Với khẩu hiệu: “Hành động nhỏ cho thay đổi lớn”, giờ trái đất tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ 20h30 đến 21h30 ngày 27/03, với sự tham gia của 18 tỉnh thành trên cả nước.
“Giờ trái đất” là một sự kiện quốc tế hàng năm, do Quĩ quốc tế bảo vệ thiên nhiên phát động. Để hưởng ứng giờ trái đất, tổ chức này kêu gọi các hộ gia đình, các tổ chức, các doanh nghiệp… tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong 1 giờ đồng hồ vào lúc 20h30 đến 21h30 (giờ địa phương) ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Mục đích là khuyến khích mọi người bằng hành động cụ thể của mình góp phần tiết kiệm năng lượng, qua đó làm giảm lượng khí thải dioxit carbon gây hiệu ứng nhà kính và góp phần chống lại tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng của toàn cầu. Năm nay là lần thứ 2 Việt Nam tham gia chiến dịch giờ trái đất. Và với một tiếng đồng hồ trong bóng tối, điều quan trọng là mỗi chúng ta sẽ nghĩ gì để hành động?
Theo các chuyên gia ngành điện, với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, nếu nhu cầu tiêu thụ điện của cả nước sẽ tăng mỗi năm khoảng 15% , thì sau 5 năm sản lượng điện đã phải tăng gấp đôi thì mới đáp ứng đủ nhu cầu. Với tốc độ tăng trưởng sản xuất điện như hiện nay thì tình trạng thiếu điện là hiển nhiên và sẽ không thể giải quyết được trong vòng một thập kỷ tới. Như vậy, một trong những biện pháp đối phó hiệu quả nhất, mặc dù không phải là tối ưu nhất, là tiết kiệm.
Từ câu chuyện về an ninh năng lượng quốc gia, chúng ta cũng cần nghĩ tới việc sử dụng như thế nào cho có hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên quốc gia, đặc biệt là khoáng sản. Khi thảo luận về Luật khoáng sản sửa đổi, nhiều đại biếu Quốc hội đã cảnh báo mạnh mẽ về việc cấp phép khai khoáng ồ ạt, tình trạng mua bán chạy trọt giấy phép khai khoáng đang diễn ra tuy âm thầm nhưng phổ biến. Trong giai đoạn từ năm 2004 đên 2008, đã có tới 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp ra, chủ yếu là từ cấp tỉnh. Nạn chảy máu nhiều loại quặng thô, than đá đã được công luận cảnh báo liên tục…
Đến nay, đã khẳng định được trữ lượng than nằm dưới đồng bằng sông Hồng là 210 tỷ tấn, có thể khai thác hàng trăm năm không hết. Trữ lượng boxit của Việt Nam là 11 tỉ tấn, còn titan là 600 triệu tấn. Theo Bộ Trưởng Tài nguyên –Môi trường Phạm Khôi Nguyên, chỉ riêng titan nếu bán thô cũng được hàng trăm tỉ USD, còn chế biến có thể bán tới hàng ngàn tỷ USD… Hiện nay, thu ngân sách từ khoáng sản mới bằng 3% GDP. Nếu quản lý hiệu quả hơn, nguồn thu này có thể ngang với dầu khí, tức là gấp 10 lần. Nói cách khác, nếu tài nguyên quốc gia được quản lý sử dụng chặt chẽ, hiệu quả thì chắc chắn sẽ mang lại nhiều năm thắp sáng hơn, nhiều năng lượng hơn cho tương lai của đất nước.
Dĩ nhiên hành vi của các nhà quản lý, những hoạch định chính sách, người lãnh đạo các tổ chức lớn, các tập đoàn hàng đầu… khi thực thi quyền lực của mình sẽ có tác động lớn hơn nhiều hành vi tắt một ngọn điện của những người dân bình thường. Nếu họ là những người đi đầu trong tiết kiệm năng lượng hay tài nguyên quốc gia, hành động của họ sẽ có sức lan tỏa rất lớn.
Xét ở phạm vi toàn cầu, để ngăn chặn biến đổi khí hậu có hiệu quả thì các nước lớn đóng vai trò then chốt. Chính các quốc gia được gọi là công xưởng của thế giới hay các nước cực giàu là những nguồn thải dioxit carbon carbon lớn nhất. Điều đáng buồn là các trụ cột của thế giới lại chưa thống nhất được với nhau về định mức cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong khi mà nguy cơ biến đổi khí hậu đã hiện hữu với toàn cầu. Tự nhiên là một ngôi nhà mà cả thế giới đều cùng nhau nương náu, nếu không có sự hợp tác và đồng thuận thì làm sao có thể bảo vệ được ngôi nhà chung ấy. Điều đó cũng đặc biệt cần thiết ngay trong thái độ cư xử của các quốc gia cùng sống trên một dòng sông. Tháng 10/2009, nội các Maldives đã chọn cách họp dưới nước để gửi đến thế giới tiếng kêu cứu của một dân tộc có thể không còn tổ quốc do nguy cơ bị nước biển nhấn chìm. Tổng thống Maldives khi đó đã nói: "Nếu chúng tôi có thể bị chìm thì điều đó cũng có thể xảy ra với phần còn lại của thế giới"!
Ý tưởng về giờ trái đất bắt đầu được thực hiện từ năm 2007 ở Sydney (Australia), lúc ấy, số người tham gia chỉ có 2 triệu người. Cho đến thời điểm hiện tại, 92 quốc gia đã chính thức đăng kí tham gia. Thông điệp khẩn thiết của giờ trái đất đã lan tỏa đên gần 1 tỷ người khắp hành tinh. Với khẩu hiệu: “Hành động nhỏ cho thay đổi lớn”, giờ trái đất tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ 20h30 đến 21h30 ngày 27/03, với sự tham gia của 18 tỉnh thành trên cả nước.
Nên nhớ rằng, với phần lớn những gia đình nghèo ở nông thôn, kể cả không có chiến dịch giờ trái đất, họ đã phải thường xuyên tắt điện vào lúc 20h30 hoặc thắp những ngọn đèn tiết kiệm năng lượng chỉ sáng hơn những con đom đóm một chút. Lý do rất đơn giản, ánh sáng có thể ăn lạm vào bát cơm hàng ngày của gia đình họ. Trong bóng tối của giờ trái đất, thực tế này là thông điệp nhắc nhở những người khá giàu trong xã hội, đặc biệt là những nhà lãnh đạo, quản lý cần suy nghĩ sáng hơn, để hành động thiết thực và quyết tâm hơn./.