Nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 lên 50 năm
(VOV) -Quy định như trên sẽ tạo tâm lý ổn định cho người nông dân yên tâm canh tác.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; có quy định riêng về chế độ sử dụng đất trồng lúa. Tuy nhiên, mở rộng thời hạn thế nào để sử dụng đất có hiệu quả mới là điều đáng quan tâm.
Luật Đất đai hiện hành quy định thời hạn giao đất cho người nông dân sử dụng khá ngắn và hạn mức người dân được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng khá hạn hẹp. Cụ thể: “Thời hạn giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng quy định là 20 năm; thời hạn giao đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng quy định là 50 năm”. Với quy định này, người nông dân chưa có tâm lý ổn định đầu tư lâu dài vào đất để nâng cao năng suất sử dụng đất.
Nhằm khắc phục hạn chế này, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề ra một số chính sách mới như nâng thời hạn giao đất nông nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình từ 20 lên 50 năm; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: “Quy định như vậy sẽ tạo tâm lý ổn định cho người nông dân yên tâm canh tác. Trước kia, thời hạn giao đất chỉ là 20 năm thôi thì bây giờ nâng lên 50 năm. Trên cơ sở sửa đổi này thì đã khuyến khích và tạo được động lực để người nông dân gắn bó hơn với đất đai, an tâm trong sản xuất hơn. Ở một số vùng như Tây Nguyên đang phát triển khu nông sản tập trung, vùng hàng hóa như cà phê, hồ tiêu hay ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn nên có thể khuyến khích được sự sang tạo của người nông dân”.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định nâng thời hạn giao đất nông nghiệp chỉ phù hợp đối với những hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có hiệu quả. Còn đối với trường hợp có đất nhưng không sử dụng hoặc có đất nhưng cho thuê thì cần có chính sách nhất định để xử lý nhằm tạo công bằng trong đất đai. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa giải quyết được điểm mâu thuẫn này.
Rõ ràng, sử dụng đất nông nghiệp với thời hạn dài hơn sẽ giảm áp lực cho người nông dân, tạo động lực mới cho sản xuất nông nghiệp, khiến người nông dân tự tin hơn trong đầu tư dài hạn để tăng năng xuất và sản lượng. Tuy nhiên, việc mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cũng cần tính toán nhằm tạo công bằng trong sử dụng đất đai, tránh tình trạng người cần thì không có, người có lại không cần./.