Ngày 8/3 của những người phụ nữ ở xóm “chạy thận”
VOV.VN - Ngày 8/3, ngày cả thế giới tôn vinh phái đẹp, nhưng không phải ai cũng được hưởng hạnh phúc ấy. Đâu đó vẫn có những phận đời éo le, họ phải tất bật với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền và phải sống chung với bệnh tật đến hết đời.
Xóm chạy thận trên con ngõ nhỏ phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tĩnh lặng, ẩn khuất sau sự hào nhoáng của Thủ đô đông đúc, sầm uất. Tại đây có hàng trăm người thuê trọ, họ đến từ nhiều miền quê khác nhau nhưng cùng mang trong mình căn bệnh suy thận.
Có nhiều người đã tá túc ở khu xóm đặc biệt này hàng chục năm trời. Bệnh tật đã lấy đi tuổi xuân và khiến những ước mơ, hoài bão của họ trở nên dang dở. Mỗi tuần, phải họ phải vào viện chạy thận 3 lần, khoảng thời gian còn lại họ ở nhà nghỉ ngơi, dưỡng sức.
Ghé thăm căn phòng trọ của bà Vũ Thị Mai (57 tuổi, Thái Bình), với diện tích chỉ hơn 10m2, mọi sinh hoạt của hai bà cháu gói gọn trong căn phòng nhỏ này. Bà Mai có “thâm niên” 18 năm chạy thận tại Hà Nội. Đây cũng là khoảng thời gian bà vừa phải bươn chải để có tiền chạy thận, vừa có tiền để nuôi cháu nội đang học lớp 7.
Bà Mai kể, muốn trụ lại tại Hà Nội để chạy thận, mỗi tháng cần ít nhất 4-5 triệu đồng. Căn phòng nhỏ này, tính cả tiền điện, nước cũng tốn đến 1,8 triệu đồng. Trước đây, khi còn khỏe, ngoài thời gian chạy thận, bà thường đi bán nước quanh khu vực bệnh viện Bạch Mai, nhưng vài năm trở lại đây, sức khỏe yếu đi nhiều nên không thể đi bán hàng thường xuyên được nữa. Mọi chi phí sinh hoạt đều do chồng, con ở quê gửi lên.
Mỗi tuần phải vào viện chạy thận 3 lần nên bà chỉ có thể về quê vào dịp Tết, ngày giỗ chạp, cưới hỏi. Sức khỏe yếu cộng với chi phí tiền tàu xe tốn kém nên bà cố nén nỗi nhớ gia đình để ở lại điều trị bệnh.
Dáng người nhỏ thó, cánh tay nổi rõ những đường ven chai sần sau mỗi lần lọc máu. 18 năm chung sống với bệnh tật là những tháng ngày bà Mai không biết đến lễ tết, quà cáp. Với bà, ngày lễ, tết cũng như những ngày bình thường khác. Vẫn là những sinh hoạt thường ngày, vẫn là những khoảng thời gian chạy thận đầy mệt mỏi.
Ngày 8/3 cũng vậy, phải sống xa gia đình, không nhận được sự quan tâm trực tiếp của chồng, con, thấy những người phụ nữ khác được nhận hoa, quà, bà thấy tủi thân lắm. Bà Mai nhớ lại, thời điểm chưa bị bệnh, ngày lễ Tết, ở quê, bà rất tích cực tham gia phong trào hát, múa ở phường, xóm cùng với các chị em. Sau này bị bệnh, phải xa gia đình chạy thận, nhiều khi thấy buồn, tủi và luôn nhớ về những ngày đã xa. Những lúc như vậy, bà luôn tự an ủi rằng, mỗi sáng thức dậy thấy mình còn mạnh khỏe, còn nhìn thấy ánh mặt trời đã là một niềm hạnh phúc rồi, mình vẫn còn hạnh phúc hơn hàng trăm ngàn mảnh đời bất hạnh ngoài kia.
Gạt những giọt nước mắt tuôn rơi vì xúc động, bà Mai kể: “Ngày 8/3 hàng năm, các con, cháu ở quê đều gọi điện chúc mừng và động viên mẹ. Mới đây, Tổ dân phố cũng tổ chức liên hoan và tặng quà cho chúng tôi. Chỉ cần như vậy là tôi đã vô cùng hạnh phúc rồi. Tôi chỉ mong có sức khỏe tốt để có thể tiếp tục điều trị bệnh và sống tiếp”.
