Nghịch lý: Thiếu lái xe, nhưng nhiều tài xế bằng E vẫn phải "hưu non"

VOV.VN - Theo quy định, lái xe hạng E tới tuổi 55 sẽ bị hạ bằng, chỉ được điều khiển xe dưới 30 chỗ. Điều này khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách thiếu lái xe trầm trọng, với doanh nghiệp xe buýt lại càng khó hơn.

Đặc biệt, với đội ngũ tài xế, khi đến tuổi hạ bằng, không phải doanh nghiệp nào cũng có phương tiện để bố trí công việc phù hợp, khiến họ phải chuyển công việc khác, gây thiệt thòi cho người lao động vì chưa đến tuổi nghỉ hưu.

Gắn bó với công việc lái xe buýt gần 20 năm, anh Phùng Văn Thận, ở Thường Tín, Hà Nội – tài xế Xí nghiệp Xe điện Hà Nội phải ngậm ngùi chuyển sang tuyến mới, với phương tiện nhỏ hơn khi bước sang tuổi 55.

Với quy định “hạ bằng” khi bước sang tuổi 55, anh Thận vẫn còn may mắn được gắn bó với việc lái xe buýt, khi doanh nghiệp có sẵn tuyến buýt cỡ nhỏ, dưới 30 chỗ, trong khi nhiều đồng nghiệp phải chuyển sang bán vé hoặc sửa chữa máy móc:

- "Sức khỏe của mình vẫn có thể lái được xe 80 chỗ. Như xe buýt bọn tôi là 80 chỗ đấy".

- "Hạ bằng xuống như thế anh có thấy lãng phí không?"

- "Quá lãng phí".

Ông Phạm Quang Cường, Phó giám đốc Công ty TNHH Bảo Yến – đơn vị đang vận hành khai thác một số tuyến buýt CNG cũng cho biết, trong số gần 800 tài xế của đơn vị, mỗi năm cũng có khoảng 40 tài xế bằng E đến tuổi hạ bằng. Đây là thiệt thòi lớn cho cả doanh nghiệp vận tải và tài xế.

Tuy vậy, do đặc thù doanh nghiệp kinh doanh nhiều loại phương tiện, nên các tài xế tuổi trẻ, có bằng D được bố trí lái xe cỡ nhỏ, để dần dần thi lấy bằng E và luân chuyển vị trí với tài xế bằng E đến tuối hạ bằng.

"Hiện tại mới đưa vào hoạt động từ năm 2019 nên mới có công tác luân chuyển như vậy, còn trước đấy, lực lượng lao động đấy xong là họ phải rút bảo hiểm, đi tìm công việc mới hoặc chuyển đơn vị. Dù rằng họ cũng rất muốn gắn bó để đóng bảo hiểm ở công ty cho đến kết thúc tuổi lao động, nhưng đơn vị cũng không thể bố trí công tác khác được. Một số người không tìm được công việc lại phải chuyển sang bán vé", ông Cường cho biết.

Ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn - Hải Vân cũng cho biết, với số tài xế bằng E đến tuổi hạ bằng, doanh nghiệp buộc phải bố trí sang lái phương tiện trung chuyển hoặc dịch vụ kỹ thuật, hành chính: "Ở tuổi 55 họ hoàn toàn vẫn điều khiển phương tiện được, đặc biệt với những tài xế như thế họ có kinh nghiệm rất lâu năm chứ không có ông nào 50 tuổi đi thi bằng E cả. Người ta làm bao nhiêu năm mà đến độ tuối đó vẫn còn lái thoải mái, nhưng thật ra ở độ tuổi 60 thì đẹp".

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc trung tâm Quản lý giao thông công công Hà Nội cũng cho rằng, Hà Nội đang đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới, nhu cầu lái xe hạng D, hạng E rất lớn. Ngoài ra, với độ tuổi này, tay nghề và kinh nghiệm lái xe thường rất vững vàng nên việc nới tuổi lao động với lái xe là rất cần thiết.

"Do đầu vào, một là lái xe hạng D, hạng E rất ít, đặc biệt là lái xe hạng E, luật pháp quy định lái xe trên 30 chỗ chỉ được lái xe đến 55 tuổi với nam, 50 tuổi với nữ. Qua thực tế thấy rằng những lái xe hạng D, hạng E một là họ có kinh nghiệm, có phản xạ nghề nghiệp tốt, và thự tế cho thấy sức khỏe vẫn đảm bảo, nếu chúng ta không sử dụng hết các nguồn lực này thì rất lãng phí", ông Hải cho biết.

Đồng tình quan điểm này, ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vận tải phục hồi sau covid, nhu cầu tài xế tăng lên, việc phải hạ bằng đối với tài xế hạng E khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách thiếu tài xế. Thêm vào đó, khi tuổi nghỉ hưu của lao động được nâng lên, việc bố trí công việc trái với chuyên môn cho đội ngũ tài xế trong 7 năm để đến tuổi nghỉ hưu cũng không dễ.

"Xe buýt thì ít xe loại dưới 30 chỗ lắm, bây giờ mới có một vài doanh nghiệp đầu tư loại dưới 30 chỗ thôi, từ đó không có đủ thì những người đó sau khi không lái xe nữa thì về làm nghiệp vụ khác, việc khác, đi bán vé chẳng hạn, mà bán vé thì ảnh hưởng đến chính cuộc sống của người lao động", ông Thắng nói.

Trao đổi với VOV Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Trưởng Phòng Quản láy vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đương bộ Việt Nam cho biết, trong bối cảnh độ tuổi lao động đang tăng lên thì việc tăng tuổi nghỉ hưu với lái xe là phù hợp. Điều này giúp các doanh nghiệp vận tải tận dụng nguồn lao động có kinh nghiệm: "Trong Bộ Luật Lao động đã tăng độ tuổi của người lao động lên, cái này chúng tôi cũng đang xem xét để trình các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh độ tuổi của người lái xe khách hạng E cho phù hợp".

Dù lái xe thuộc lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song trong bối cảnh tuổi lao động nghỉ hưu được nâng lên, cùng với sức khỏe người lao động ngày càng được cải thiện, việc nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với tài xế cũng cần được xem xét. Giải quyết được điều này, không chỉ giúp bài toán về nhân lực cho các doanh nghiệp vận tải, mà còn phù hợp với nhu cầu của không ít người lao động.

Không phải ngẫu nhiên, cả dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT soạn thảo và Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông do Bộ Công an soạn thảo đều đề cập việc tăng tuổi lái xe.

Cụ thể, điểm e, khoản 1, Điều 104 của dự Luật Giao thông đường bộ quy định: Tuổi lao động tối đa của người hành nghề lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động. Nếu chiếu theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2021), tuổi lao động tối đa của người lái xe trên 30 chỗ đối với nữ là 60 và nam là 62.

Tương tự, tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an cũng quy định, tuổi tối đa của người hành nghề lái ô tô chở người trên 30 chỗ phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động, tức nam sẽ là 62 tuổi và nữ 60 tuổi.

Lý giải về đề xuất tăng tuổi với lái xe, cả Bộ GTVT và Bộ Công an đều cho rằng trong bối cảnh độ tuổi lao động Việt Nam đang tăng lên thì việc tăng tuổi tối đa là phù hợp, giúp các doanh nghiệp vận tải tận dụng nguồn lao động có kinh nghiệm. Còn tăng như thế nào, lộ trình tăng sẽ được tham khảo ý kiến của người dân, góp ý của các chuyên gia.

Điều đó cho thấy, các cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu kỹ về đề xuất tăng tuổi hành nghề với lái xe ô tô, đặc biệt là hạng E trước khi đưa ra đề xuất. Điều này không chỉ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, nguyện vọng của người lao động, mà còn tạo sự đồng bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Vấn đề đặt ra và cũng lo nỗi lo của không ít người là sức khỏe của lái xe trên 55 tuổi hoặc nguy cơ mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch… Tuy vậy, thông thường, đối với các loại ô tô trên 30 chỗ là xe đường dài, người sử dụng lao động sẽ thường trực hai lái xe trở lên. Các tài xế sẽ chia nhau lái xe theo giờ và nghỉ ngơi những lúc không làm việc. Còn với xe buýt, đều có thời gian nghỉ ngơi mỗi khi kết thúc hành trình

Quan trọng hơn, theo quy định hiện hành, các tài xế đều phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Doanh nghiệp, cá nhân nào không thực hiện sẽ bị xử phạt. Vì vậy, dù tài xế ở tuổi 40 hoặc 50, nhưng không đảm bảo sức khỏe cũng đều bị cấm lái xe.

Tuy nhiên, đây là quy định mới, các cơ quan chuyên môn cần tham khảo và có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng từ phía Bộ Y tế, tránh việc đồng bộ về mặt pháp luật lại đẻ lại nỗi lo không đáng có. Khi đã quy định ở độ tuổi sau 55, muốn tiếp tục tham gia việc lái xe thì việc khám sức khỏe ở độ tuổi này sẽ được đề cao hơn. Có thể khám ba tháng/lần, để đảm bảo sức khỏe của lái xe và duy trì nguồn lao động có chất lượng.

Khi tài xế được đánh giá đủ sức khỏe, trên cơ sở đánh giá kỹ mọi mặt, doanh nghiệp mới quyết định tiếp tục sử dụng lao động theo nhu cầu của người lao động.

Quan trọng hơn, đặc biệt là liên quan đến tuổi hành nghề của lái xe chở khách, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có lộ trình, thực hiện thí điểm với từng loại hình vận tải hành khách, bởi đặc thù xe buýt tại đô thị với mật độ phương tiện đông đúc khác hẳn với vận tải hành khách đường dài.

Chỉ khi có sự đánh giá kỹ lưỡng mức độ phù hợp với từng loại hình vận tải mới có đủ sở sở khoa học và thực tiễn để dần nới độ tuổi lái xe để áp dụng trên diện rộng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tăng cường xử lý “thần cồn” lái xe
Tăng cường xử lý “thần cồn” lái xe

VOV.VN - Uống rượu, bia liên hoan trong những ngày được nghỉ lễ, hàng loạt “thần cồn” tại vùng cao Sơn La giật mình “thon thót” khi bị CSGT xử lý ngay khi vừa rời quán nhậu.

Tăng cường xử lý “thần cồn” lái xe

Tăng cường xử lý “thần cồn” lái xe

VOV.VN - Uống rượu, bia liên hoan trong những ngày được nghỉ lễ, hàng loạt “thần cồn” tại vùng cao Sơn La giật mình “thon thót” khi bị CSGT xử lý ngay khi vừa rời quán nhậu.

Cán bộ, công chức say xỉn rồi lái xe: Nêu gương cho ai?
Cán bộ, công chức say xỉn rồi lái xe: Nêu gương cho ai?

VOV.VN - Dù các lực lượng chức năng liên tiếp mở chiến dịch xử lý vi phạm về nồng độ cồn, nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn do bia rượu, tài xế chống người thi hành công vụ. Đáng nói, không ít trường hợp vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan ban ngành, khiến dư luận rất bất bình.

Cán bộ, công chức say xỉn rồi lái xe: Nêu gương cho ai?

Cán bộ, công chức say xỉn rồi lái xe: Nêu gương cho ai?

VOV.VN - Dù các lực lượng chức năng liên tiếp mở chiến dịch xử lý vi phạm về nồng độ cồn, nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn do bia rượu, tài xế chống người thi hành công vụ. Đáng nói, không ít trường hợp vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan ban ngành, khiến dư luận rất bất bình.

Nghe lái xe buýt kể về nghề và nỗi lo “cơm áo gạo tiền”
Nghe lái xe buýt kể về nghề và nỗi lo “cơm áo gạo tiền”

VOV.VN - Xe buýt từ lâu được phong là “hung thần đường phố”, thế nhưng, ít ai biết rằng đằng sau vô lăng, các tài xế xe buýt cũng đang phải chịu vô vàn áp lực. Bên cạnh những vất vả của công việc, lái xe buýt còn nhiều trăn trở với nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Nghe lái xe buýt kể về nghề và nỗi lo “cơm áo gạo tiền”

Nghe lái xe buýt kể về nghề và nỗi lo “cơm áo gạo tiền”

VOV.VN - Xe buýt từ lâu được phong là “hung thần đường phố”, thế nhưng, ít ai biết rằng đằng sau vô lăng, các tài xế xe buýt cũng đang phải chịu vô vàn áp lực. Bên cạnh những vất vả của công việc, lái xe buýt còn nhiều trăn trở với nỗi lo cơm áo gạo tiền.