Ngày Kỹ năng lao động: Nhắc nhớ nâng tầm thực chất nguồn nhân lực Việt Nam
VOV.VN - Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của người lao động; nỗ lực của khối doanh nghiệp hay hệ thống đào tạo-tuyển dụng lao động… Đó còn là câu chuyện của chính sách - tầm nhìn về nguồn nhân lực
Sau Quyết định 1486 của Thủ tướng Chính phủ, năm nay, lần đầu tiên, ngày 4/10 trở thành ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Tầm quan trọng của lao động có kỹ năng-trình độ cao với sự phát triển của đất nước một lần nữa được khẳng định – trở thành động lực to lớn đối với các bên liên quan trong hoạt động giúp nâng cao kỹ năng cho người lao động. Có một ngày lễ, một ngày kỷ niệm - để nhắc nhớ và tôn vinh - không khó. Vấn đề là sau động lực tinh thần này, các bên liên quan phối hợp triển khai những nhiệm vụ gì, hiệu quả thực chất tới đâu - vì mục tiêu, kỳ vọng Chính phủ đã đặt ra trong Quyết định quan trọng này?
Trước khi có sự kiện này, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 24 nhằm đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ mục tiêu: đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20. Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng yêu cầu thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực; Tăng cường gắn kết nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động dựa trên kỹ năng nghề... Nổi bật trong Chỉ thị là thông tin Thủ tướng giao Bộ Lao động Thương binh và xã hội xem xét, đề xuất “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam”. Không chỉ nhằm tôn vinh lực lượng lao động có tay nghề, có kỹ năng; Thủ tướng hy vọng đây là dịp nhắc nhớ cộng đồng một nhiệm vụ quan trọng: nâng tầm nguồn nhân lực Việt Nam, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phó Giáo sư.Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Giáo dục Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Đây là một vấn đề cần thiết trong nỗ lực thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực’: "Ngày kỹ năng là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay khi mà Đảng và Nhà nước đang coi nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược. Để thực hiện đột phá chiến lược này thì chúng ta cần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực. Chúng ta đã đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta những năm vùa qua có những bước phát triển rất là tốt, tuy nhiên, so với mặt bằng chung của khu vực và trên thế giới thì chất lượng còn rất đáng báo động và cần quan tâm. Chính vì thế việc có một ngày Kỹ năng lao động VN là sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay – trở thành ngày tôn vinh kỹ năng lao động VN, huy động nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của kỹ năng lao động, từ đó phát triển hơn nữa lao động kỹ năng này".
Và sau nhiều cân nhắc lựa chọn, ngày 4/10 hàng năm đã được quyết định trở thành Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và xã hội khẳng định, “Một quyết định mang tầm quốc gia không chỉ là động lực cho lực lượng lao động Việt Nam hay hệ thống giáo dục đào tạo-giáo dục nghề nghiệp, đây còn là thông điệp mạnh mẽ Chính phủ muốn khẳng định với thế giới – với các đối tác kinh tế quốc tế tiềm năng”:
"Với quy mô của lực lượng lao động đang ở gần 56 triệu, mới chỉ có trên 22 % là qua đào tạo, còn lại được coi là chưa qua đào tạo. Thế giới và các nhà đầu tư đang cho rằng chất lượng chúng ta không phải là ưu thế để họ đầu tư. Như vậy, quyết định của Thủ tướng Chính phủ là động lực và mục tiêu cho quá trình đào tạo, cũng công bố với thế giới rằng Việt Nam quyết tâm thu hút các bạn, các nhà đầu tư, và chúng tôi có những nguồn lực xứng đáng để vươn lên và cùng với thế giới phát triển. Ngoài ra, quyết định này ra đời là một thông điệp làm thay đổi tư duy tất cả các bên: doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy tuyển dụng dựa vào kỹ năng không còn dựa vào bằng cấp nữa. Việc này Thủ tướng đã chỉ đạo hơn 2 lần trước khi ban hành Chỉ thị 24 và Quyết định 1486 ngày hôm nay: “đề nghị từ nay từ bỏ tư duy tuyển dụng dựa vào bằng cấp mà phải dựa vào kỹ năng, như thế mới tìm được người tài giỏi. Muốn thế thì phải cùng thế giới phát triển đi lên, làm thay đổi, cải thiện quốc gia bằng sức mạnh của kỹ năng nghề” - đó là thông điệp ý nghĩa!", ông Trường nói.
Từ chỉ thị 24, đến Chỉ thị 37 Định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao, nay có thêm Quyết định 1486 của Thủ tướng Chính phủ, ngành giáo dục nói chung; ngành lao động, thương binh và xã hội – cơ quan chủ quản của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp – cái nôi đào tạo đa số nhân lực khối ngành sản xuất phục vụ phát triển kinh tế, đang có những nguồn động viên to lớn để thúc đẩy triển khai nhiều nhiệm vụ công tác. Quan trọng là các bên liên quan phối hợp triển khai như thế nào cho hiệu quả thực chất - vì mục tiêu, kỳ vọng Chính phủ đã đặt ra?
Tiến sĩ.Nhà giáo ưu tú Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng:"Bên cạnh sự cố gắng, quyết tâm của từng người lao động để thay đổi thái độ kỹ năng của mình để phù hợp với xu thế, đối phó với những thách thức trước mắt cũng như lâu dài. Với các cơ sở giáo dục như chúng tôi thì không ngừng nâng cao, đổi mới chương tình, cơ sở vật chất thiết bị, mô hình quản lý, gắn kết với doanh nghiệp. Trong các doanh nghiệp, cũng cần thường xuyên phối hợp với nhà trường để mà đáp ứng với sự thay đổi của xã hội, của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất của mình".
Trên thực tế, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của người lao động; không chỉ phụ thuộc nỗ lực của khối doanh nghiệp hay hệ thống đào tạo-tuyển dụng lao động… Đó còn là câu chuyện của chính sách - tầm nhìn về nguồn nhân lực nước nhà trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế; đó là tài năng vận hành hệ thống giáo dục nói chung, hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói riêng; Trên hết, cần xác định lấy kỹ năng lao động làm mục tiêu - chuẩn mực – làm thước đo hiệu quả đào tạo, thước đó tuyển dụng và sử dụng lao động…thì nguồn nhân lực Việt Nam mới có thể được cải thiện và nâng tầm thực chất. Đó là thông điệp đọng lại và được truyền đi, trong Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam lần thứ nhất - ngày 4/10/2020./.