Ngày hội của các dân tộc thiểu số xứ vải thiều

Hơn 150 đại biểu đại diện cho 98.000 đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lục Ngạn đã gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

>> Bắc Giang: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Lục Ngạn

Với những ánh mắt, nụ cười thân thiện cùng những cái bắt tay thật chặt, những lời chia sẻ chân thành, và sự hòa quyện rực rỡ các sắc màu của trang phục truyền thống các dân tộc, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Lục Ngạn được tổ chức tại thị trấn Chũ hôm nay (15/9) đã thực sự trở thành ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc trong huyện. Cùng chung vui với ngày hội của đồng bào DTTS huyện Lục Ngạn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc Giàng Seo Phử.

Thị trấn Chũ những ngày gần đây thêm rực rỡ bởi cờ và băng rôn chào mừng ngày hội lớn của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Lục Ngạn. Hôm nay, hơn 150 đại biểu đại diện cho 98.000 đồng bào DTTS huyện đã tụ hội về thị trấn để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Có nhiều đại biểu đã vượt hơn 70 km đường núi để về dự đại hội lần này, với mong muốn được gặp gỡ, học hỏi các đại biểu đến từ các địa phương khác.

Già làng Nguyễn Văn An (thôn Bèo, xã Giáp Sơn) chia sẻ: “Đại hội là dịp để đồng bào các dân tộc giao lưu, học hỏi, góp phần thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Đại hội cũng góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Đây cũng là dịp để bà con huyện miền núi chúng tôi bày tỏ nguyện vọng, mong muốn được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, hướng dẫn vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”…

Lục Ngạn là huyện miền núi với 397 thôn, bản, và 9 DTTS cùng sinh sống. Đồng bào các dân tộc trong huyện sống xen canh, xen cư với nhau, cùng đoàn kết trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, đến nay, đời sống của đồng bào các DTTS Lục Ngạn đã được cải thiện rõ rệt. Kinh tế vùng cao tăng trưởng khá, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất có hiệu quả, nhiều gương cá nhân làm kinh tế giỏi. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS liên tục giảm xuống (từ trên 80% năm 2000, giảm xuống còn 55,5% những tháng đầu năm 2009 theo chuẩn nghèo mới). 100% số xã vùng dân tộc có đường ô tô vào tới trung tâm, 100% số xã và 95% số hộ vùng cao đã được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 70% số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

Huyện Lục Ngạn đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc, định kỳ 1 năm từ cấp huyện, xã đều tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, thường xuyên mở hội thi hát dân ca, hội thi người mặc trang phục dân tộc đẹp… Toàn huyện đã có 119 làng, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn làng văn hóa cấp huyện, 44 làng văn hóa cấp tỉnh, 1 xã đạt chuẩn xã văn hóa. Công tác giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc của Lục Ngạn luôn được chú trọng, đầu tư. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, huyện này đã đầu tư xây dựng 255 công trình nhà lớp học, đưa tỷ lệ các phòng học được kiên cố hóa đạt trên 80%.

Các xã trong huyện cũng đã hoàn thành việc xóa mù và phổ cập giáo dục tiểu học. Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở các xã ĐBKK và xã có đông đồng bào dân tộc cũng luôn được chú trọng, số đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 là người dân tộc đạt 394/850 đại biểu.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng dân tộc cũng được quan tâm. 100% trạm y tế xã đã được xây kiên cố, 100% số thôn, bản có nhân viên y tế phục vụ,100% đồng bào các xã ĐBKK được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tình hình an ninh trật tự các xã nhìn chung ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng, chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử đánh giá: “Huyện Lục Ngạn là huyện đầu tiên trong 403 huyện trên toàn quốc đã chính thức khai mạc đại hội đại biểu các DTTS. Đại hội đã mang đến một không khí hào hùng, hạnh phúc cho các đại biểu tham dự. Đây là một mô hình tổ chức đại hội cấp huyện để ban chỉ đạo đại hội toàn quốc rút kinh nghiệp, phổ biến nhanh đến các địa phương khác”.

Bộ trưởng cũng đã góp ý về việc tổ chức đại hội, nên có thêm nhiều đại biểu là gương điển hình tiến tiến trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đồng thời sau đại hội nên tổ chức dạ hội mang bản sắc của mỗi dân tộc để đồng bào các dân tộc có thêm điều kiện giao lưu, trao đổi văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế. Từ đại hội lần này trở đi, thì đồng bào các dân tộc cần đoàn kết lại tạo thành sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Đối với riêng huyện Lục Ngạn, Bộ trưởng yêu cầu cần phải có chương trình riêng cho 13 xã nghèo nhất của huyện, và nên tổ chức cho đồng bào đi tham quan các mô hình làm kinh tế có hiệu quả, để đồng bào học hỏi, tự vươn lên thoát nghèo.

Tại đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã trao kỉ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các DTTS cho 154 đại biểu. Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cũng đã trao giấy khen cho 13 cá nhân và 12 tập thể đã có thành tích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc. Đại hội cũng đã thông qua chương trình thi đua của đại hội và danh sách các đại biểu đi tham dự đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Giang năm 2009.

Anh Nguyễn Văn Báo, dân tộc Sán Dìu, thôn Giành Cũ, xã Quý Sơn

Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Báo đã học hỏi, đầu tư theo mô hình kinh tế VAC. Cùng với phát triển cây vải theo hướng truyền thống, từ năm 2006, gia đình anh Báo đã đầu tư vào thả cá thịt và cá giống tại 5 ao của gia đình, và kết hợp nuôi 200 con lợn… chỉ sau 1 năm đầu tư, gia đình anh đã thu lãi được hơn 100 triệu đồng. Tiếp tục mở rộng quy mô phát triển kinh tế, gia đình anh thường xuyên duy trì được mức thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Anh Báo cũng động viên, hỗ trợ kinh nghiệm, cách thức đầu tư cho bà con trong thôn làm theo, hiện đã có gần 30 hộ khác trong thôn cũng đầu tư theo mô hình VAC của gia đình anh và cũng đã đạt được hiệu quả kinh tế cao.

Chị Vương Thị Nhợi, dân tộc Nùng, thôn Đồng Đèo, xã Kim Sơn

Là phó chủ tịch hội phụ nữ một xã đặc biệt khó khăn, chị Nhợi luôn tâm niệm “muốn thoát khỏi đói nghèo thì bà con mình phải sinh ít”, vì thế, chị tích cực tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình để bà con trong xã hiểu và thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Thời gian đầu, việc tuyên truyền của chị Nhợi gặp không ít khó khăn do bà con vẫn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, mong muốn có nhiều con trai. Hiểu được tâm lý của bà con, chị kiên trì tới từng nhà, gặp từng người để giảng giải, phân tích cho bà con hiểu được ý nghĩa của việc sinh ít. Nhờ vậy, một vài năm trở lại đây, ở Kim Sơn không còn hộ sinh con thứ ba. Bà con xã Kim Sơn tích cực sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Với người dân Kim Sơn, chị Nhợi là gương sáng trong mọi hoạt động phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên