Nắng nóng, người dân Quảng Nam loay hoay tìm nguồn nước sạch

VOV.VN - Nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân các tỉnh miền Trung thiếu hụt trầm trọng. 

Tại tỉnh Quảng Nam, hàng loạt công trình nước sạch được đầu tư từ nhiều nguồn vốn trước đây không phát huy hiệu quả. Người dân từ đồng bằng đến miền núi tất tả tìm nguồn nước.

Đã nhiều ngày qua, sông Đăk Mi, đoạn từ hạ lưu đập thủy điện Đăk Mi 4, huyện Phước Sơn đến Bến Giằng, huyện Nam Giang trơ đáy. Đoạn sông dài hơn 50 km này từ lâu trở thành con “sông chết”, lòng sông lởm chởm đá. Trước đây, vào mùa nắng, bà con ra sông mò cua, bắt cá nhưng bây giờ, bà con phải đào ao giữa lòng sông để lấy nước. 

Gùi nước đi bộ cả tiếng đồng hồ mới đến nhà.

Kể từ khi Thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng, chuyển nước về phía sông Thu Bồn để phát điện, cuộc sống hàng ngàn hộ dân hạ lưu sông Vu Gia lao đao. Nhiều nơi, bà con phải tất tả vào sâu trong rừng tìm nguồn nước từ các khe suối về dùng cho sinh hoạt.

Chị Brôl Thị Bưởi ở thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang cho biết, mấy ngày nắng nóng vừa qua, cả ngàn người dân trong thôn trông chờ vào nguồn nước từ Khe Dung. Để có nước sử dụng, bà con lội rừng vào tận khu vực đầu nguồn khe suối, dùng đá ngăn dòng, bắt đường ống nhựa đưa nước về thôn Pà Dấu. Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, người dân thôn Dung và thôn Pà Dấu đã dậy đi hứng nước đựng vào can nhựa, gùi về nhà dùng.

Chị Brôl Thị Bưởi cho biết: "Dậy sớm múc nước về nấu, uống. Đi làm về, 7 đến 8 giờ tối còn phải nấu nướng, giặt giũ. Nói chung rất là khổ. Thôn Dung khoảng 2.000 người mà dùng cái vòi nước này."

Người dân thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ dậy từ 3 giờ sáng đi lấy nước.

Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam ngoại trừ khu vực thị trấn có nước máy, còn lại dùng nước tự chảy từ các khe suối. Các công trình nước sạch được đầu tư từ nguồn vốn chương trình 134, 135 trước đây đều đã xuống cấp, hư hỏng. Một số công trình hiện còn sử dụng chủ yếu cũng chỉ để hứng nước mưa, hệ thống đường ống dẫn nước bị đứt đoạn, dập nát do cơ chế quản lý nhiều bất cập.

Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, năm nay hạn hán kéo dài từ sau Tết nguyên đán nên nhiều nơi không chủ động được nguồn nước dùng cho sinh hoạt. Trên địa bàn huyện có mỗi nhà máy nước của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam, nhưng hệ thống đường ống dẫn nước quá ngắn, chỉ đủ cấp nước cho một số khu vực gần nhà máy.

"Chủ yếu dùng nước tự chảy kéo về từ các khe suối phục vụ cho cộng đồng dân cư ở các thôn, bản. Riêng khu vực Thạnh Mỹ bức xúc nhất là hiện nay dân cư tập trung, khoảng 8.000 dân. Mấy năm gần đây, có nhà máy nước của Công ty Cấp thoát nước Quảng Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp này họ đầu tư chỉ dọc đường Hồ Chí Minh thôi chớ còn các nhánh vào thôn bản hầu như chưa đầu tư", ông Mai nói.

Người dân xã ven biển Bình Hải, huyện Thăng Bình đóng giếng cả chục mét mới có nước.
Nước giếng đóng vừa đục vừa có phèn.

Khu vực phía Đông của tỉnh Quảng Nam cũng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Mấy ngày qua, người dân xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm, thành phố Hội An loay hoay tìm nguồn nước sạch từ các khe suối trên núi.

Tại đây, mỗi ngày đón trên 3.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trong khi nguồn nước từ Bãi Bìm, dung tích khoảng 80.000 m3 chỉ đủ dùng cho người dân sống tại Bãi Ông và Bãi Hương. Các nhà hàng tại đây đều phải dùng nước giếng không đảm bảo. Tại các xã ven biển, người dân đóng giếng sâu cả chục mét vẫn không có nước, hoặc nước bị nhiễm phèn. 

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn vào sâu vào đất liền, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng gửi Công văn kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị can thiệp với chủ đầu tư, đơn vị quản lý các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn, điều tiết xả nước luân phiên, đáp ứng việc sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy lợi có khả năng cung cấp nước sinh hoạt ưu tiên cấp nước cho người dân: "Tỉnh cũng đã xây dựng các danh mục, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư công trình nước sạch ở khu vực nông thôn. Trong đó tập trung làm việc với một số doanh nghiệp có khả năng đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình trước đây đã được đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau không phát huy tác dụng hiện nay đang xuống cấp, hư hỏng, người ta tiếp nhận lại và tỉnh hỗ trợ cùng với nguồn lực của họ để đầu tư nâng cấp, cải tạo lại nguồn nước cho người dân./."

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Miền Trung nắng nóng gay gắt, sinh hoạt của người dân đảo lộn
Miền Trung nắng nóng gay gắt, sinh hoạt của người dân đảo lộn

VOV.VN - Nắng nóng cộng với gió phơn Tây Nam thổi mạnh khiến không khí ngột ngạt khó chịu. Cuộc sống, sinh hoạt của người dân đảo lộn. 

Miền Trung nắng nóng gay gắt, sinh hoạt của người dân đảo lộn

Miền Trung nắng nóng gay gắt, sinh hoạt của người dân đảo lộn

VOV.VN - Nắng nóng cộng với gió phơn Tây Nam thổi mạnh khiến không khí ngột ngạt khó chịu. Cuộc sống, sinh hoạt của người dân đảo lộn. 

Ra đồng giữa nắng nóng đỉnh điểm, người đàn ông tử vong do sốc nhiệt
Ra đồng giữa nắng nóng đỉnh điểm, người đàn ông tử vong do sốc nhiệt

VOV.VN - Ra đồng làm việc giữa trời nắng nóng, ông T ngất xỉu, khi được đưa vào bệnh viện nạn nhân đã ngừng tim, ngừng thở, da nóng khô…

Ra đồng giữa nắng nóng đỉnh điểm, người đàn ông tử vong do sốc nhiệt

Ra đồng giữa nắng nóng đỉnh điểm, người đàn ông tử vong do sốc nhiệt

VOV.VN - Ra đồng làm việc giữa trời nắng nóng, ông T ngất xỉu, khi được đưa vào bệnh viện nạn nhân đã ngừng tim, ngừng thở, da nóng khô…

Nắng nóng, sử dụng điều hòa ô tô thế nào cho đúng?
Nắng nóng, sử dụng điều hòa ô tô thế nào cho đúng?

VOV.VN - Vào ngày nắng nóng, việc sử dụng điều hòa đúng cách không chỉ giúp bạn đảm bảo sức khỏe mà còn tiết kiệm nhiên liệu, vận hành ổn định...

Nắng nóng, sử dụng điều hòa ô tô thế nào cho đúng?

Nắng nóng, sử dụng điều hòa ô tô thế nào cho đúng?

VOV.VN - Vào ngày nắng nóng, việc sử dụng điều hòa đúng cách không chỉ giúp bạn đảm bảo sức khỏe mà còn tiết kiệm nhiên liệu, vận hành ổn định...