: Bảo đảm 25-27 giường bệnh công lập/10.000 dân

Nội dung của “Đề án giảm quá tải bệnh viện” dự kiến sẽ được Bộ Y tế trình Chính phủ vào tháng 4 tới.

“Đề án giảm quá tải bệnh viện” dự kiến sẽ được Bộ Y tế trình Chính phủ vào tháng 4 tới. 7 bệnh viện gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế, Chợ Rẫy, K, Phụ sản Trung ương, Nhi Trung ương và 2 Sở Y tế Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tham gia đề án này.

Tâm lý người bệnh muốn điều trị nhanh khỏi nên mới dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên (Ảnh: Toquoc.gov.vn)

Mục tiêu của đề án là bảo đảm 25 đến 27 giường bệnh công lập trên 1 vạn dân trong năm 2012. Theo đó: Bệnh viện K sẽ có thêm 1.000 giường bệnh; Bệnh viện Bạch Mai sẽ có thêm 110 giường (đến năm 2020 có thêm 3.500 giường); Bệnh viện Phụ sản Trung ương có thêm 500 giường; Bệnh viện Chợ Rẫy đưa trung tâm truyền máu khu vực vào phục vụ và tháng 8/2012 sẽ khởi công xây dựng trung tâm ung bướu 12 tầng; Bệnh viện Trung ương Huế đưa vào hoạt động bệnh viện quốc tế quy mô 300 giường bệnh và năm 2013 sẽ có thêm 300 giường điều trị ung bướu. Hà Nội sẽ xây mới các bệnh viện đa khoa Hà Nội với 1.000 giường. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Quận 2, Bệnh viện Quận 9, Trung tâm chuyên khoa Nhi, Ung bướu…, hiện đại, kỹ thuật cao với quy mô 6.500 giường bệnh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng: Các bệnh viện Trung ương hiện nay tuy ở vị trí chật chội nhưng uy tín và tay nghề của các thầy thuốc lại cao. Bên cạnh đó, tâm lý người bệnh muốn điều trị nhanh, điều trị khỏi nên mới dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Để đề án giảm quá tải bệnh viện được thực hiện cần có sự tham gia tổng hợp của các cấp các ngành, trong đó ngành y tế tập trung các giải pháp chuyên môn.

Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê nói: “Quyền người bệnh và tâm lý điều trị của người dân rất tiến bộ, khi đời sống kinh tế ai cũng muốn chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi phân tích rõ các nhóm nguyên nhân để đề ra giải pháp lâu dài nhằm giảm tải bệnh viện như: vấn đề y tế cơ sở, y tế dự phòng, đào tạo nhân lực… Còn các biện pháp chuyên môn như quy định chuyển tuyến, phác đồ điều trị, quy trình kỹ thuật là trách nhiệm của ngành y tế”.

Giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện sẽ góp phần làm giảm tai biến điều trị, rút ngắn thời gian, chi phí khám chữa bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội. Đồng thời, tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm những vấn đề bức xúc trong môi trường bệnh viện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên