Ngành y tế chuyển từ thái độ “ban ơn” sang “phục vụ”
VOV.VN -Một cuộc cạnh tranh trong chính ngành y buộc cả tuyến trên và tuyến cơ sở phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Từ giữa năm 2015, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đến nay, các cơ sở y tế đã hoàn thành việc ký cam kết thực hiện. Vậy quyết tâm chuyển từ thái độ “ban ơn” sang “phục vụ” bệnh nhân của ngành y tế đã và đang được thực hiện như thế nào?
Tuyến trên “hút” bệnh nhân bằng thương hiệu
Cách đây ít ngày, bà Trần Thị Khai, 56 tuổi ở Ba Vì, Hà Nội bị tai nạn giao thông, được tuyến dưới chuyển lên Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương rất nặng: chấn thương sọ não, dập phổi, vỡ xương bả vai, chảy máu não và suy hô hấp cấp.
Bà Trần Thị Khai từ "cõi chết" trở về |
Tình trạng nguy kịch của bệnh nhân khiến gia đình hết hy vọng. Anh Nguyễn Thế Anh Tuấn, con trai bà Khai cho biết, khi đưa bà Khai vào Bệnh viện Quân y 105 cấp cứu, các bác sĩ đã thông báo tình trạng của mẹ anh rất nặng, không có khả năng cứu được. “Từ lúc Bệnh viện Quân y 105 chuyển mẹ tôi lên Bệnh viện Việt Đức, gia đình tôi đã chuẩn bị hậu sự”- Anh Tuấn nói.
TS Vũ Hoàng Phương – Đơn vị Hồi sức tích cực 2, Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Việt Đức cho biết “với bệnh nhân Khai, phương pháp cuối cùng để có thể cứu sống là áp dụng kỹ thuật ECMO- chạy máy phổi nhân tạo. Tuy nhiên, phương pháp này rất nhiều nguy cơ rủi ro, nhất là khi bệnh nhân bị chảy máu não. Tỷ lệ thành công chỉ khoảng 15% đến 20%.”
“Còn nước, còn tát”, sau 2 tuần căng thẳng, dồn hết tâm sức, các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đã cứu sống được bệnh nhân Trần Thị Khai.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, tâm sự “đối với các bác sỹ phẫu thuật, mục đích lớn nhất tiếp nhận bệnh nhân là đem họ từ cõi chết trở về. Nhiều trường hợp, chúng tôi phải tìm mọi cách thuyết phục gia đình bệnh nhân và tìm nguồn hỗ trợ tài chính giúp người bệnh được tiếp cận với biện pháp cuối cùng để cả 2 bên đều không bị lương tâm phán xét. Điều này bắt nguồn từ trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người thầy thuốc.”
Rõ ràng, thái độ phục vụ bệnh nhân không chỉ là việc chào hỏi, cử chỉ ân cần mà còn bằng những hành động cụ thể để chữa khỏi bệnh, cứu sống bệnh nhân hay chí ít cũng là không làm bệnh nặng lên. Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, trường hợp vừa nêu tại Bệnh viện Việt Đức có thể tìm thấy ở nhiều bệnh viện khác, nhất là từ khi Bộ Y tế phát động trong toàn ngành về đổi mới tinh thần thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
“Để người dân thực sự hài lòng thì cán bộ, nhân viên y tế phải soi xét mình trước. Phục vụ người bệnh không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của y, bác sỹ. Với một loạt biện pháp mà ngành y tế đã và đang triển khai như giảm tải bệnh viện, nâng cao năng lực khám chữa bệnh của tuyến dưới thông qua Đề án Bệnh viện vệ tinh và điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ là động lực để các bệnh viện “cạnh tranh” lành mạnh với nhau.”- ông Tác cho biết.
Ông Tác cũng nhấn mạnh, “cuộc cạnh tranh” buộc tuyến trên phải nâng cao chất lượng bằng cách tập trung điều trị bằng được những ca bệnh khó để khẳng định thương hiệu và cũng là cách duy nhất để “hút” bệnh nhân trong bối cảnh tuyến dưới đang dần được nâng cao chất lượng, đồng nghĩa với việc bệnh nhân chuyển tuyến có thể sẽ giảm. Nếu không phục tốt bệnh nhân thì sẽ ít, thậm chí không có bệnh nhân đến khám và điều trị. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thu nhập giảm vì tiền lương sắp được tính vào giá dịch vụ y tế.
Tuyến dưới không đổi mới bệnh nhân sẽ bỏ đi
Tối ngày 13/3/2016, Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh Thái Bình nhận được cuộc gọi từ xã Quyết Tiến (huyện Kiến Xương) về việc bệnh nhân Lương Thị Vân 28 tuổi bị đau bụng, mệt lả cần cấp cứu khẩn cấp. Khi xe cấp cứu đến nơi, bệnh nhân đã trong tình trạng tụt huyết áp mạnh, mạch nhanh, nhỏ; da, niêm mạc nhợt nhạt, đau chướng bụng dữ dội. Khi test que thử thai thấy hai vạch, các y bác sỹ Trung tâm Cấp cứu 115 nghĩ ngay đến khả năng bệnh nhân bị vỡ thai do chửa ngoài tử cung.
Nhận thấy tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, nếu chuyển lên tuyến trên có thể dẫn đến trụy mạch, tử vong nên các y, bác sĩ quyết định mổ cấp cứu gấp ngay tại nhà bệnh nhân. Vừa gọi điện thoại về Trung tâm Cấp cứu 115 xin chi viện, các y, bác sỹ vừa đặt kim luồn truyền dịch và thuốc nâng huyết áp, chờ kíp mổ của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình và khoa Huyết học Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến chi viện.
Ca mổ cho bệnh nhân Lương Thị Vân ở Thái Bình |
Tại “phòng mổ bất đắc dĩ”, trong điều kiện trang thiết bị không đầy đủ, các bác sĩ phải thấm máu bằng bông gạc vì không có máy hút, rồi thay phiên nhau bóp bóng bằng tay hỗ trợ nhịp thở cho bệnh nhân vì không có máy thở. Sau hơn 3 giờ căng thẳng, khẩn trương, các bác sỹ đã kịp thời cứu sống được bệnh nhân Lương Thị Vân. Nếu không vào cuộc kịp thời và không có sự phối hợp ngay trong đêm của các chuyên ngành thì chắc chắn bệnh nhân đã tử vong.
Kết quả thành công của ca mổ không chỉ là nỗ lực, cố gắng của đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Sản - Nhi tỉnh Thái Bình mà còn thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao, tận tâm hết lòng phục vụ người bệnh của mỗi cá nhân y, bác sỹ. Hành động này của tập thể y, bác sỹ 3 đơn vị đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khen thưởng và được người dân thêm tin yêu
Trên đây là một ví dụ cụ thể về tình thần hết lòng, hết sức phục vụ bệnh nhân của nhiều y, bác sỹ bệnh viện tuyến dưới. Họ không chỉ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì tính mạng của bệnh nhân mà còn vì một sức ép đang đến gần. Đó là việc đã ký cam kết thực hiện đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ, đặc biệt là từ năm 2020, sẽ thông tuyến bảo hiểm y tế tuyến tỉnh. Tức là bệnh nhân ở tỉnh này có thể sang bệnh viện trực thuộc Sở Y tế tỉnh khác để chữa bệnh mà quyền lợi về bảo hiểm y tế của người bệnh không hề bị giảm. Khi đó, nếu bệnh viện tuyến tỉnh không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng khám, chữa bệnh thì việc bệnh nhân bỏ đi tỉnh khác chữa bệnh là điều đương nhiên.
Tiếp tục chuyển từ thái độ “ban ơn” sang “phục vụ”
Đến nay, ngành y tế đã hoàn thành việc tổ chức ký cam kết thực hiện đổi mới thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế. Vậy việc thực hiện sẽ tiếp tục như thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, ngành Y tế sẽ đưa việc đổi mới phong cách, thái độ phụ vụ cũng như những quy tắc ứng xử với người bệnh vào các trường đào tạo y, dược từ trung cấp, cao đẳng đến đại học để hình thành các quy định cho y, bác sỹ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trong năm 2016, Bộ Y tế cũng sẽ phát động đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ thành một phong trào thi đua và tổ chức hội thi tuyên truyền quy tắc ứng xử trong cán bộ, nhân viên y tế. Hiện nay, nửa triệu cán bộ, nhân viên ngành y tế sẽ hoàn thành việc ký cam kết thực hiện đổi mới phong cách thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Các cán bộ, nhân viên y tế đã ký cam kết rồi thì phải thực hiện. Nếu thực hiện tốt thì sẽ được thưởng bằng nhiều hình thức, nếu không thì sẽ bị xem xét, kỷ luật tùy theo mức độ, từ phê bình, khiển trách cho đến cắt tiền thưởng theo quy định của Thông tư 07 của Bộ về quy tắc ứng xử trong ngành y tế.
“Bộ Y tế đã thành lập 8 đoàn kiểm tra trong đó tất cả các đồng chí Thứ trưởng làm trưởng đoàn, các đồng chí lãnh đạo 2 Sở Y tế Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn và tôi là trưởng đoàn thứ 8 (đoàn giám sát cơ động), kiểm tra trên cơ sở các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá gắn với thi đua khen thưởng, kỷ luật. Việc kiểm tra sẽ có hiệu quả cao hơn nếu người dân đến bệnh viện thấy có vấn đề gì chưa tốt thì nên phản ánh kịp thời với đường dây nóng của Bộ Y tế, số19009095 và qua hòm thư góp ý đặt tại các cơ sở y tế. Chắc chắn Bộ Y tế sẽ xem xét và xử lý tất cả các ý kiến của người dân, người bệnh.”- Ông Phạm Văn Tác cho biết thêm.
Mặc dù đâu đó, còn có những sự việc hy hữu làm ảnh hưởng đến toàn ngành y tế nhưng nhìn chung, muốn phát triển bền vững, không còn cách nào khác, các cơ sở y tế phải đổi mới thực sự để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đó cũng là vấn đề “sống còn” hiện nay khi toàn ngành y tế đang có những thay đổi, chuyển biến tích cực để lấy lại hình ảnh “lương y như từ mẫu”. Đặc biệt các chính sách y tế đã đang và đang tạo ra cuộc cạnh tranh giữa các bệnh viện, không chỉ giữa các bệnh viện cùng hạng, cùng tuyến mà còn giữa tuyến trên và tuyến dưới.
Giá viện phí đang dần được tính đúng, tính đủ, trong đó tiền lương của y, bác sỹ phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân. Hơn nữa, từ 1/1/2016, đã thông tuyến bảo hiểm y tế tại tuyến huyện, đến năm 2020 sẽ thông tuyến bảo hiểm y tế tại tuyến tỉnh và về lâu dài sẽ thông cả tuyến Trung ương, sẽ hứa hẹn nhiều thay đổi tích cực tại các cơ sở y tế./.