Sách lậu

Ngang nhiên vi phạm bản quyền

In xấu, đặc biệt vi phạm nghiêm trọng về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả, nhưng sách lậu vẫn được bán tràn lan trên thị trường với giá chỉ bằng 50 - 80% giá bìa.

Tràn lan sách lậu

Phong phú về nội dung, chủng loại, là ấn tượng đầu tiên khi dạo quanh thị trường sách Hà Nội. Tuy nhiên, cùng với sự đa dạng này, giá bán in trên bìa cùng một đầu sách cũng rất chênh lệch. Cuốn “Chạng vạng” là một ví dụ, trên bìa đều ghi Nhà xuất bản Trẻ, nhưng giá in trên bìa mỗi cuốn một khác. Có cuốn in giá 100.000 đồng, có cuốn in giá 105.000 đồng, thậm chí có cuốn in giá 120.000 đồng. Tương tự, cuốn “Sống như Tiểu Cường” giá in trên bìa có cuốn là 85.000 đồng, nhưng cũng có cuốn y hệt giá chỉ là 69.000 đồng, “Người nam châm” cuốn đề giá 50.000 đồng, cuốn chỉ có 39.000 đồng…

Dạo qua một số chợ sách ở đường Láng, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Phạm Văn Đồng,… có đến hàng chục cửa hàng sách “hạ giá”, “đại hạ giá” với biển giảm giá 10-30%, thậm chí có những cuốn chỉ bằng 50% giá in trên bìa sách. Sách lậu được bày bán lan tràn khắp nơi, không chỉ trên vỉa hè mà ngay cả trong những cửa hàng sách trên các con phố vốn được mệnh danh là “phố sách” như Đinh Lễ, Nguyễn Xí... Tại đây, sách bản quyền và sách in lậu bày bán lẫn lộn. Bất cứ một đầu sách nào mới có mặt trên thị trường thì ngay lập tức sách in lậu được tung ra.

Trên thị trường hiện có hai trường phái làm sách giả: trường phái thứ nhất là “không giống hệt” với giá rẻ hơn nhiều và trường phái thứ hai là “giống hệt” có giá ngang sách thật. Đối với trường phái thứ nhất, người mua còn phân biệt được bản thật và bản giả và có quyền lựa chọn, cân nhắc giữa sách giả và sách thật tuỳ theo túi tiền và sở thích của mình. Còn với trường phái thứ hai, người mua thường lâm vào cảnh “bỏ tiền thật mua đồ giả” một cách oan uổng.

Bà Trần Phương Thảo, Phó Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sách Thái Hà (Thaihabooks) cho biết: “Thực tế sách giả (lậu) thường in giá bìa cao hơn so với sách thật để hấp dẫn khách hàng bằng mức chiết khấu cao tới 40-50%. Cụ thể, cuốn “Sống như Tiểu Cường” do chính công ty Sách Thái Hà phát hành giá in trên bìa là 69.000 đồng, còn sách giả lại in giá trên bìa đắt hơn tới 16.000 đồng. Khi có sách lậu xuất hiện trên thị trường, nhà sách nhiều khi buộc phải thay đổi bìa hoặc không xuất bản tiếp do lượng tiêu thụ sẽ chậm lại”.

Không chỉ các tác phẩm văn học, nghệ thuật bị in lậu, ăn cắp bản quyền mà sách giáo khoa, giáo trình ở nước ta cũng bị vi phạm nghiêm trọng. Tại hội thảo về “Bảo vệ quyền sao chép đối với tác phẩm phi hư cấu” vừa được tổ chức tại Hà Nội, GS. TSKH Nguyễn Mậu Bành, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, cho biết: Hiện nay số lượng sách, giáo trình vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu học tập và nghiên cứu của học sinh sinh viên. Chính điều này đã tạo điều kiện cho các đối tượng in lậu và vi phạm bản quyền tác giả sách “lộng hành”. Thiếu sách, nhiều giáo viên thấy những cuốn thích hợp, đúng chuyên môn đã tự sao chép để biên soạn thành giáo trình, bài giảng mà không quan tâm đến tác giả.

