Nghe “Đôi dép Bác Hồ” nhớ Văn An

Những ngày tháng 9 này, nghe bài hát “Đôi dép Bác Hồ”, lại nhớ đến Văn An - nhạc sĩ, chiến sĩ vừa ngừng nhịp tim ở tuổi 83

Năm 1982, các nhạc sĩ Văn An, Nguyễn An và tôi cùng về Hưng Nguyên (Nghệ An) để sáng tác. Ngồi trên xe, Văn An cứ bắt tôi hát Ví, hát Dặm Nghệ Tĩnh cho các anh nghe để “ngấm chất” vùng này, vừa để cho lái xe đỡ buồn ngủ. Hồi đó vợ tôi làm ở Đài Truyền hình Nghệ An. Đêm hôm ấy đến nơi, trong cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo huyện, nhạc sĩ Văn An “tuyên bố” một câu “xanh rờn”: “Hai ông An chúng tôi ngủ một phòng, riêng Dân Huyền cho về với vợ, ngày cuối nhớ đem trả bài sáng tác cho huyện”. Tất nhiên là tôi vui vẻ chấp hành nghiêm túc. Nhạc sĩ Văn An vốn là người tình cảm và tâm lý.

Sau chuyến đi ấy, 3 người chúng tôi viết 3 tác phẩm. Bài “Chiều Hưng Nguyên” của Văn An khá nhất vì đượm chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh. Trước đó, năm 1970, ông bảo tôi viết một ca khúc về bộ đội. Tôi viết xong hát cho ông nghe. Ông sửa cho tôi chữ chiến sĩ thay cho chữ lính (hồi đó không dùng chữ lính, vì dễ hiểu lầm lính thời xa xưa). Sửa xong ông bảo sẽ đưa cho tốp ca nam Đoàn văn công Tổng cục Chính trị hát. Chút tình ấy của nhạc sĩ Văn An với tôi cũng khó quên.

Nhạc sĩ Văn An tên đầy đủ là Nguyễn Văn An, sinh năm 1929, quê gốc ở thành phố Nam Định. Lớn lên và hoạt động đoàn thể ở Bắc Ninh. Nhờ có năng khiếu âm nhạc, năm 1946 khi vào bộ đội, ông được phụ trách công tác văn nghệ. Sau đó ông chuyển về Đoàn nhạc Công an thuộc Ty Tuyên truyền Bác Ninh. Tiếp đó là Đoàn văn công quân khu Việt Bắc. Ông tham gia các chiến dịch Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, Trung du. Năm 1954, ông về Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị rồi chuyển về Đoàn văn công 338. Từ năm 1958  cho đến khi nghỉ hưu, ông là Đại tá, phụ trách Chương trình Văn nghệ Quân đội của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), tham gia giảng dạy các lớp sáng tác ca khúc trong và ngoài quân đội.

Nghe ca khúc "Đôi dép Bác Hồ" và một số ca khúc khác của Nhạc sĩ Văn An
Đôi dép Bác Hồ
Thể hiện: Vũ Dậu

Nhịp cầu nối những bờ vui
Thể hiện: Kiều Hưng

Lá cờ Đảng
Thể hiện: Tốp ca nam nữ Nhà hát Đài TNVN

Đường lên Tây Bắc
Thể hiện: Thu Phương-Kiều Hưng và tốp nữ

Ấm tình quê Bác
Thể hiện: Hoàng Thu

Thái Văn A đứng đó
Thể hiện: Trung Kiên

Trên đường hạnh phúc
Thể hiện: Thu Phương-Thanh Hương

 

Có lần theo đề nghị của nhạc sĩ Lê Lôi, nhạc sĩ Văn An đã đến trao đổi kinh nghiệm viết bài hát với các biên tập viên của Ban Văn nghệ. Ông đi sâu vào việc sáng tác bài “Đôi dép Bác Hồ” (phổ thơ của Nam Yên). Ông kể lại:

“Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, những người hoạt động cách mạng ở rừng núi thiếu thốn nhiều bề nên Bác Hồ thực hành tiết kiệm đã đành, nhưng trong những năm về Hà Nội, đất nước đã bớt khó khăn, Bác vẫn giữ thói quen giản dị: Vẫn gắn bó với bộ kaki bạc màu, chiếc mũ nan bọc vải và đôi dép cao su như thời còn ở Việt Bắc.

Năm 1947, Bác được bộ đội ta tặng đôi dép cao su được làm từ lốp ôtô - chiến lợi phẩm từ xe quân sự của thực dân Pháp. Bác rất ưng ý bởi đôi dép vừa chân, mỗi lần đi công tác, Bác đều dùng đôi dép này. Có lần vừa xỏ quai xong, Bác nhìn đồng chí công vụ nói vui rằng: “Đây là đôi hài vạn dặm, đôi hài thần đất đi đâu mà chẳng được”. Đôi dép ấy sau này không chỉ theo Bác đi các nơi trong nước, mà khi ra nước ngoài, Người vẫn không quên.

Tôi ngồi vào đàn và chọn giai điệu. Để cho dễ hát, tôi chọn dạng nốt đen cho cả bài. Còn những nốt luyến chọn dạng hai móc đơn. Để nhấn mạnh cho nội dung bài hát, tôi đã cho nhắc lại hai lần những câu: “Bác đi từ ở chiến khu Bác về”, “Đều in dấu dép Bác về Bác ơi” và “Dấu dép Cha Già dẫn lối con đi”.

Phổ nhạc cho thể thơ Lục Bát (6/8) là rất khó, nên tôi cố gắng giữ cho đúng vần của thể thơ. Vì khó, nên tôi chọn cách viết theo thể 3 đoạn, sao cho gọn ghẽ, chặt chẽ để tăng sức truyền cảm. Riêng nốt chủ âm, đô tôi cố tình để vào chữ nhà ở giữa bài (trong sáng tác ca khúc, ít người để nốt chủ âm ở giữa, tôi phải để nó ở phách yếu, chưa gây cảm giác kết bài, mà còn phát triển giai điệu thêm nữa). Mấy từ i… ơ… mang hơi hướng hát Chèo, nhưng vẫn mang tính hiện đại của ca khúc. Tôi rất vui khi bài hát được thính giả đón nhận và hát nhiều trong các kỳ hội diễn…”.

Thơ và nhạc hòa quyện với nhau, đó là “bí quyết” riêng của nhạc sĩ Văn An. Ngoài “Đôi dép Bác Hồ” (thơ Nam Yên), ông còn có “Tiếng nói Hà Nội” (thơ Tân Trà), “Nhịp cầu nối những bờ vui” (thơ Phan Văn Từ), “Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương” (thơ Tạ Hữu Yên), rồi “Lá cờ Đảng”, “Thái Văn A đứng đó”, “Ấm tình quê Bác”, “Trên đường hạnh phúc”… Ông là một trong những nhạc sĩ đã được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2001.

Những ngày tháng 9 này, nghe bài hát “Đôi dép Bác Hồ”, chúng tôi lại nhớ đến Văn An - nhạc sĩ, chiến sĩ vừa ngừng nhịp tim ở tuổi 83. Một con người rất ân tình và duyên nợ với Đài TNVN, có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên