Nghệ An còn nhiều “cái bẫy” sau khi doanh nghiệp ngừng khai thác mỏ
VOV.VN - Những "cái bẫy" chết người đó địa phương không thể nắm bắt được vì những vùng đó cỏ đã mọc dày khó phát hiện.
Trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam sáng 6/4 về trường hợp ngày 5/4, khi 1 nhóm người dân ở xã Châu Hồng (Quỳ Hợp, Nghệ An) đi vào khu vực quặng thiếc đã ngừng khai thác, không may bị sụt bùn, khiến 1 người tử vong, ông Lương Văn Long, Chủ tịch xã Châu Hồng cho biết, trên địa bàn còn nhiều điểm mỏ đã dừng khai thác và đều được ngành chức năng tỉnh Nghệ An chứng nhận đã hoàn thổ đúng quy trình và quy định. Tuy nhiên những điểm mỏ được cho là hoàn thổ ấy hiện vẫn còn là những cái bẫy chết người.
Một doanh nghiệp khai thác đá tại Quỳ Hợp. |
Sự việc xảy ra vào chiều 5/4, tại khu vực mỏ thiếc Thung Khoong, thuộc xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An khi một nhóm người cùng trú tại xã Châu Hồng đi qua khu vực này thì chị Lô Thị Huế, SN 1984, trú bản Poòng và chị Vi Thị Hương, trú bản Na Hiêng, bị tụt xuống hố bùn thải do Công ty khai thác thiếc để lại. Chị Hương may mắn được những người đi cùng kịp thời cứu thoát, nhưng chị Huế bị tụt sâu xuống vũng bùn và đã tử vong.
Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cứu hộ cứu nạn, đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường và bàn giao cho gia đình tổ chức mai táng theo phong tục địa phương. Theo ông Lương Văn Long, hiện các cơ quan chức năng đang điều tra và vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến việc người dân bị sụt xuống hố bùn tử vong.
Điều đáng nói, cũng tại xã Châu Hồng, cách đây gần 1 tháng (ngày 13/3), đã xảy ra vụ sập mỏ, khiến 3 người tử vong. Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, liệu ngành chức năng Nghệ An đã làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các doanh nghiệp về quy trình hoàn thổ hay không.
Về nguyên tắc, khi hoàn thổ, bàn giao đất cho địa phương thì doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về an toàn và môi trường, vì hiện nay người dân các khu vực đó đang thiếu trầm trọng đất sản xuất do doanh nghiệp khai thác đã khoanh vùng lãnh địa.
Theo ông Lương Văn Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, mặc dù đã hoàn thổ đúng quy trình nhưng những khu vực đó vẫn là những cái bẫy giết người mà địa phương không thể nắm bắt được vì những vùng đó cỏ đã mọc dày khó phát hiện.
“Đây là bãi bùn người ta thải và hoàn thổ lâu rồi, từ 2015, mọc cỏ rồi. Kiến nghị của địa phương mong rằng các cấp, các ngành quan tâm thêm về kinh phí để cho xã nhà làm tốt công tác kiểm tra và bảo vệ những khu, những điểm khi đã hoàn thổ giao đất cho bà con nhân dân”, ông Long nói.
Do khai thác tài nguyên khoáng sản, đầu nguồn sông Dinh bị cạn kiệt |
Dư luận đặt ra, liệu rồi sau những cái chết oan uổng của người dân thì trách nhiệm thuộc về ai và ai có liên quan? Ông Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An cho rằng, cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm khắc vụ việc, quy trách nhiệm đến cùng vì bên cạnh những vụ việc thương tâm được dư luận biết đến thì vẫn có những cái vụ chỉ giải quyết với nhau bằng thỏa thuận.
Trên địa bàn Quỳ Hợp, trước đây có năm cấp hàng trăm giấy phép khai thác tài nguyên; và không chỉ các công ty khai thác thiếc mà cả các công ty khai thác đá đã lấy đi tài nguyên khoáng sản. Và hậu quả là môi trường bị tàn phá, tiềm ẩn những nguy hiểm cho người dân địa phương. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?
“Quốc lộ 48, nhà nước bỏ ra hơn 6000 tỷ đồng để xây dựng con đường đó, nhưng mà vốn thu lại từ khai thác tài nguyên đó chẳng bù lại được bao nhiêu cả. Năm nào cao nhất là được 60 tỷ đồng thì như muối bỏ biển. Cuối cùng là đường xuống cấp, và đặc biệt khu diện tích đó gần 8000 ha, của vùng có tiềm năng chủ yếu là mỏ đá thì hầu như là nó tàn phá môi trường đó, làm cả con sông Dinh cạn kiệt vì nó không có nguồn nữa”, ông Trần Văn Hiền đề nghị./.
Đi mót quặng, một phụ nữ sụp trong vũng bùn thải thiệt mạng
Người dân ở Hạ Long, Cẩm Phả lo sạt lở, lũ bùn mùa mưa bão