Ngoài đấu thầu tập trung, đàm phán có giúp giá thuốc giảm?
Thứ Năm, 06:00, 11/01/2018
VOV.VN - Để thực hiện mục tiêu giảm giá thuốc từ 10% - 15%, bên cạnh đấu thầu tập trung, Bộ Y tế sẽ thực hiện phương thức đàm phán với nhà cung cấp.
Năm 2017, lần đầu tiên thuốc chữa bệnh được tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Tuy nhiên, hình thức này hiện chỉ áp dụng đối với rất ít loại thuốc.
Trên thực tế còn nhiều loại thuốc và vật tư y tế có chênh lệch giá giữa các bệnh viện và các địa phương nhưng chưa được điều chỉnh.
Để thực hiện mục tiêu giảm giá thuốc từ 10% - 15%, bên cạnh việc tiếp tục đấu thầu tập trung, Bộ Y tế sẽ thực hiện phương thức đàm phán với nhà cung cấp để giảm giá thuốc.
(Ảnh minh họa)
Tháng 8/2017, Bộ Y tế bước đầu tổ chức đấu thầu tập trung 22 mặt hàng thuốc ung thư.
Kết quả trúng thầu cho thấy, tổng giá thuốc trúng thầu là 2.270 tỷ đồng, giảm 477 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong đó, 5 thuốc biệt dược qua đấu thầu tập trung đã giảm giá 114 tỷ đồng và 17 thuốc generic giảm 362 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế cho biết: “Giá trúng thầu thuốc được chúng tôi xem xét rất nhiều khía cạnh, không phải chỉ một tiêu chí giá trúng thầu thấp nhất (không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất trong 12 tháng qua của các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu). Chúng tôi cũng đã phân tích một khoảng giá, để chọn nhà thầu vừa có số lượng cung cấp nhiều nhất vừa có nhiều loại thuốc được các bệnh viện tuyến trung ương sử dụng nhiều. Tất cả các tiêu chí đó được chúng tôi tổng hợp để xây dựng giá gói thầu”.
Trong năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tiến hành thí điểm đấu thầu tập trung quốc gia đối với một số thuốc sử dụng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.
Kết quả, giá 20 mặt hàng thuốc kháng sinh trúng thầu đã giảm hơn 250 tỷ đồng so với kế hoạch
Như vậy, chỉ qua hai đợt đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quỹ Bảo hiểm y tế và người dân đã tiết kiệm được gần 700 tỉ đồng tiền thuốc.
Bà Nguyễn Thị Bích (ở phố Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi biết thông tin giá thuốc giảm nhờ đấu thầu tập trung, thậm chí giá một số loại thuốc giảm được một nửa so với trước đây.
Bà Nguyễn Thị Bích nói: “Tôi là người rất nhiều bệnh, hay phải nằm viện, cũng mong các thứ giảm đi phần nào cũng nhẹ đi được phần đấy. Thứ thuốc mình được nhận cũng phải có tác dụng để bệnh phần nào thuyên giảm chứ không mang tiếng BHYT nhưng vẫn phải sử dụng thuốc ngoài, đắt tiền. Tôi thấy có nhiều loại thuốc tốt nhưng nếu giảm được phần nào giá để chúng tôi có điều kiện để chữa trị bệnh và để chúng tôi có niềm tin vào ngành y tế cũng như bệnh viện”.
Những năm qua, tổng chi cho thuốc từ Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn ở mức cao. Năm 2015 là hơn 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,3%. Năm 2016 là hơn 31.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41% và năm 2017 là hơn 40.000 tỉ đồng, cao hơn so với các quốc gia có điều kiện kinh tế tương đồng. Do vậy, nếu mở rộng đấu thầu tập trung với các thuốc có lượng sử dụng lớn thì tiền thuốc sẽ còn giảm nữa.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế đấu thầu tập trung 16 loại kháng sinh, 2 thuốc điều trị tiểu đường và 2 thuốc điều trị tiêu hóa.
