Nghẹn lòng trước mong ước của các bệnh nhi khoa ung bướu ngày giáp Tết
VOV.VN - “Con chỉ muốn về nhà” - là mong muốn của một bệnh nhi tại Khoa ung bướu, Bệnh viện Nhi TW. Cậu bé vô tư chưa hiểu gì về căn bệnh của mình.
Tết đến gần nhưng phía sau cánh cổng Bệnh viện Nhi Trung ương bầu không khí không khác so với thường ngày, vẫn là tiếng khóc quấy của các bệnh nhi, những canh cánh lo âu trong lòng của các bậc cha mẹ đang ở viện chăm con.
Hành lang bệnh viện đã xuất hiện những cây đào như cố gắng mang không khí Tết tới đây, vì chắc chắn sẽ có nhiều bệnh nhi, cùng bố mẹ và người thân phải ở lại viện dịp Tết này.
Cây đào đặt trong hành lang Bệnh viện Nhi TW. |
Bệnh nhi khoa ung bướu - Những mảnh đời bất hạnh
“Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ơi…” tiếng khóc, tiếng gọi mẹ vang dọc hành lang bên ngoài phòng cấp cứu tại Khoa ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương.
“Ừ, bố đây, con ngoan nào…” tiếng dỗ dành của anh Vũ Huy Hoàng (Thái Nguyên) với cậu con trai 3 tuổi rưỡi bị mắc u não. Đã gần 2 tháng nay, anh Hoàng túc trực bên con trai, trong khi đó, vợ anh ở quê lại mới sinh con được vài tuần. Anh chia sẻ, tháng 8/2018, cháu vẫn khỏe mạnh, ăn uống và đi học bình thường. Đột nhiên cháu kêu đau đầu và buồn nôn, đưa đi viện thì xác định bị u não.
“Bố đã trông con suốt hai 2 tháng qua và gần như chưa ra khỏi phòng cấp cứu này. Mình chăm không bằng mẹ nó chăm con, nhưng vì mẹ mới sinh em bé nên mình phải cố thôi”, anh Hoàng cho biết.
Anh Hoàng túc trực, chăm sóc cậu con trai suốt 2 tháng qua. |
Bế con trên tay không rời, anh cho biết cậu bé đã truyền hai đợt hóa chất và hiện không đi lại được, không nhìn được, dây truyền cắm 24/24 trên cánh tay nhỏ để truyền từ hóa chất đến kháng sinh…
“Cháu bị u liên phô, nằm viện được nửa tháng thì tiếp tục bị bạch cầu cấp. Cháu bị sốt cả nửa tháng nay và quấy khóc suốt ngày đêm. Cháu cũng đang bị lở hai mụn ở cổ họng, đau không ăn uống được, phải truyền đạm. Ở bệnh viện được 1 tuần thì khối u chèn lên dây thần kinh mắt khiến cháu không nhìn được. Những khi không quấy sốt cháu nằm ngoan trên giường và thi thoảng bố bế đi loanh quanh dọc hành lang”, vừa dỗ nựng con trai đang quấy khóc, anh Hoàng vừa chia sẻ.
Cạnh giường bệnh của bố con anh Hoàng là cậu bé Phạm Quang Nhật, 13 tuổi, bị bạch cầu cấp. Nhận thức và biết bệnh mình mắc phải, cậu bé cho biết thời điểm phát hiện bệnh là năm 2016. Sau nhiều đợt hóa trị, tóc của Quang Nhật đã bị rụng hết. Nhưng cậu bé luôn kiên cường để chống lại bệnh tật của mình.
Chị Nguyễn Thị Minh, mẹ của Quang Nhật cho biết, cậu bé phải nhập viện điều trị ảnh hưởng của đợt hóa chất trước: “Các bác sĩ hẹn cháu ngày 23/1 vào viện để truyền đợt hóa chất mạnh. Nhưng cháu bị chảy máu cam không cầm được, các chỉ số máu giảm xuống nên phải nhập viện ngay. Cháu bị sốt, mồm miệng lở hết và chưa thể truyền đợt hóa chất điều trị mới”.
Dù vậy, gương mặt Quang Nhật vẫn hoạt bát và không hề thiếu những nụ cười. Nằm trên giường bệnh xem lại các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại ASIAN Cup 2019, cậu bé tiết lộ cầu thủ yêu thích nhất của mình là Quang Hải: “Vì Quang Hải thuận chân trái giống cháu”.
Nhìn cậu con trai kiên cường trên giường bệnh, chị Minh không cầm được nước mắt nói: “Cháu vào khoa này và cháu cũng lớn nữa nên cháu cũng biết. Tôi là mẹ, tôi phải cố hơn và lạc quan để cháu cũng cảm thấy lạc quan hơn. Cháu thích đá bóng lắm. Lần trước khi được về nhà điều trị duy trì tạm thời, cháu vẫn đi học và trốn bố mẹ đi đá bóng với các bạn”.
Cậu bé Quang Nhật (trái) và cậu bé Tòng Bảo Ngọc (phải). |
Với trường hợp, Tòng Bảo Ngọc, 10 tuổi, người dân tộc Thái (Sơn La), mới nằm tại phòng cấp cứu Khoa ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương được vài ngày, cậu bé này có vẻ vô tư vô lo hơn. Cậu bé vẫn mải chơi điện thoại bên cạnh mẹ và không mấy quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh. Mẹ cậu bé cho biết, hai vợ chồng chị cùng chăm con tại viện và đang chờ kết quả khám: “Hy vọng cháu không sao để được về nhà”.
