Nếu ca mắc mới Covid-19 trong ngày lên tới hàng nghìn thì chúng ta phải làm gì?

VOV.VN - Làn sóng dịch thứ tư, với bối cảnh quốc tế rất phức tạp, Việt Nam ghi nhận cùng lúc 2 biến thể đáng lo ngại là B.1.617 và Anh B.1.1.7 được giới khoa học cho là có hệ số lây nhiễm cao hơn nhiều những chủng virus ban đầu.

Trong vòng 19 ngày, dịch đã lan ra 26 tỉnh thành, với ít nhất 808 ca nhiễm. Với năng lực xét nghiệm hiện tại, cả nước có 175 phòng xét nghiệm COVID-19, trong đó có 125 phòng được xét nghiệm khẳng định. Nếu xét nghiệm gộp mỗi ngày được 2,9 triệu mẫu.

Tham khảo mô hình phòng chống dịch bệnh của các quốc gia thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tôi đặc biệt chú ý đến Hàn Quốc và Singapore, được thế giới ca ngợi là thành công xuất sắc. Ở những quốc gia đó, xét nghiệm là chìa khoá, mọi chiến lược phòng chống đại dịch COVID-19 đều xoay quanh.

Hàn Quốc với dân số 52 triệu, có 600 trung tâm xét nghiệm COVID-19. Dân số Singapore khoảng 5,7 triệu người, nhưng tất cả các bệnh viện công và tư, 20 phòng khám đa khoa địa phương, ít nhất 60 phòng khám đa khoa tư nhân đều có năng lực xét nghiệm, chẩn đoán COVID-19.

Việt Nam đã cố gắng rất nhiều, nhưng để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, là số lượng ca mới trong ngày tính theo đơn vị hàng nghìn, thì chúng ta cần thiết phải có thêm gấp nhiều lần con số 175 phòng xét nghiệm COVID-19 như hiện tại.

Có ba vấn đề tôi quan tâm: Một là số phòng xét nghiệm; Hai là nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực lấy mẫu; Ba là nguồn vật lực, tức là số lượng kít và test thử.

Về số phòng xét nghiệm, hiện nay theo quy định, tất cả các bệnh viện quy mô 300 giường trở lên có một hệ thống xét nghiệm RT-PCR. Tính đến năm 2014, Việt Nam có tổng số 1.536 bệnh viện, trong đó có 47 bệnh viện trung ương, 492 bệnh viện tỉnh. Tôi không có con số cụ thể bao nhiêu bệnh viện trên 300 giường, nhưng chắc chắn sẽ không ít cơ sở có máy xét nghiệm RT-PCR, nếu huy động tất cả sẽ góp phần giải quyết bài toán chống dịch hiệu quả.

Về nguồn nhân lực lấy mẫu, hiện tại huy động toàn bộ lực lượng y tế dự phòng (CDC), do đặc thù gắn với truy vết nên huy động như vậy là hợp lí, tuy nhiên CDC đang thực sự quá tải. Nếu dịch bùng phát với con số hàng nghìn ca mỗi ngày, thì việc lấy mẫu trong cộng đồng hay cụm dân cư có nguy cơ, theo tôi nên huy động lực lượng từ các bệnh viện.

Về nguồn vật lực, tức là kit và test thử, do điều kiện kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, vì thế mà rất cần sự điều tiết hợp lí để không lãng phí, tránh tình trạng đến khi dịch bùng phát cần xét nghiệm hàng triệu mẫu mỗi ngày lại rơi vào tình trạng thiếu vật lực.

Cuối cùng, để vượt qua thử thách cực đại nếu đại dịch bùng phát với con số tính bằng đơn vị ngàn bệnh nhân mỗi ngày, theo tôi cần chuẩn bị phương án tất cả cả các bệnh viện đa khoa đều có đơn nguyên điều trị bệnh nhân COVID-19, phân tuyến điều trị nặng nhẹ rõ ràng.

Đối mặt với COVID-19 đã một năm rưỡi, các bệnh viện, các bác sĩ lâm sàng và các nhân viên y tế khác đã học được rất nhiều điều về việc giữ an toàn cho bệnh nhân và bản thân, tiếp cận và cập nhật kiến thức chẩn đoán và điều trị. Ví dụ, trong mỗi bệnh viện hôm nay, tổ sàng lọc COVID-19 được trang bị đầy đủ thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) như khẩu trang chuyên dụng, kính chắn giọt bắn, găng tay và quần áo bảo hộ.

Hàng ngày bệnh nhân đến viện, tổ sàng lọc tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt để ngăn ngừa lây nhiễm, bao gồm khử trùng không gian và thiết bị giữa các lần sử dụng, khai thác dịch tễ, phát hiện triệu chứng và chẩn đoán sàng lọc ban đầu. Sự chuẩn bị này là cơ sở cho sự chuẩn bị của các khoa cấp cứu, khoa điều trị, thậm chí là hồi sức tích cực nếu có bệnh nhân COVID-19.

Khi tất cả ngành y tế sẵn sàng chủ động, người dân đồng lòng ủng hộ với sự tin tưởng và không hoảng loạn, có sự lãnh đạo nhanh nhạy của cấp trên; thì tôi tin chắc đại dịch COVID-19 có phức tạp đến mấy, Việt Nam chúng ta cũng chiến thắng. Nhưng để chiến thắng thì phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nữ điều dưỡng bị bệnh nhân Covid-19 đe dọa, bóp cổ
Nữ điều dưỡng bị bệnh nhân Covid-19 đe dọa, bóp cổ

VOV.VN - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sự việc xảy ra sáng 15/5, một bệnh nhân Covid-19 đã tấn công nữ điều dưỡng tại Khoa Nội tổng hợp.

Nữ điều dưỡng bị bệnh nhân Covid-19 đe dọa, bóp cổ

Nữ điều dưỡng bị bệnh nhân Covid-19 đe dọa, bóp cổ

VOV.VN - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sự việc xảy ra sáng 15/5, một bệnh nhân Covid-19 đã tấn công nữ điều dưỡng tại Khoa Nội tổng hợp.

165 ca mắc Covid-19 trong ngày 15/5, riêng Bắc Giang 109 ca
165 ca mắc Covid-19 trong ngày 15/5, riêng Bắc Giang 109 ca

VOV.VN - Ngày 15/5, cả nước có 165 ca mắc Covid-19, riêng Bắc Giang có 109 ca. Một bệnh nhân Covid-19 tử vong do bệnh lý nền.

165 ca mắc Covid-19 trong ngày 15/5, riêng Bắc Giang 109 ca

165 ca mắc Covid-19 trong ngày 15/5, riêng Bắc Giang 109 ca

VOV.VN - Ngày 15/5, cả nước có 165 ca mắc Covid-19, riêng Bắc Giang có 109 ca. Một bệnh nhân Covid-19 tử vong do bệnh lý nền.

Huyện miền núi Văn Yên đồng bộ các giải pháp phòng, chống Covid-19 trước bầu cử
Huyện miền núi Văn Yên đồng bộ các giải pháp phòng, chống Covid-19 trước bầu cử

VOV.VN - Đến thời điểm này, huyện miền núi Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Huyện miền núi Văn Yên đồng bộ các giải pháp phòng, chống Covid-19 trước bầu cử

Huyện miền núi Văn Yên đồng bộ các giải pháp phòng, chống Covid-19 trước bầu cử

VOV.VN - Đến thời điểm này, huyện miền núi Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.