Ông Phạm Lương Sơn cho hay: “Chúng ta đã đảm bảo được mục tiêu đầu tiên là đấu thầu tập trung cấp quốc gia nhưng vẫn đảm bảo cung ứng kịp thời và đủ thuốc cho người bệnh. Đấu thầu quốc gia để kiểm soát được giá thuốc và giảm giá thuốc, hoàn thành vượt chỉ tiêu mà Chính phủ giao. Hy vọng với quyết tâm chỉ đạo của Chính phủ, quyết tâm của ngành BHXH, chúng tôi sẽ sớm được tiến hành đấu thầu thuốc giai đoạn 2, sớm đưa vào đấu thầu một số nhóm vật tư y tế, sẽ thực hiện trong năm nay”.
Thực hiện mục tiêu giảm giá thuốc từ 10%-15% trong năm 2018 mà Chính phủ giao, đặc biệt là giảm các giá thuốc biệt dược đã hết bản quyền công nghệ, Bộ Y tế đang triển khai phương thức đàm phán giá thuốc cấp quốc gia.
Trước đó, Bộ từng đàm phán với một công ty dược phẩm của Mỹ cung ứng thuốc điều trị bệnh viêm gan C với giá chỉ bằng 1% giá thuốc phát minh.
Dự kiến, trong quý 1 này, Hội đồng của Bộ sẽ đàm phán giá thuốc đối với 8 mặt hàng thuốc biệt dược gốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Việc đàm phán được thực hiện với các loại thuốc giá cao, thuốc biệt dược và những loại thuốc gần hết bản quyền và đã có nhiều loại thuốc generic. Ở những nước đã thực hiện đàm phán giá thì hình thức này thì giá thuốc có thể giảm được 30%, thậm chí 50%. Đàm phán giá giống như việc mặc cả, bán buôn bao giờ cũng rẻ hơn bán lẻ. Bây giờ mua số lượng nhiều, mua thường xuyên chắc chắn phải rẻ hơn đi mua lẻ. Đối với nhà cung cấp, khi thuốc sắp hết bản quyền nếu không hạ giá thì tới đây là sao giữ được nguyên giá”.
Giảm giá thuốc không chỉ giảm áp lực cho Quỹ Bảo hiểm y tế đang có nguy cơ bị bội chi mà còn giảm chi tiền túi của người dân mỗi khi đi bệnh viện.
Để thực hiện được mục tiêu giảm tỷ lệ chi tiền túi của người dân cho y tế xuống mức 30% như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tức là giảm hơn 10% so với hiện nay thì việc giảm giá thuốc về đúng giá trị thực của nó là một biện pháp quan trọng.
Đấu thầu thuốc tập trung cũng mở ra hướng đấu thầu trang thiết bị, vật tư, hóa chất để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập./.
VOV.VN - BHXH Bình Định đề nghị xem lại giá thuốc đấu thầu sau khi phát hiện gần 130 loại thuốc có giá cao hơn giá trúng thầu so với các tỉnh, thành khác.
VOV.VN - Sau khi so sánh với hàng loạt quốc gia, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định giá thuốc ở Việt Nam không hề cao như phản ánh của đại biểu.
VOV.VN - Sau khi so sánh với hàng loạt quốc gia, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định giá thuốc ở Việt Nam không hề cao như phản ánh của đại biểu.
VOV.VN - Sau khi so sánh với hàng loạt quốc gia, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định giá thuốc ở Việt Nam không hề cao như phản ánh của đại biểu.
VOV.VN - BHXH Bình Định đề nghị xem lại giá thuốc đấu thầu sau khi phát hiện gần 130 loại thuốc có giá cao hơn giá trúng thầu so với các tỉnh, thành khác.
VOV.VN - BHXH Bình Định đề nghị xem lại giá thuốc đấu thầu sau khi phát hiện gần 130 loại thuốc có giá cao hơn giá trúng thầu so với các tỉnh, thành khác.
VOV.VN - Theo thống kê mới nhất, trong khoảng 30.000 mẫu thuốc mà cơ quan chức năng lấy kiểm nghiệm, phát hiện 0,1% mẫu thuốc giả và 3% thuốc kém chất lượng.
VOV.VN - Theo thống kê mới nhất, trong khoảng 30.000 mẫu thuốc mà cơ quan chức năng lấy kiểm nghiệm, phát hiện 0,1% mẫu thuốc giả và 3% thuốc kém chất lượng.