Mỗi mảnh đời trong xóm chạy thận là một câu chuyện buồn. Chị Thùy Anh (quê ở Hải Dương) đã gắn bó với xóm trọ này 16 năm nay. Chị Thùy Anh kể, ngày trước, khi đi khám, được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh suy thận giai đoạn 4, chị đã rất sốc vì được biết, căn bệnh này sẽ đi theo mình suốt cả cuộc đời. U uất, chán nản, bi quan, tuyệt vọng là những cảm xúc đeo bám chị trong một thời gian dài.
Sau này, biết đến xóm chạy thận, chị đã chuyển đến đây để điều trị bệnh: “Chỉ những người cùng cảnh ngộ mới hiểu và thông cảm được cho nhau. Mọi người sống ở đây luôn đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Thêm vào đó, nơi đây gần bệnh viện Bạch Mai nên cũng tiện cho việc đi lại để điều trị”.
Bị mắc bệnh hiểm nghèo từ khi mới hơn 20 tuổi, chị phải gác lại mọi ước mơ dang dở để sống xa nhà và điều trị bệnh. Trong thời gian sống tại xóm trọ, chị đã gặp anh Nguyễn Văn Đắc (quê ở Nam Định), số phận đã đưa đẩy khiến 2 người cùng mang trong mình căn bệnh suy thận gặp nhau rồi cùng dựa vào nhau để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Sự đồng cảm, tình yêu thương đã tiếp thêm cho họ động lực để sống, điều trị bệnh và cùng hướng tới tương lai.
Cũng như bà Mai, các ngày lễ, tết đối với chị Thùy Anh là một điều gì đó rất xa xỉ, 1 bông hoa hay một món quà là điều mà chị không mấy khi mơ tưởng tới. Ngày Tết cũng như ngày thường, khi mà người người, nhà nhà đi chơi, tay trong tay đi dạo phố thì chị vẫn phải đều đặn 1 tuần 3 lần đến viện chạy thận, cần mẫn giành giật lại sự sống.
“Từ lâu rồi, tôi không có khái niệm hay kỷ niệm về ngày lễ, tết, ngày 8/3 cũng vậy. Ngày nào thức dậy thấy mình vẫn khỏe mạnh thì đó là điều hạnh phúc rồi. Mặc dù cuộc sống của mình gần như đi vào ngõ cụt, không tương lai nhưng tôi vẫn phải lạc quan để sống”, chị Thùy Anh nói.
Bệnh nhân ở xóm chạy thận thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, bệnh tật vốn không chừa một ai, nhưng tất cả họ đều có chung một điểm đó là sự lạc quan, yêu cuộc sống.
Chị Dương Thị Lan (sinh năm 1994, Bắc Giang) đã chạy thận được 7 năm và bị suy thận giai đoạn cuối. Phát hiện ra căn bệnh quái ác này khi tuổi đời còn rất trẻ, vượt qua bệnh tật, vượt qua nỗi đau, Lan luôn lạc quan có cái nhìn tích cực về mọi việc.
Một cô gái trẻ, lí lắc, luôn nở nụ cười thật tươi, Lan tâm sự, khi còn khỏe mạnh, em vẫn được tặng hoa, tặng quà vào ngày lễ, tết, đặc biệt là ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Tuy nhiên, khi đã mắc bệnh thì chỉ có các đoàn tình nguyện vào tặng quà và chúc mừng.
“Là phụ nữ, ai chẳng mong được hạnh phúc, có cuộc sống bình thường như bao người khác. Nhìn những người bình thường được đi đây đi đó, được tặng hoa tặng quà vào những ngày lễ như thế này, tôi cũng ao ước được như họ. Hôm nay là ngày 8/3 nhưng tôi vẫn phải đến bệnh viện chạy thận như mọi ngày. Dù cảm thấy rất buồn, nhưng lâu cũng thành quen, tôi đã thích nghi dần với nếp sống của người bệnh ở đây”, Lan nói.
“Được có mặt trên đời là một điều ý nghĩa”, đó là suy nghĩ, là tâm niệm của nhiều chị em phụ nữ ở xóm chạy thận. Khi được hỏi, các chị ước gì trong ngày 8/3? Tất cả đều ước có thêm sức khỏe để sống tiếp đoạn đời còn lại./.