Nếu đến Việt Nam, hãy đãi tôi một bữa cơm ngon!
VOV.VN - Ông Jung, Ki-Yul – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Gyeonggi rất yêu mến Việt Nam và mong có dịp được thưởng thức bữa cơm gia đình Việt.
Cộng đồng người Việt ở tỉnh GyeongGi có khoảng 44.000 người gồm lao động, du học sinh và dạng kết hôn. Số người Việt Nam sinh sống và làm việc tại đấy chiếm một nửa trong tổng số người Việt đang ở Hàn Quốc. Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Jung, Ki-Yul – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Gyeonggi về những chính sách giúp đỡ người Việt tại địa phương, đặc biệt là những gia đình đa văn hoá.
PV: Xin ông cho biết các hỗ trợ của địa phương đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Gyeonggi?
Ông Jung, Ki-Yul: Không chỉ riêng người Việt Nam, tại Gyeonggi còn có người Nhật Bản, Trung Quốc, người Nga… sinh sống ở đây.
Chúng tôi đang rất cố gắng đưa ngân sách xuống để giúp người dân, con em các gia đình đa văn hóa.
Ngày trước, người Việt Nam nói riêng và những người nước ngoài sống tại Hàn Quốc nói chung có nhiều điểm chênh lệch, nhưng hiện tại, HĐND tỉnh chúng tôi đưa ra các chính sách giúp đỡ để hai bên gần nhau hơn, hoặc xóa dần các khoảng cách.
Người Hàn Quốc có nhiều phân biệt đối xử với người nước ngoài nhưng riêng với người Việt Nam, người Hàn Quốc lại rất yêu mến. Cho nên, Chính phủ Việt Nam không nên quá lo lắng về cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại đây. Chúng tôi làm việc với tình cảm đặc biệt nên rất nỗ lực giúp đỡ người Việt Nam có một cuộc sống không còn phân biệt đối xử nữa.
Phụ nữ Việt Nam rất xinh đẹp, hiền lành và trung thực. Chúng tôi rất quí mến đức tính đó của người Việt Nam. Hiện tại và sau này tôi cũng sẽ quan tâm đến người Việt Nam hơn nữa.
PV: Ông cảm nhận như thế nào về mối quan hệ Việt – Hàn thông qua cộng đồng người Việt Nam ở tỉnh Gyeonggi?
Ông Jung, Ki-Yul: Tôi đã đến Việt Nam và tôi rất thích văn hóa người Việt. Tôi được biết, người Hàn Quốc cũng đã từng gây ra những tổn thương cho người Việt nhưng hiện tại, mối quan hệ hai nước đã cải thiện rất tốt, giúp xóa mờ đi những vết thương đó. Cho nên, tôi quan tâm đến Việt Nam rất nhiều. Hiện tại, giữa KFM và VOV đã có những ký kết hợp tác. Tôi rất vui vì điều này và cho rằng, sau này Việt Nam – Hàn Quốc sẽ có nhiều hợp tác, có những tiếng nói chung.
Tôi cũng mong rằng, qua những cơ hội này giữa Việt Nam – Hàn Quốc sẽ thêm gần nhau hơn. Thông qua VOV và KFM, tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn tiếng nói của hai bên trên các phương tiện truyền thông.
Sau này, nếu tôi có cơ hội về Việt Nam thì hãy đãi tôi một bữa cơm ngon. Bởi người Hàn Quốc có tục ngữ ý rằng, nếu muốn gần hơn, thân thiết hơn nữa thì phải cùng ăn cơm với nhau.
PV: Người Việt Nam cũng vậy, thưa ông!
Ông Jung, Ki-Yul: Chính điểm tương đồng đó nên khi tiếp xúc với các bạn tôi có cảm giác như một gia đình.
PV: Vậy theo ông, cộng đồng người Việt cần có những đóng góp như thế nào cho địa phương?
Ông Jung, Ki-Yul: Từ ngày tôi đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐND tỉnh Gyeonggi, nói về những đóng góp của người Việt Nam thì tôi thấy bản thân người đó sống tốt, có nội lực hơn là đủ. Tôi có mong muốn người dân tỉnh Gyeonggi có cuộc sống ấm áp và tốt hơn nữa. Đó cũng chính là sự đóng góp với địa phương. Nếu người đó đã đạt được ước nguyện của mình thì đó là niềm vui của tỉnh.
Hạnh phúc của những người Việt Nam đang sinh sống ở tỉnh Gyeonggi cũng chính là hạnh phúc của chúng tôi. Tôi rất quý trọng những người Việt Nam. Người Việt Nam là bạn của chúng tôi.
PV: Hiện tại, địa phương có các chính sách nào giúp các gia đình đa văn hóa?
Ông Jung, Ki-Yul: Tỉnh Gyeonggi có gần 540.000 người nước ngoài sinh sống với 84.000 hộ gia đình. Người lao động chiếm số đông nhất.
Trung Quốc chiếm số đông nhất với 236.976 người, số người này có người Trung Quốc gốc Hàn Quốc. Còn người Trung Quốc thì có 68.000 người. Người Việt Nam là 43.432 người.
Tỉnh Gyeonggi có 31 huyện, thành phố, trong đó có thành phố Ansan có người nước ngoài sinh sống. Ngân sách giúp đỡ gia đình đa văn hóa là 6 triệu USD/năm. Số ngân sách này dự kiến sẽ tăng để giúp các gia đình đa văn hóa có cuộc sống tốt hơn.
Những chương trình, dự án giúp đỡ các gia đình đa văn hóa như: lớp dạy tiếng Hàn; có chương trình họp nhóm cho các cô dâu nước ngoài trong đó có Việt Nam sang đây; Chúng tôi cũng đang hỗ trợ về học lực cho con em các gia đình đa văn hóa; hỗ trợ con em gia đình đa văn hóa nói 2 ngôn ngữ (ví dụ mẹ là người Việt Nam thì dạy cả tiếng Việt cho các cháu). Những chương trình giao tiếp đa văn hóa để các chị em có chia sẻ với nhau. Hiện tại, chúng tôi cũng đang hỗ trợ về nhân quyền cho người nước ngoài và cố gắng tạo những tốt nhất chính sách cho người nước ngoài.
Chúng tôi cũng có những chương trình, dự án để giúp chị em các gia đình đa văn hóa có cuộc sống tốt hơn nữa.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Giúp cô dâu Việt tại Hàn Quốc không phải buồn và khóc