Nghịch lý hồ điều hòa ở trung tâm thành phố Hạ Long
VOV.VN - Cứ ngỡ hồ điều hòa phải là nơi tạo cảnh quan, môi trường trong lành nhưng thực tế tình trạng ô nhiễm đang là vấn đề đáng bàn.
Ngay dưới chân cầu Bãi Cháy - cửa ngõ vào trung tâm thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là hồ điều hòa Yết Kiêu. Cứ ngỡ hồ điều hòa phải là nơi tạo cảnh quan, môi trường sinh thái trong lành nhưng thực tế hiện nay, tình trạng ô nhiễm ở đây đang là điều bận tâm của người dân địa phương và du khách khi đến với Hạ Long.
“Gia đình chúng tôi đến đây từ năm 2000, nước trong xanh, cá biển vào đây rất nhiều. Nó đẹp nên tôi mua đất làm nhà cửa ở đây. Thế nhưng, khi cái hồ này được xây lại, nó không phải hồ sinh thái và bị ô nhiễm hơn. Điều này rất khổ đối với dân vì nó lụt lội và ô nhiễm hơn xưa”.
Một người dân khác nói: “Bắt đầu bước vào con đường này là mọi người cảm thấy sợ vì mùi ô nhiễm của nó. Họ gọi hồ điều hòa này là hồ có mùi”.
Đó là những phản ánh của người dân phường Yết Kiêu thành phố Hạ Long, Quảng Ninh về sự ô nhiễm của hồ điều hòa Yết Kiêu nằm ngay cửa ngõ thành phố du lịch. Nhằm chống úng lụt cho các phường trung tâm thành phố Hạ Long vào mùa mưa bão và làm đẹp cảnh quan đô thị, năm 2009, thành phố Hạ Long đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp hồ điều hoà và hệ thống tiêu thoát nước phường Yết Kiêu. Dự án có tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng với nhiều hạng mục, trong đó trạm bơm của hồ điều hòa được đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Năm 2012 dự án được hoàn thành, người dân nơi đây phấn khởi vì đã có hồ điều hòa sạch, đẹp.
Trạm bơm và cống nước điều hoà nước ra vào trong hồ ô nhiễm nặng |
Vui chưa được bao lâu bỗng trở thành nỗi thất vọng. Đã 3 năm nay, người dân phải chung sống với mùi hôi thối mỗi khi trời nắng, ngập lụt rác rưởi khi trời mưa. Người dân ở đây cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến ngập lụt và ô nhiễm là cánh phai phía trước của trạm bơm, nơi điều tiết lượng nước ra vào hồ bị chết đứng một chỗ, chưa bao giờ thấy nó hoạt động. Cánh phai này có tác dụng ngăn không cho nước thải chảy vào hồ điều hòa và khi trời không mưa, cánh phai sẽ được hạ xuống để giữ một lượng nước nhất định trong hồ, tránh ô nhiễm. Tuy nhiên do không được nâng lên, hạ xuống đúng thời điểm, nên lượng nước thải cứ “tung tăng” chảy ngược vào hồ làm bồi lắng một phần lớn đáy hồ, bốc mùi hôi thối.
Người dân còn cho biết thêm, hệ thống cống chạy quanh hồ điều hòa là nơi thu nước thải của 2 phường Yết Kiêu và Trần Hưng Đạo, đặc biệt là lượng nước thải của chợ Hạ Long 2, nơi buôn bán của hàng trăm hộ kinh doanh cũng đổ về nút thắt cổ chai này. Những hôm lượng nước thải lớn, lại chảy ngược vào hồ điều hòa, khiến nơi đây như chiếc ao tù. Mỗi khi thời tiết nắng nóng, mùi hôi thối càng trở lên nồng nặc, các hộ dân sống xung quanh hồ thường phải đóng của im ỉm.
Nắng lên hôi thối, còn khi trời mưa người dân lại khổ sở vì ngập lụt, có gia đình ngập sâu tới 1m đến 1,5m nước, làm hư hỏng nhiều tài sản của gia đình.
Ông Đàm Sỹ Tuấn số nhà 148 tổ 5 khu 4 phường Yết Kiêu cho biết: “Mùi rất hôi thối, cứ mưa là lụt. Mưa chỉ khoảng 15 đến 20 phút là chúng tôi bị lụt".
Theo thiết kế hồ điều hòa có trạm bơm cưỡng bức với 3 hệ thống máy bơm công suất 160KW, tiêu thoát nước 3.000 m3 nước/h. Nhưng, trạm biến áp cấp cho 3 trạm bơm không đủ tải trong suốt thời gian dài. Chỉ đến khi người dân nơi đây chịu cảnh lụt lội, thành phố Hạ Long mới đầu tư thêm trạm biến áp để cung cấp điện riêng cho trạm bơm. Tuy nhiên trận mưa kéo dài nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trạm bơm cũng chỉ hoạt động được 2 tiếng, sau đó “nghỉ” do bị mất điện lưới.
Ông Lê Văn Nghiệp người dân sống ngay sát hồ điều hòa nói: “Ba cái bơm hoạt động công suất chưa được được đến 30%, không hút được nước. Trong số 3 cái bơm chỉ có 1 cái hoạt động, số còn lại là không có tác dụng”.
Ngày trước, nơi đây được gọi là khu 5 cống, do đặc thù địa hình có 5 cống thoát nước ra biển. Song dự án cải tạo nâng cấp hồ điều hòa Yết Kiêu đã thu hẹp, chỉ còn 1 tuyến cống chính với 5 cửa cống. 5 cánh phai ở 5 cửa cống này đều hoạt động thủ công, phải dùng sức người để nâng hoặc hạ…
Ông Nguyễn Xuân Tấn người làm nhiệm vụ vận hành cống cho biết: “Tôi thấy nó quá thủ công, khi quay rất mệt. Như sức tôi quay cỡ độ một tiếng lên thì mới được nửa cánh này. Khi nước lên tôi lại hạ xuống, rất mệt. Tôi cũng kiến nghị rất nhiều nhưng mà…”
Ông Vũ Tiến Thanh, người dân sống xung quanh hồ cho biết: “Mưa khoảng 1 tiếng, bắt đầu lụt mới thấy người đến quay cống. Lúc đó nước trong nhà ngập đến thắt lưng, đồ đạc nổi lèo phèo. Chúng tôi yêu cầu phải xuống thực tế cho dân ở đây đỡ khổ, dân khổ lâu lắm”.
Không tính trận mưa “bất thường” kéo dài hơn 10 ngày qua tại Quảng Ninh, trung bình mỗi năm người dân phải chịu cảnh lụt lội khoảng 3 lần làm hư hỏng tài sản của các hộ dân. Không chỉ ngập sâu trong nước, rác từ nhiều nơi ùn ùn đổ về, khiến nơi đây trở thành rốn đón hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt, rác thải y tế từ túi bóng, chai nước, ống tiêm,...trôi nổi trên mặt hồ và dạt vào nhà dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vị trí hồ điều hoà và khu dân cư liền kề thấp hơn mực nước thuỷ triều đỉnh khoảng 80cm. Nhiều gia đình đã chủ động nâng cốt nền, sơ tán đồ đạc chuẩn bị tâm thế khi trời mưa hay đắp bao cát làm đê chắn nước trước nhà. Song cũng không thể tránh khỏi những lúc đêm khuya mưa lớn, nước thủy triều dâng cao, ngăn nước phía trước thì “bà thủy” lại dâng lên từ phía sau qua hệ thống thoát nước sàn. Cực chẳng đã, người dân xung quanh hồ đã kiến nghị thực trạng này việc trong các buổi tiếp xúc cử tri, sinh hoạt chi bộ thậm chí đã làm đơn kiến nghị gửi lên cấp có thẩm quyền, song gần ấy thời gian trôi qua nắng mưa vẫn là việc của giời, đơn thư của người dân vẫn chưa được hồi âm. Người dân Yết Kiêu đành chấp nhận sống chung với lũ./.