Theo TS. Bùi Ngọc Lan, Trưởng khoa ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa mỗi ngày đều tiếp nhận thêm các bệnh nhi: “Có trường hợp điều trị một vài ngày là về, có trường hợp phải ở lại viện. Dịp Tết này có những trường hợp có thể phải ở lại viện. Thường là các bệnh nhi đang nằm ở các phòng cấp cứu”.
Chuyện bà mẹ đơn thân giành giật sự sống cho con gái nuôi
Con gái của chị Nguyễn Thị Hà (Thái Nguyên) là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất tại phòng cấp cứu này. Cô bé mới chỉ gần 3 tháng tuổi, nhưng đã phải nằm viện gần 1 tháng nay.
Chị Hà nghẹn ngào chia sẻ, con gái bị u liên bào thần kinh, bị gan siêu vi và đang điều trị gan trước. Nhìn cô bé mới 3 tháng tuổi khóc gằn vì đau, sốt, tay liên tục khua vẫy giữa chằng chịt những ống dây truyền… ai cũng phải nghẹn lòng.
Xót xa hoàn cảnh trớ trêu của chị Hà và con gái nhỏ. |
Nghe chị Hà chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình và về cô con gái nhỏ, mọi người lại thêm phần xót xa vi hoàn cảnh trớ trêu, cùng cực của bà mẹ đơn thân này.
Bé là con nuôi… Vợ chồng chị Hà hiếm muộn và chữa chạy mãi không có con. Chị muốn nhận con nuôi lấy phúc đức để biết đâu anh chị sẽ có con. Nhưng anh lại không muốn vậy. Ngày chị nhận bé cũng là ngày anh chị ly hôn.
Chị Hà cứ nghĩ mình còn sức, còn nuôi được con. Chị xác định và sẵn sàng làm mẹ đơn thân với hy vọng tương lai màu hồng sẽ đến. Nhưng ông trời một lần nữa lại thử thách chị, khi con gái nuôi mắc bệnh hiểm nghèo.
“Tình yêu chị dành cho con hết. Chị dồn hết sức cho con. Chị nghĩ rằng khi con còn nhỏ chị sẽ cố gắng chăm con, con lớn hơn thì sẽ gửi bà. Lúc đó chị sẽ đi làm và sức chị sẽ đủ để nuôi hai mẹ con. Nhưng số phận chị lại trớ trêu vậy, chị cũng phải xác định, phải chăm sóc con đến cùng”, chị Hà nói trong nước mắt.
Chứng kiến đứa con gái còn quá nhỏ phải liên tục bị chọc kim vào người để lấy máu, lấy tủy để sinh tiết, chị lại khóc: “Bao nhiêu đau đớn con phải chịu, mà con thì còn bé quá! Con ngoan lắm, ăn ngoan lắm, nếu không bị bệnh thì con còn lớn hơn nhiều”.
“Con chỉ muốn về nhà”
Đó là câu nói rụt rè của cậu bé Tòng Bảo Ngọc, nhưng khi bố cậu bé quay lại với kết quả trên tay và gương mặt thất thần đã nói lên tất cả. Các ông bố bà mẹ khác chia sẻ với bố mẹ Bảo Ngọc những ánh mắt cảm thông.
Cùng ở hoàn cảnh mà không ai mong muốn, họ nương tựa vào nhau, hỗ trợ và động viên tinh thần nhau. Khi chị Hà phải bế con gái nhỏ trên tay cả ngày, chị Minh sẽ tới giúp pha sữa hay gọi giúp các bác sĩ khi cần…
Qua tìm hiểu, hầu hết gia đình các bệnh nhi đều là các trường hợp có trong danh sách nhận hỗ trợ của bệnh viện. Ngoài các khoản được Bảo hiếm Y tế chi trả, bệnh viện cũng hỗ trợ viện phí hoặc khi có các đoàn thiện nguyện tới, những trường hợp bệnh nhi này cũng được giới thiệu để nhận hỗ trợ.
Hàng ngày, người nhà bệnh nhi cũng nhận được các phần cơm từ thiện. Nhận cơm xong là để đấy thôi, chứ phải khi nào các con ăn xong hết, các con hết sốt, hết khóc ngủ yên giấc, bố mẹ mới yên tâm ăn cơm nhưng lúc đó cơm canh cũng đã nguội ngắt rồi.
Quang Nhật nhận được tặng một quả bóng đá - món quà từ các nhà hảo tâm mà PV VOV thay mặt trao tặng. |
Còn rất nhiều trường hợp bệnh nhi khác đang điều trị và mỗi trường hợp lại là một hoàn cảnh. |
“Các bố mẹ ở lại chăm các con, đôi khi cũng tếu táo để bớt đi bầu không khí nặng nề, để động viên chính bản thân mình và cả những đứa con nhỏ đang chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo”, chị Minh, mẹ của Quang Nhật cho biết.
Anh Vũ Huy Hoàng thì thường xuyên gọi điện về để báo với vợ tình hình cậu con trai, như “Hôm nay, tóc con bắt đầu rụng rồi”, “Con vừa được truyền thuốc hạ sốt nên bớt quấy khóc rồi”… Anh Hoàng hy vọng, con trai hết sốt và khỏe lên để có thể về nhà.
“Tình trạng của con là ngàn cân treo sợi tóc. Hoàn cảnh như vậy rồi, mình cũng đã xác định, biết được lúc nào nó ập đến đâu. Mình vẫn phải chăm con, phải vững tinh thần, chứ biết làm thế nào. Mình cũng mong Tết được về nhà, để còn được gặp em bé mới sinh ở nhà. Hai tháng nay không về nhà, không biết nhà cửa Tết nhất ra sao. Mình cũng có bà nội và bác thay phiên xuống chăm cháu đỡ. Nhưng cháu nó không theo ai, chỉ theo bố thôi”, anh Hoàng bùi ngùi nói./.