Nâng cao y đức: khó cũng phải làm

Với việc chọn 5 bệnh viện Trung ương để thí điểm “nói không với phong bì”, một lần nữa Bộ Y tế lại “lên dây cót” về y đức  

Mới đây, khi Hội nghị triển khai Quy tắc ứng xử, nâng cao ý đức tại Bệnh viện K đang diễn ra thì ngoài hành lang, một số người bệnh vẫn bức xúc với tình trạng có nhân viên y tế nhũng nhiễu, vòi tiền của bệnh nhân.

Chị Phan Thu Hồng ở thị trấn Thuận Châu, tỉnh Sơn La khám bệnh tại Bệnh viện K (Hà Nội) bức xúc: “Tôi đã mua phiếu khám, nộp tiền siêu âm nhưng sang bên phòng siêu âm thì họ bảo là hết giờ rồi. Trong khi đó tôi nhìn đồng hồ mới là 15h 45, đang giờ hành chính. Tôi đi ra ngoài thì được một số người bệnh nói nhỏ rằng cứ đưa 100.000 là họ cho siêu âm và trả kết quả ngay. Thực tế là tôi cũng phải “lót tay” cho người  siêu âm, nếu không họ hẹn sáng mai”

Thái độ ân cần của bác sĩ, y tá, hộ lý sẽ làm cho bệnh nhân giảm căng thẳng (Ảnh minh hoạ)

Tháng 7/2011, Công đoàn Y tế Việt Nam và Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) tiến hành khảo sát tại Bệnh viện K cho thấy: hơn 60% người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân khi được hỏi bày tỏ không hài lòng về thủ tục hành chính và thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế ở bệnh viện này.

Từ thực tế trên, Công đoàn Y tế Việt Nam chọn Bệnh viện K là một trong 5 đơn vị làm điểm triển khai quy tắc ứng xử, nâng cao y đức.

Tiến sỹ Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Bệnh viện đang tích cực tuyên truyền đến cán bộ nhân viên thực hiện 5 nội quy gồm: phải có lời chào thân thiện khi tiếp xúc; chỉ dẫn tận tình, cụ thể cho người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân; phải tư vấn thăm khám ân cần, chia sẻ, chu đáo cho người bệnh. Đặc biệt thực hiện nói không với phong bì bồi dưỡng của người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân; tuyệt đối không được trục lợi từ người bệnh.

 “Việc này nhạy cảm và khó khăn nhưng đã hứa với Bộ Y tế thì chúng tôi phải làm, làm từng bước. Bên cạnh việc tuyên truyền cho cán bộ nhân viên y tế thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao y đức, chúng tôi triển khai các giải pháp giảm tải bệnh viện, tiến tới 1 bác sỹ chỉ khám 10 người bệnh/1 ngày, chứ không như hiện nay phải khám 100 bệnh nhân/1 ngày. Từ đó hạn chế tiêu cực”- Tiến sỹ Trần Văn Thuấn nói.

Trong đợt này còn có 4 bệnh viện khác là: Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương và Bệnh viện E triển khai Quy tắc ứng xử, nâng cao y đức cho cán bộ, nhân viên y tế.

Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: có nhiều nội quy trong Quy tắc ứng xử đã được Bệnh viện thực hiện từ nhiều năm trước. Bệnh viện cũng từng đuổi việc một bác sỹ, một điều dưỡng vòi tiền của bệnh nhân trong quá trình điều trị.

“Tới đây các khoa, phòng của bệnh viện tôi còn thực hiện quyết liệt hơn. Phát hiện cán bộ, nhân viên y tế nào vòi tiền bồi dưỡng của bệnh nhân khi khám và điều trị là tôi đuổi việc luôn”- Ông Nguyễn Tiến Quyết quả quyết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Quyết và nhiều lãnh đạo bệnh viện khác cho rằng: nếu cơ chế tài chính không thay đổi, lương bác sỹ không được nâng lên thì sẽ khó thực hiện triệt để quy tắc ứng xử, nâng cao y đức.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: từ năm 2008, Bộ Y tế ban hành bộ Quy tắc ứng xử, nâng cao y đức, nhưng thời gian qua, nhiều bệnh viện chưa triển khai. Đợt này, chúng tôi chỉ đạo thực hiện quyết liệt, không để “con sâu làm rầu nồi canh”. Công đoàn Y tế cũng báo cáo lãnh đạo Bộ đổi mới cơ chế tài chính; minh bạch thu, chi trong bệnh viện và nâng cao đời sống của thầy thuốc.

“Theo tôi, cán bộ, nhân viên y tế tốt nhất là nói không với phong bì, kể cả khi bệnh nhân đã được khỏi bệnh, ra viện. Để làm được điều đó, Nhà nước cần quan tâm đến cán bộ, nhân viên y tế bằng các chế độ chính sách, điều kiện làm việc và người dân không được đưa phong bì cho cán bộ, nhân viên y tế nữa.” - Bà Tâm nói

Bệnh viện là bộ mặt của ngành y tế, vì vậy nâng cao y đức, dù khó cũng phải làm và là một trong những việc cần làm đầu tiên trong quá trình đổi mới toàn diện ngành y.

Quyết tâm của Bộ Y tế trong việc triển khai Quy tắc ứng xử, nâng cao y đức cho cán bộ nhân viên tại các bệnh viện đang được dư luận ủng hộ. Hy vọng rằng quyết tâm này được thực hiện “đến nơi đến chốn”, không “đánh trống bỏ dùi” như nhiều năm trước./.

Kỳ sau: Để nâng cao y đức, phải giải quyết nhiều vấn đề

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên