Nghịch lý đăng kiểm: Chỉ nên coi đăng kiểm là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện
VOV.VN - Với tất cả những bất hợp lý trong công tác đăng kiểm hiện nay, Bộ GTVT cần chỉ đao Cục Đăng kiểm Việt Nam trình phương án sửa đổi ngay cho phù hợp, bên cạnh đó là “cắt cành để cứu cây”, kiên quyết loại bỏ những cán bộ biến chất để có 1 ngành đăng kiểm trong sạch, hiện đại…
Cần tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và dịch vụ đăng kiểm
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Vân-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, ông ủng hộ tách dịch vụ đăng kiểm ra khỏi mối liên hệ với cơ quan quản lý Nhà nước. Vì hiện nay, ranh giới phân tuyến quản lý và kiểm soát trong lĩnh vực đăng kiểm: giữa một bên là khu vực công, một bên là khu vực tư nhân còn mập mờ.
"Theo tôi, nên tách dịch vụ đăng kiểm ra khỏi mối liên hệ với cơ quan quản lý Nhà nước. Có nghĩa là Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ nên kiểm soát hành vi và vấn đề tuân thủ pháp luật đối với các trung tâm và hoạt động đăng kiểm. Trong bối cảnh năng lực quản lý bằng pháp luật, bằng thực tiễn hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đăng kiểm còn nhiều hạn chế, tiêu cực nên mới có hiện tượng móc ngoặc, cấu kết với nhau để "móc túi" người dân thông qua nhiều thủ tục”, ông Vân nói.
Theo ông Lê Thanh Vân, cần phải nhìn nhận những sai phạm trong hoạt động đăng kiểm trong thời gian qua là một bài học sâu sắc. Trên cơ sở đó, cần đánh giá lại việc phân công sao cho hợp lý trong quản lý nhà nước về hoạt động đăng kiểm.
Còn theo các chuyên gia về giao thông, việc tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và dịch vụ đăng kiểm là cần thiết và minh bạch. Đăng kiểm là một dịch vụ kỹ thuật nó cũng như các ngành nghề kinh tế kỹ thuật khác mà Nhà nước không nên ôm vào làm mà chỉ nên quản lý nó thông qua các quy định của pháp luật.
Khi xác định đăng kiểm là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì Nhà nước sẽ xây dựng các khung pháp lý để quản lý như bao ngành nghề khác đã giao tư nhân làm: giám định, định giá, công chứng...
Việc tách chức năng sẽ tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không khách quan, làm không tròn vai dễ dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực và cả rủi ro cho người làm công tác đăng kiểm. Khi ở vai quản lý Nhà nước thì Cục đăng kiểm chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, tức là sẽ chỉ đăng kiểm dựa trên các quy phạm, tiêu chuẩn do chính cơ quan này ban hành. Nhưng các quy chuẩn, tiêu chuẩn do cơ quan này ban hành luôn lạc hậu so với thực tế và không dễ gì sửa đổi do nó được ban hành bằng một văn bản pháp luật.
Nếu chỉ thuần túy cung cấp dịch vụ đăng kiểm thì cơ quan đăng kiểm sẽ được làm những gì pháp luật không cấm, điều này sẽ giúp cơ quan đăng kiểm có thể chủ động cập nhật, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo thuận lợi cho việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để phát triển phương tiện giao thông ngày một tốt hơn.
Ngoài ra, việc tách chức năng là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Vì trong mô hình phổ biến hiện nay của các nước trên thế giới là nhà nước chỉ đưa ra các quy định của pháp luật còn hoạt động đăng kiểm là do các tổ chức đăng kiểm (có thể tổ chức Nhà nước và cũng có thể là tổ chức tư nhân), họ sống được là nhờ chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng và phải chịu trách nhiệm pháp lý về dịch vụ do mình cung cấp, họ song hành cùng doanh nghiệp.
Việc tách chức năng sẽ giúp phát triển ngành dịch vụ đăng kiểm và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng sẽ giúp các tổ chức đăng kiểm trong nước phải đổi mới tư duy, nâng cao năng lực trình độ đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tề về dịch vụ đăng kiểm.
Tiêu chuẩn đăng kiểm phương tiện thủy Việt Nam đã quá lỗi thời
Ông Đỗ Thái Bình-Chủ tịch Hiệp hội đóng tàu Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do AFTA với Liên minh châu Âu, trong khi gần như tất cả các ngành nghề đều phải được chứng nhận bởi CE để có thể đưa sản phẩm của mình vào thị trường châu Âu, thì những sản phẩm với hàm lượng công nghệ cao như du thuyền của châu Âu có chứng chỉ CE lại không được chấp nhận tại Việt Nam.
Trở ngại lớn nhất chính là sự khác biệt giữa tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn châu Âu. Những bộ tiêu chuẩn hiện chúng ta đang áp dụng tại Việt Nam đã khá lỗi thời (Ví dụ như bộ Quy chuẩn 81 vốn được tham khảo từ Bộ tiêu chuẩn cũ của Nga).
“Đăng kiểm đúng là chuyên ngành, đặc biệt là đăng kiểm hàng hải. Tuy nhiên, theo tôi nó cũng như đăng kiểm phương tiện trên bộ, gắn liền dân sinh, gắn liền với cuộc sống của các doanh nghiệp. Chúng ta là quốc gia biển, nên nói ít người quan tâm cũng chưa hẳn là đúng.
Ở các nước quanh ta, đăng kiểm luôn là 1 tổ chức phi chính phủ hoạt động độc lập, nói đúng hơn là 1 đơn vị cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên ở Niệt Nam lại rất đặc thù khi Cơ quan đăng kiểm kiêm luôn cả 2 chức năng: vừa quản lý Nhà nước, vừa làm dịch vụ, đó là sự khác biệt rất lớn”, ông Bình phân tích.
Chủ tịch Hiệp hội đóng tàu Việt Nam cho biết, qua quá trình làm việc ông nhận thấy các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm của ta vẫn còn khá lạc hậu và chưa cập nhật để theo kịp với sự phát triển của thế giới. Rất nhiều các tiêu chuẩn, quy chuẩn đang áp dụng cho việc đăng kiểm tàu thuyền đã lạc hậu nhưng không được bổ sung, cập nhật gây nhiều rủi ro cho chính những người làm đăng kiểm khi họ làm cũng sai, không làm cũng sai.
“Chính điều này dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp đóng mới tàu thuyền có ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhưng lại chưa cập nhật trong quy chuẩn đăng kiểm hoặc là các tàu thuyền nhập khẩu từ các nước EU/G7 cũng đang bị vướng mắc về đăng kiểm.
Khi ở vai trò cung cấp dịch vụ đăng kiểm, lẽ ra Cục đăng kiểm phải song hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy sản xuất nhưng VR lại không quan tâm doanh nghiệp khó khăn gì, đóng nhiều tàu hay ít tàu cũng không ảnh hưởng đến VR. Điều này hoàn toàn khác với các hãng đăng kiểm nước ngoài”, ông Bình nói.
“Việt Nam đã gia nhập AFTA, nên cần phải tôn trọng các điều khoản hợp tác, mà trước nhất là công nhận Chứng chỉ CE cho tất cả các phương tiện nhập khẩu vào Việt Nam, tránh việc thực hiện những công việc thừa và không cần thiết gây tốn kém nguồn lực xã hội và thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng (vẽ lại cái đã có sẵn và duyệt trên cơ sở bản vẽ lại). Do đó đăng kiểm cần phải thay đổi cho phù hợp xu thế”, ông Bình kiến nghị.
Và cuối cùng, để đăng kiểm loại bỏ được những bất cập thời gian qua, thì yếu tố con người là then chốt. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhiều lần nhấn mạnh sự cố “rất nghiêm trọng”, “đau xót” khi nhiều cán bộ của cục từ cục trưởng, trưởng phòng đến các cán bộ trung tâm đăng kiểm bị tạm giam, khởi tố. Và Bộ trưởng khẳng định: “Dứt khoát đã thoái hóa biến chất đến mức này phải làm đến tận cùng, kể cả phải thay 100% cán bộ đăng kiểm thì vẫn phải làm”./.