Nạn nhân bom mìn thoát nghèo nhờ trồng nấm
(VOV) - Nhật Bản tài trợ dự án trồng nấm hơn 120.000 USD giúp người dân mảnh đất này hồi sinh…
Quảng Trị có tới 80% diện tích bị ô nhiễm do bom mìn nên chương trình “Sứ mệnh của nấm” với sự viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản đã và đang mở ra một cuộc sống mới cho người dân tại huyện Cam Lộ, Triệu Phong. Những hộ gia đình nạn nhân bom mìn, người khuyết tật ở Quảng Trị - vốn vẫn phải vật lộn mưu sinh cho cuộc sống giờ đây đã thấy yên tâm hơn khi tìm được một công việc ổn định và phù hợp.
Nói tới những cây nấm, nhiều hộ dân ở tỉnh Quảng Trị đã không tiếc lời ca ngợi bởi đó chính là “niềm hy vọng mới” của gia đình mình. Trước đây, những người khuyết tật do bom mìn chỉ biết quanh quẩn với ruộng vườn, những công việc nặng nhọc mà không đủ ăn, giờ đây đã được thoát nghèo cũng từ cây nấm. Tất cả những người trồng nấm đều chia sẻ: “Nó không những mang lại thu nhập cao mà còn đỡ cực nhọc”.
Tham gia dự án trồng nấm từ đầu năm 2012, cuộc sống gia đình chị Đoàn Thị Muôn, xã Cam Thành, Huyện Cam Lộ đã phần nào được cải thiện cuộc sống gia đình. Chị cho biết, trước đây gia đình chị làm nghề mua bán phế liệu rất vất vả, tuy nhiên cũng không lo đủ miếng ăn, cái mặc cho những đứa con của mình. Nhưng từ khi tham gia dự án trồng nấm, chị hoàn toàn bị thuyết phục rằng với giá trị kinh tế cao mà sự lưu hành ngày càng phổ biến của các loại nấm sẽ mang đến hy vọng cải thiện đời sống kinh tế cho gia đình chị và những nguời dân có cùng hoàn cảnh.
Với chị Thái Thị Thanh, huyện Cam Lộ, một người tham gia dự án chưa lâu cũng có chia sẻ rằng, công việc mới đã giúp giảm bớt gánh nặng hàng ngày của chị. Tham gia chương trình dù chưa biết sẽ thu được lợi nhuận bao nhiêu từ cây nấm nhưng cái được lớn nhất đối với chị là có một công việc ổn định, học được cách trông nấm và sẽ tự chủ động được công việc trồng nấm của mình.
Chị cho biết: “Tôi mới tham gia dự án. Tổ gồm 14 người là các gia đình khó khăn, khi thu hoạch, 14 người này làm xong thu được từng nào thì hưởng từng đó. Gia đình tôi trước đây làm ruộng, chồng bị bom mìn hỏng mắt và chân nên rất khó khăn, không đủ ăn. Tham gia dự án trồng nấm tôi rất vui vì không những mang lại thu nhập cao hơn mà lại học thêm cái nghề”.
Việc trồng nấm tuy không phải là công việc đơn giản, tuy nhiên, các hộ gia đình tham gia sản xuất đều được hỗ trợ một cách tốt nhất. Tiến sỹ Tạ Nhân Ái, cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, quản lý kỹ thuật của chương trình cho biết, chương trình được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, bao gồm những nạn nhân khuyết tật do tai nạn bom mìn. Do đó, chương trình sẽ hỗ trợ các hộ dân tham gia thiết lập trang trại mẹ, các trang trại vệ tinh, cơ sở sản xuất nấm, bịch trồng nấm cung cấp cho các trang trại và hộ gia đình trồng nấm chất lượng cao có thương hiệu tiêu thụ trong và ngoài nước. Ông Nhân Ái nói: “Chúng tôi sẽ thiết lập phòng thí nghiệm để nhân các loại giống làm sao các loại nấm này phù hợp với thời tiết khí hậu tỉnh Quảng trị. Bên cạnh đó sẽ cung cấp trang thiết bị chủ yếu cho xây dựng các trang trại nhà nuôi trồng nấm cho cac hộ nông dân để họ có thể nhận giống canh tác hiệu quả. Chương trình cũng có thỏa thuận với nguời nông dân sau khi bà con có sản phẩm chúng tôi sẽ thu mua hết các sản phẩm mang về trung tâm bảo quản và chế biến đảm bảo cho bà con có điều kiện tốt nhất cho bà con tham gia sản xuất.
Quảng Trị - tỉnh có tỉ lệ nhiễm bom mìn cao nhất nước với 7.086 nạn nhân bom mìn sau chiến tranh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Xuất phát từ nhu cầu thực tế cũng như ý nghĩa xã hội của dự án, tháng 8/2012, Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho chương trình “Sứ mệnh của nấm” hơn 120.000 USD.
Kể từ khi tham gia dự án này, người dân tỉnh Quảng Trị đều rất phấn khởi vì có được công việc ổn định. Ông Tạ Nhân Ái cho biết thêm: “Đây là bước khởi đầu tốt, bà con tham gia hồ hởi, họ nhận thức được công việc này có thể thu hút sự tham gia của những người có sức khỏe yếu, tàn tật, các lao động phụ trong gia đình. Giá trị sản phẩm từ nấm như nấm dược liệu, nấm ăn đều phục vụ thiết thực, các sản phẩm nấm đều tiêu thụ tốt, bà con rất tin tưởng với công việc mới an tòan và nguồn thu nhập khá ổn định”.
Trong chuyến khảo sát dự án trồng nấm mới đây cùng các phóng viên, ông Hideo Suzuki, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi cung cấp công cụ cần thiết cho những người mất chân tay để trồng nấm và đưa sản phẩm nấm ra thị trường giúp cải thiện sinh kế, bảo đảm giáo dục cho con cái và tương lai của họ".
Dự kiến chương trình được thiết kế để phát triển bền vững trong khoảng thời gian từ 5 đến 6 năm với 1.000 hộ gia đình tham gia và sau đó sẽ được chuyển giao cho địa phương tiếp tục quản lý và vận hành./.