Ngày giỗ ân nhân và nén nhang tưởng nhớ người hiến tim

VOV.VN- Sau khi được cứu sống vì được hiến tim, anh Đức lấy ngày 27 Tháng Giêng làm ngày giỗ ân nhân mình.

Một mùa Xuân mới đã về. Mỗi người bước sang một tuổi mới. Đó là lẽ tự nhiên nhưng với nhiều người, cái lẽ tự nhiên ấy cũng đầy chông gai, may rủi. Một trái tim khỏe mạnh, một nụ cười hạnh phúc - điều tưởng như giản dị đã trở thành niềm hạnh phúc lớn lao đối với những người vừa được ghép tim và ở lại trên cõi đời cùng mùa Xuân này.

Sự sống của họ được hồi sinh từ những tấm lòng cao cả hiến tạng và bàn tay nâng đỡ của người thầy thuốc. 

Gia đình anh Trần Mậu Đức luôn nhớ đến người đã cho mình quả tim.

Cứ mỗi độ Xuân về, anh Trần Mậu Đức ở đường Nguyễn Công Trứ, thành phố Huế, lại nhớ đến Mùa Xuân Tân Mão năm 2011. Mùa Xuân ấy, anh được ghép tạng, vượt qua cửa tử.

Cách đây 8 năm, anh Đức nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế với căn bệnh suy tim giai đoạn cuối. Hy vọng sống ngày một mong manh. Trong phòng đặc biệt chờ ghép tim, nhiều bệnh nhân lần lượt rời cõi tạm.

Giữa lúc tuyệt vọng, anh Đức nhận được thông báo có người hiến tặng anh quả tim. Và thật may mắn, chính bác sĩ Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế lúc bấy giờ trực tiếp thực hiện ca ghép tim cho anh. Bác sĩ Phú cho biết, đây là ca ghép tim với cơ hội sống - chết: 50-50.

Một ca phẫu thuật ghép tim cho bệnh nhân.

Thế nhưng, Đức vẫn có niềm tin mình sẽ được cứu sống. Sau 7 tiếng đồng hồ phẫu thuật, khoảng 3h sáng 2/3/2011 (tức ngày 28 Tháng Giêng), ca ghép tim đã thành công ngoài mong đợi.

Anh Trần Mậu Đức cho biết, kể từ năm đó, anh lấy ngày 27 Tháng Giêng làm ngày giỗ ân nhân mình. Và cũng từ ngày ấy, anh dõi tìm thông tin về người hiến tặng quả tim.

Mãi đến mùa Xuân năm 2015, anh Trần Mậu Đức mới tìm ra mộ phần của ân nhân tại nghĩa trang thành phố Huế và linh vị của người quá cố được thờ trong chùa Hiệu Quang. Anh Đức tâm sự, cứ đến ngày Rằm, mồng 1 hàng tháng và mỗi độ Xuân về, anh đều đưa vợ con đi viếng mộ, thắp nhang tưởng nhớ người đã cho anh sự sống hôm nay.

“Có lẽ mùa Xuân năm 2015 là mùa xuân đáng nhớ nhất đối với tôi. Hạnh phúc là vì tôi tìm được mồ mả của anh. Rồi tự tay tôi lên sửa sang lại mồ mả cho anh. Tâm niệm của tôi là cầu mong anh sao sớm siêu thoát. Tôi cũng nguyện là với trái tim của anh để lại cho tôi thì tôi cũng sẽ cố gắng sống sao cho cuộc đời mình đẹp, có ý nghĩa hơn”, anh Trần Mậu Đức chia sẻ.

Bệnh nhân ghép tim Trần Tuấn đã khỏe mạnh trở lại.

Sống đẹp để trả ơn cuộc đời. Đó cũng là tâm niệm của ông Trần Tuấn ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế và em Phạm Văn Cơ ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Đây là 2 trường hợp hồi sinh kỳ diệu từ những quả tim xuyên Việt.

Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, từ ca ghép tim đầu tiên đối với bệnh nhân Trần Mậu Đức vào năm 2011, đến nay, bệnh viện đã thực hiện 4 ca ghép tim cho những người suy tim giai đoạn cuối.

Năm 2018 được xem là năm đặc biệt thành công trong lĩnh vực ghép tạng của Bệnh viện Trung ương Huế. Chỉ chưa đầy 1 tháng, kể từ ngày 16/5 đến ngày 14/6, Bệnh viện này liên tiếp đưa 2 bệnh nhân vượt qua cửa tử sau 2 ca ghép tim xuyên Việt thành công, tạo nên kỳ tích trong ngành ghép tạng Việt Nam.

GS.TS Phạm Như Hiệp trực tiếp đưa quả tim vượt hơn 1.000 km từ Hà Nội vào Đà Nẵng bằng đường hàng không rồi đi xe ngược ra Huế để giành lấy sự sống cho bệnh nhân.

“Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai 2 ca ghép tim xuyên Việt, trong đó 1 trường hợp cũng rất đặc biệt là vì bệnh nhân 16 tuổi nhưng bị ngưng tim tổng cộng 3 lần và đường vận chuyển phải gần như gấp 3. Đặc biệt bệnh nhân Cơ có giai đoạn vô niệu khá dài và sau đó bệnh viện Trung ương Huế đã điều chỉnh thành công. Tôi cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi đem được bệnh nhân thoát qua được cửa tử. Mong chúng tôi sẽ cứu sống được nhiều bệnh nhân với các kỹ thuật cao hơn”, GS.TS Hiệp nói.

Trở lại với niềm vui ngày xuân của mẹ con Phạm Văn Cơ, tết này, thông qua Bệnh viện Trung ương Huế, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã giúp đỡ gia đình Cơ 200 triệu đồng. Bà Huỳnh Thị Ánh, mẹ của Phạm Văn Cơ ngậm ngùi khi nhắc lại tai họa liên tục ập xuống gia đình mình hơn 10 năm nay.

Chồng chết vì mắc bệnh ung thư, đứa con trai đầu cũng bỏ bà ra đi do bệnh giãn cơ tim khi mới 15 tuổi. Gia đình rơi vào cảnh nghèo túng, ngôi nhà cấp 4 xập xệ bị bão đánh sập. Nhiều cái Tết, mẹ con bà sống rày đây mai đó. Tưởng chừng nghiệt ngã đã buông tha gia đình mình. Nào ngờ, năm 2016, cháu Cơ bị suy tim giai đoạn cuối. Bà Ánh gần như suy sụp. Suốt mấy năm liền, cả nhà bà Huỳnh Thị Ánh không có một nụ cười xuân.

“Ba năm, khi trời tối, tôi nằm mà nước mắt tràn trên gối, ướt luôn. Nhìn đứa con thương đứt ruột, không chịu nổi. Năm nay thì vui rồi, cháu được tái sinh lần thứ hai”, bà Huỳnh Thị Ánh chia sẻ.

Bệnh nhân Phạm Văn Cơ sau khi ghép tim thành công tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Xuân mới đang về. Nụ cười hạnh phúc đã trở lại trên gương mặt của mẹ con Phạm Văn Cơ. Trước thềm năm mới, cả nhà quây quần bên nhau gói bánh, làm mứt, sửa soạn mâm cúng Tất niên. Phạm Văn Cơ khoe rằng, GS.TS Phạm Như Hiệp vừa nhận mình làm con nuôi. Gần 16 năm mồ côi cha, nay Cơ được cất tiếng gọi ba, lòng trào dâng niềm vui khó tả. Với em, Tết Kỷ Hợi thật đầm ấm và chan chứa yêu thương.

“Con rất vui khi được bác Hiệp đã cho con gọi bác bằng ba, vì hồi nhỏ đến giờ con chưa gọi được tiếng ba nào. Năm nay, con được ăn Tết thật là vui, lại có ba nữa”, Phạm Văn Cơ bày tỏ.

Một trái tim khỏe mạnh, một nụ cười ngày xuân tưởng rất đỗi giản dị nhưng đã trở thành niềm hạnh phúc lớn lao đối với các bệnh nhân được ghép tim và ở lại trên cõi đời cùng Mùa Xuân này. Những người vượt qua cửa tử như Trần Mậu Đức, Trần Tuấn, Phạm Văn Cơ thấu hiểu cuộc đời hôm nay còn có nhiều người “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình!”.../.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vượt qua cửa tử nhờ ghép tim "xuyên Việt"
Vượt qua cửa tử nhờ ghép tim "xuyên Việt"

VOV.VN - Những người suy tim giai đoạn cuối, sự sống mong manh tính từng giờ. Với họ, ghép tạng là giải pháp duy nhất vượt qua cửa tử. 

Vượt qua cửa tử nhờ ghép tim "xuyên Việt"

Vượt qua cửa tử nhờ ghép tim "xuyên Việt"

VOV.VN - Những người suy tim giai đoạn cuối, sự sống mong manh tính từng giờ. Với họ, ghép tạng là giải pháp duy nhất vượt qua cửa tử. 

Hành trình những ca ghép tim “xuyên Việt” ly kỳ
Hành trình những ca ghép tim “xuyên Việt” ly kỳ

VOV.VN -Thời quan qua, Bệnh viện TW Huế liên tục khẳng định trình độ chuyên môn qua những ca ghép tim xuyên Việt, tạo nên kỳ tích trong ngành ghép tạng Việt Nam

Hành trình những ca ghép tim “xuyên Việt” ly kỳ

Hành trình những ca ghép tim “xuyên Việt” ly kỳ

VOV.VN -Thời quan qua, Bệnh viện TW Huế liên tục khẳng định trình độ chuyên môn qua những ca ghép tim xuyên Việt, tạo nên kỳ tích trong ngành ghép tạng Việt Nam

Ghép tim cho trường hợp nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam
Ghép tim cho trường hợp nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam

VOV.VN - Bệnh nhân được ghép tim là N.T.H (10 tuổi). Đây cũng là trường hợp ghép tim nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam.

Ghép tim cho trường hợp nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam

Ghép tim cho trường hợp nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam

VOV.VN - Bệnh nhân được ghép tim là N.T.H (10 tuổi). Đây cũng là trường hợp ghép tim nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam.

Bệnh nhân ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam được xuất viện
Bệnh nhân ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam được xuất viện

VOV.VN - Bệnh nhi Nguyễn Thành Đạt, 10 tuổi, ở Sơn Tây (Hà Nội) người nhỏ tuổi nhất được ghép tim tại nước ta đã xuất viện.

Bệnh nhân ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam được xuất viện

Bệnh nhân ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam được xuất viện

VOV.VN - Bệnh nhi Nguyễn Thành Đạt, 10 tuổi, ở Sơn Tây (Hà Nội) người nhỏ tuổi nhất được ghép tim tại nước ta đã xuất viện.