Nghị lực của người đàn ông Êđê bị mù bẩm sinh
VOV.VN - Được đi học đã giúp ông hiểu về cuộc sống của những người cùng cảnh ngộ và lấy đó làm động lực phấn đấu nhiều hơn.
Bị mù bẩm sinh, gia đình nghèo khó, nhưng ông Y Côn Bkrông (dân tộc Ê Đê) ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực học chữ, học nghề để có công việc ổn định.
Cảm phục nghị lực phi thường và năng khiếu văn nghệ của ông, một người phụ nữ cùng buôn đã tự nguyện kết duyên để xây dựng hạnh phúc gia đình.
Ông Y Côn trong một lần đi biểu diễn văn nghệ. |
Cha mất sớm, gia đình chỉ còn mẹ già và người anh trai bị mù bẩm sinh lại đau ốm triền miên, nên từ khi còn trẻ, dù đôi mắt rất kém, ông Y Côn Bkrông (dân tộc Êđê) ở buôn Kla, xã Drai Sắp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã trở thành trụ cột trong gia đình.
Nhờ có năng khiếu âm nhạc, được cố nhạc sỹ Y Moan Ênuôl dạy về hợp âm, rồi Y Côn đã tự tìm tòi học được cách chơi đàn ghi ta, đàn cò, đàn ooc-gan, dương cầm, accordion. Người dân trong buôn rất ngưỡng mộ tiếng đàn, giọng hát của ông thông qua các dịp đám cưới, lễ tiệc.
Tuy nhiên, thu nhập từ nghề đàn hát không giúp Y Côn nuôi sống cả gia đình. Vì vậy, năm 2014, ông tham gia Hội người mù huyện Krông Ana và được học chữ nổi, học nghề xoa bóp. Mù lòa, không có vốn liếng mở tiệm, Y Côn đi mát-xa dạo để có thêm thu nhập.
Theo ông Y Côn, từ khi tham gia Hội người mù, cuộc sống của ông đã thay đổi rất nhiều. Biết chữ giúp ông hiểu về cuộc sống của những người cùng cảnh ngộ và lấy đó làm động lực phấn đấu nhiều hơn.
“Cuộc sống của tôi đã có những thay đổi lớn, chẳng hạn như bây giờ tôi được đi tham dự các cuộc họp ở tỉnh hội và tôi có thể tự viết báo cáo thành tích cá nhân, có thể tự làm kiếm ra tiền, có nhiều bạn bè và có thể phụ giúp kinh tế cho mẹ già”, ông Y Côn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội người mù huyện Krông Ana cho biết, ông Y Côn là người giàu nghị lực, chịu khó học hỏi và có tấm lòng nhân ái, được nhiều người dân trong buôn yêu quý, là tấm gương cho nhiều hội viên khác học tập.
“Ông Y Côn là một tấm gương chịu khó học hỏi. Được Hội chúng tôi tạo điều kiện, ông Y Côn đã đi học chữ. Về đối xử với mọi người, tôi thấy Y Côn luôn chia sẻ với những người khó khăn. Những người sáng mắt trong buôn cũng rất ca ngợi Y Côn, dù bị mù nhưng cũng giúp rất nhiều người trong buôn về tinh thần. Vừa rồi Y Côn đã học nghề xoa bóp chăm lo cho sức khỏe cộng đồng và đã giúp đỡ rất nhiều người”, ông Sơn cho biết.
Mù lòa, không có vốn liếng mở tiệm nên ông Y Côn thường đi xoa bóp dạo để kiếm thêm thu nhập. |
Có việc làm, có thu nhập, biết đọc và biết viết, niềm hạnh phúc càng nhân lên với ông Y Côn, khi ở vào tuổi ngoài 50, ông tìm được người bạn đời cùng phụ giúp việc chăm sóc mẹ già, anh trai và trở thành nơi nương tựa ở tuổi xế chiều.
Bà H Bơk H Đơk, người phụ nữ ở cùng buôn, cảm mến nghị lực và sự chân thành của ông Y Côn đã chấp nhận về chung một nhà để cùng xây tổ ấm. Bà H Bơk kể, quen biết ông Y Côn từ trước nhưng đến cuối năm ngoái, 2 người mới về chung nhà.
“Trước đây, tôi đã nhận thấy Y Côn là người tốt và hay giúp đỡ mọi người. Sau khi Y Côn được đi học chữ, học nghề, tôi càng cảm mến và ông cũng có tình cảm với tôi. Từ nay về sau, vợ chồng chúng tôi mong có được nơi ở ở ổn định và cũng mong chồng tôi có thể giúp đỡ các anh em bạn bè đến đến cùng học nghề”, bà H Bơk hạnh phúc chia sẻ.
Được sự kết nối của Hội người mù, năm 2018, Y Côn tham gia chương trình Thần tài gõ cửa của Đài PT-TH Vĩnh Long và nhận được khoản tiền hỗ trợ 43 triệu đồng. Ông đã dùng số tiền này mua sắm dụng cụ xoa bóp và thuê mặt bằng, mở tiệm ngay gần nhà, vừa có thể làm nghề vừa chăm sóc cho mẹ già và anh trai.
Chia sẻ về những dự định tương lai, ông Y Côn cho biết, điều ông mong mỏi nhất bây giờ là có đủ tiền xây dựng được một tiệm mát-xa gần nhà để vừa có nơi làm ăn ổn định, vừa sắm sửa lại đồ nghề đàn hát rồi dạy lại cho người có chung niềm đam mê âm nhạc.
Nhìn vào cuộc sống hiện tại của ông Y Côn có thể nhận thấy, ông luôn cố gắng để mỗi ngày trôi qua mình càng sống tốt hơn. Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại mượn tiếng đàn, tiếng hát để cảm thấy cuộc sống càng thêm ý nghĩa./.
Chàng trai Ê Đê khuyết tật khởi nghiệp thành công nghề làm chậu cảnh