Nghị định 71: Chỉ xử phạt trường hợp sang nhượng quá 30 ngày
Phóng viên VOV phỏng vấn Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội
CSGT tuyên truyền Nghị định 71 đến người vi phạm. Ảnh: thanhnien |
Để làm rõ vấn đề này, Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội- Bộ Công an.
PV: Thưa ông, khi Nghị định 71 có hiệu lực, rất nhiều người dân băn khoăn về việc quy định xử phạt những người đi xe chưa sang tên, đổi chủ. Vậy theo ông điều này có được hiểu đúng theo tinh thần của Nghị định 71 không ?
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Nói rằng xử phạt những người đi xe không chính chủ là hiểu không đúng với tinh thần Nghị định 71 của Chính phủ.
Trong điểm C khoản 3; điểm C khoản 6 của điều 33 NĐ 71 quy định xử phạt hành vi không chuyển nhượng theo quy định. Quy định đăng ký trong thời gian 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua bán người chủ phương tiện phải làm thủ tục sang tên. Như vậy điều khoản này chỉ xử phạt những người trên 30 ngày không làm thủ tục chuyển nhượng. Ngay cả những người làm thủ tục chuyển nhượng nhưng chưa sang tên dưới 30 ngày thì không xử phạt. Với những người sử dụng xe là xe trong gia đình, xe đi mượn, xe hợp đồng, thuê xe thì không bị xử phạt.
PV: Vậy theo ông, việc thực hiện những quy định này có xâm phạm vào quyền sở hữu cũng như quyền chuyển nhượng của chủ sở hữu hay không?
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Tôi khẳng định quy định này không xâm phạm gì đến quyền sở hữu và quyền chuyển nhượng của người dân, việc thực hiện này đã được quy định ở nhiều Nghị định của Chính phủ và lần này chỉ nâng mức xử phạt cao hơn.
Đồng thời, việc thực hiện quy định này để giải quyết hai vấn đề, một là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, hai là đảm bảo quyền lợi, lợi ích của công dân, của chủ phương tiện.
Để đảm bảo triển khai thống nhất, ngày hôm qua, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính đã có công điện 141 gửi cho giám đốc công an các địa phương chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông khi phát hiện, xác định rõ xe có hành vi mua bán, mà chưa sang tên trên 30 ngày thì xử phạt theo Nghị định 71, nếu dưới 30 ngày thì chỉ nhắc nhở người điều khiển phương tiện.
Những trường hợp khác khi kiểm tra đăng ký xe, không đúng với chủ nếu người lái xe trình bày đi xe gia đình, xe đi mượn hay xe đi thuê thì chưa xử phạt hành vi này. Có nhiều thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nói người đi xe không chính chủ phải mang chứng minh, hộ khẩu và nhiều giấy tờ tùy thân khác thì hiện nay chưa có quy định nào như vậy.
PV: Theo ông, đâu là những khó khăn trong việc thực hiện quy định này và Bộ Công an có giải pháp nào để khuyến khích người dân thực hiện việc sang tên, đổi chủ theo đúng quy định của pháp luật?
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Vướng nhất hiện nay là lệ phí chuyển nhượng xe quá cao. Về vấn đề này Bộ Công an kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ cũng giao cho Bộ Tài chính chủ trì trong đó hướng sửa lệ phí chuyển nhượng thấp nhất để người dân thực hiện chuyển nhượng thuận lợi nhất. Tôi cho rằng giải pháp này là sát thực nhất và cũng là mong muốn của người dân. Mong rằng nhân dân đồng tình và chủ động trong mua bán phương tiện thì chủ động sang tên chuyển quyền sở hữu đúng tên mình để đảm bảo quyền sở hữu của mình và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông./!