Nắng nóng “thiêu đốt” cà phê Đắk Nông
VOV.VN - Hạn hán đang diễn ra khốc liệt tại Đắk Nông, hàng loạt diện tích cà phê đã héo rũ, nhiều vườn cây chết khô. Hồ thủy lợi cạn kiệt, suối khô, ao hồ trơ đáy, người trồng cà phê xót xa trước nguy cơ mất mùa trong lúc giá cà phê đang liên tục lập đỉnh.
Tay cầm cành cà phê khô cháy, bóp nhẹ lá đã giòn tan vỡ vụn, từng quả cà phê đen thui rơi rụng, bà Lê Thị Quyên, ở đội 4, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông xót xa. Qua gần 5 năm đầu tư tái canh, đến khi vườn cà phê bước vào kinh doanh thì bị hạn nặng, giờ chỉ biết trông trời.
“Nông dân nhờ vào cây cà phê mà bây giờ nó chết như thế này thì không có thu nhập. Nhìn mà xót ruột lắm, nhưng giờ nước không có, ở ngoài đập thủy lợi nước cũng hết rồi. Giờ chỉ chờ cơn mưa của trời cứu được cây nào thì cứu thôi", bà Lê Thị Quyên nói.
Hàng chục năm canh tác cà phê, ông Nguyễn Bá Luân, thôn Đắk Thọ, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, cho biết đây là năm hạn nặng nhất. Đã hơn 5 tháng qua trong vùng gần như không có mưa, nắng nóng kéo dài khiến các nguồn nước đều cạn kiệt. Gia đình ông đã phải đầu tư mua 33 cuộn ống (mỗi cuộn dài 50m) kéo bơm ra hồ thuỷ lợi cách nhà hơn 1,5km, cố gắng vét số nước ít ỏi cuối cùng để có thể cứu vườn cà phê 2ha. Ở vũng nước nhỏ hẹp giữa hồ thuỷ lợi, cả chục máy bơm cùng cắm vòi tạo nên cảnh tượng chen chúc chưa từng có.
Ông Nguyễn Bá Luân, than thở: “Lần đầu tiên trong lịch sử thấy khô hạn, nắng kéo dài như vậy, chỗ nào cũng thiếu nước. Mình phải cứu cà phê của chính mình, bây giờ mình không tưới được, không cứu được thì coi như được giá mà mất mùa thì không đâu vào đâu cả.”
Huyện Đắk Mil là vùng trọng điểm cây cà phê của tỉnh Đắk Nông với diện tích hơn 21.000ha. Đây cũng địa bàn đang chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất do nắng hạn. 17/46 công trình thuỷ lợi cạn kiệt nguồn nước, những hồ còn lại cũng sắp đến mực nước chết. Trong khi đó, hơn 5.100 ao, hồ cơ bản đều đã trơ đáy, gần 2.000 giếng khoan cũng không đáp ứng được nhu cầu nước tưới. Hàng loạt diện tích cà phê trên địa bàn huyện đã và đang héo rũ, chết khô. Ông Phan Xuân Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Lao, một trong những xã trọng điểm về cà phê ở huyện Đắk Mil, lo ngại.
“Trên địa bàn xã diện tích cây cà phê hơn 9.000ha, gồm cả diện tích Công ty cà phê Đức Lập. Tình hình thời tiết thế này kéo dài 1 tuần đến 10 ngày nữa thôi thì khả năng 85% diện tích cây cà phê trên địa bàn toàn xã sẽ mất mùa. Trong 85% đó thì khả năng mất trắng ít nhất 60%, còn lại đều mất năng suất", ông Phan Xuân Vinh nói.
Toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 140.000ha cà phê. Ngành nông nghiệp tỉnh thống kê hiện đã có 10.000ha chịu ảnh hưởng do nắng hạn và diện tích này sẽ còn tăng nhanh trong những ngày tới do nguồn nước đã khô kiệt. Hiện 31 trong số 307 công trình thuỷ lợi hết nước. Các hồ còn lại lượng nước chỉ còn chừng 40% và đang giảm nhanh.
Ông Nguyễn Tường Duy, Phó giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông cho biết, tháng trước, đơn vị còn có thể điều tiết nước từ các hồ chứa lớn sang các khu vực lân cận để cứu cây trồng. Nhưng thời điểm này, việc điều tiết nước là bất khả thi. Những khu vực còn nước phải giữ để phục vụ nhu cầu tại chỗ. Những khu vực hết nước, đành chấp nhận buông tay:
“Các giải pháp như là bơm chuyển nước rồi điều tiết liên huyện đến thời điểm hiện nay không hiệu quả nữa do nguồn các hồ chứa cạn kiệt. Hơn 2.400ha đã không có biện pháp chống hạn. Nếu tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 thì khả năng thiệt hại rất lớn xảy ra", ông Nguyễn Tường Duy cho biết.
Chưa năm nào giá cà phê liên tục lập đỉnh như năm nay nhưng cũng chưa năm nào người trồng cà phê tại Đắk Nông lại lao đao vì nắng hạn như vậy. Chính quyền và người dân đang nỗ lực các giải pháp cứu cây trồng, nhưng nhiều nơi đành bất lực, nhìn cà phê bị nắng nóng thiêu cháy. Giá cao kỷ lục vụ này không thể bù đắp cho những thiệt hại nặng nề do hạn hán đang hiển hiện trước mắt.