Một số khác tuy cũng có chú ý đến quyền tác giả khi trích dẫn, nhưng hầu hết vẫn là không xin phép, sao chép tùy tiện. Trắng trợn hơn, một số người đã sao chép y nguyên rồi đề tên mình là tác giả, xâm phạm nghiêm trọng tác quyền đối với cả sách trong và ngoài nước. Các cuốn sách “Tài chính quốc tế”, “Toán tài chính” của GS.TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp trường Đại học Kinh tế TP.HCM là một ví dụ, đã bị một nhóm tác giả của trường Đại học Công nghiệp TP.HCM sao chép nguyên si mà không hề xin phép. Cuốn “Kinh tế lượng” của một tác giả trong nước cũng bị phát hiện là hầu như dịch lại từ quyển “Econometrics” của một tác giả nước ngoài.

Thiếu minh bạch trong in và xuất bản

Lý giải việc cùng một đầu sách, cùng tên nhà xuất bản nhưng lại có giá thấp hơn so với giá bán tại các nhà sách lớn cũng như giá bìa từ 20-30%, chủ hiệu sách Lâm trên phố Đinh Lễ cho rằng: “Tại đây đa phần là sách từ Tổng công ty Sách Việt Nam, nhưng do giảm được nhiều chi phí vận hành hơn so với các nhà sách lớn, nên các cửa hàng có thể giảm giá nhiều hơn cho người tiêu dùng”. Còn một người bán sách trên đường Láng thì thản nhiên: “Thực sự tôi chẳng quan tâm là sách do đâu phát hành, thật hay giả, chỉ thấy tiêu thụ được và có mức chiết khấu cao so với giá bìa thì lấy bán thôi”.

Theo ông Lê Mạnh Liêm, một cán bộ của Nhà sách Tràng Tiền, trên thị trường hiện có 3 nguồn sách lậu: Nhà xuất bản bán giấy phép hoặc liên kết với một công ty nào đó xuất bản sách, nhưng in nhiều hơn so với số lượng được cấp phép; Khi một ấn phẩm vừa ra đời, đối tượng làm giả liền mang đến một cơ sở in khác hoặc chính nhà in đã in cuốn sách đó để “nhân bản”; Đối tượng làm giả tự tổ chức in. Nếu theo như lời ông Liêm thì hai cách làm trên đều phải có sự “tiếp tay” của các nhà in và nhà xuất bản.

Không chỉ bị sao chép một cách tự do, nhiều tác giả còn không thể nào biết được số lượng sách thực sự đã được in, đã phát hành. GS. Phan Trọng Luận, người chủ biên nhiều đầu sách giáo khoa, cho biết, năm 2009, ông có ký hợp đồng viết một cuốn sách cho một nhà xuất bản. Hợp đồng in 3.000 cuốn, nhưng khi thanh toán nhuận bút, nhà xuất bản nói chưa phát hành hết nên tạm trả theo số lượng 2.000 cuốn. Tuy nhiên, qua theo dõi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số Sở GD-ĐT, tác giả được biết con số phát hành không phải chỉ là 3.000 cuốn. Trước đó, một cuốn sách khác của ông cũng được tái bản nhiều lần nhưng lần nào cũng ghi 1.000 cuốn. Nhưng khi đi tìm hiểu, vị giáo sư này đã không khỏi giật mình khi biết số lượng in có lần lên tới 10.000 cuốn… Chính những điều này khiến GS. Luận phải kêu lên: Liệu có cách nào để kiểm tra số lượng sách phát hành để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tác giả?

Nạn sách lậu, sách vi phạm bản quyền đã trở thành một căn bệnh trầm kha và là nỗi ám ảnh của các đơn vị, nhà xuất bản làm ăn nghiêm túc. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc. Tuy nhiên theo ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: “Hàng năm, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng chỉ tiến hành kiểm tra ở một số nơi và mới chỉ dừng ở mức tịch thu sách lậu và phạt hành chính…”. Thực tế, để ngăn chặn tình trạng sách lậu tràn lan trên thị trường hiện nay, thì việc kiểm soát hoạt động kinh doanh sách không thể chỉ dừng lại ở việc tịch thu và phạt hành chính mà rất cần những chế tài mạnh đủ sức răn đe./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên